Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ca mắc trên cả nước giảm 1.242 ca so với ngày trước đó. Tính từ 16 giờ ngày 20.4 đến 16 giờ ngày 21.4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.029 ca nhiễm mới trong nước (giảm 1.242 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó có 9.074 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 200 ca bệnh: Hà Nội (986), Phú Thọ (836), Quảng Ninh (550), Bắc Giang (550), Nghệ An (511), Yên Bái (487), Hải Dương (484), Vĩnh Phúc (414), Gia Lai (393), Tuyên Quang (383), Đắk Lắk (375), Lào Cai (373), Thái Nguyên (339), Bắc Kạn (331), Thái Bình (279), Đắk Nông (277), Quảng Bình (274), Bắc Ninh (243), Hưng Yên (240), Nam Định (229), Cao Bằng (210), Ninh Bình (207), Đà Nẵng (204),
Các địa phương ghi nhận dưới 100 ca nhiễm: Quảng Nam (99), Điện Biên (97), Bình Phước (96), TP.HCM (94), Bình Định (93), Vĩnh Long (89), Bình Dương (79), Bến Tre (77), Quảng Ngãi (68), Cà Mau (65), Thanh Hóa (64), Phú Yên (61), Long An (36), Đồng Tháp (33), Khánh Hòa (32), Bình Thuận (29), Thừa Thiên Huế (27), Bạc Liêu (22), An Giang (14), Trà Vinh (10), Kiên Giang (6), Đồng Nai (5), Kon Tum (5), Hậu Giang (5), Cần Thơ (4), Tiền Giang (3).
Hôm nay, Sở Y tế Đắk Nông đăng ký bổ sung 18.545 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM |
nhật thịnh |
Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm 4 triệu liều vắc xin cho trẻ em. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 21.4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm 4 triệu liều vắc xin cho trẻ em từ Pháp và Hà Lan, bên cạnh cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 12,8 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của Chính phủ Úc. “Chính phủ Úc đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 12,8 triệu liều vắc xin. Đến nay, Việt Nam cũng đã nhận được hơn 6 triệu liều Mordena từ Úc. Hà Lan đã cam kết hỗ trợ 2 triệu liều vắc xin Mordena, Pháp hỗ trợ 2 triệu liều vắc xin Pfizer. Dự kiến sẽ về đến Việt Nam trong tháng 4 này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Bà Hằng cũng cho biết liên quan thông tin tiếp nhận vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi, theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tích cực vận động, trao đổi với các tổ chức quốc tế như COVAX, các tập đoàn sản xuất vắc xin thế giới để thúc đẩy nhanh việc cung cấp, hỗ trợ vắc xin cho trẻ em. "Bộ Ngoại giao cũng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trao đổi với các tổ chức quốc tế, với các đối tác để làm sao đảm bảo được nguồn vắc xin cho trẻ em, góp phần hoàn thành kế hoạch tiêm chủng của trẻ em trong quý 2 năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", bà Hằng chia sẻ.
Trước đó, chuyến vắc xin đầu tiên với 921.600 liều đã tới sân bay quốc tế Nội Bài vào tối 8.4. Đây là số vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên cho trẻ em tại Việt Nam được Chính phủ Úc viện trợ.
Trẻ em ở TP.HCM chưa có mã số định danh vẫn được tiêm vắc xin Covid-19. Chiều 21.4, tại buổi họp báo định kỳ, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết tính đến hết ngày 20.4, có hơn 93.500 trẻ từ 5 - 12 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19, gần 1.800 trẻ hoãn tiêm, hơn 450 trẻ được chỉ định chuyển đến bệnh viện tiêm. Các trường hợp phản ứng sau tiêm được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, sức khỏe ổn định, công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm được tổ chức trật tự, an toàn.
Các trường hợp hoãn tiêm do trẻ đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh, đến nay chưa đủ thời gian để tiêm. Riêng trẻ có bệnh nền, cơ địa béo phì thì chuyển vào bệnh viện tiêm để chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Giải đáp băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc chưa có mã số định danh cho trẻ thì có được tiêm hay không, bà Như cho biết nếu phụ huynh vẫn muốn đăng ký tiêm cho con thì ngành y tế vẫn tổ chức tiêm bình thường. Trong quá trình tiêm, nhân viên y tế sẽ ghi lại thông tin của trẻ và sau này thực hiện các bước định danh xác thực sau.
Tây Ninh tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ ngày 22.4. Ngày 21.4, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Cường ký ban hành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho 113.724 trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ở Tây Ninh. Dự kiến thời gian tiêm từ ngày 22.4 đến ngày 31.5. Theo ông Cường, mục tiêu trong tháng 4 đến tháng 5.2022, Tây Ninh sẽ hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cơ bản, đảm bảo bao phủ miễn dịch cộng đồng cho tất cả trẻ em. Hai loại vắc xin được sử dụng là Pfizer và Moderna.
Cụ thể, 100% trẻ từ 5 tuổi đến 12 tuổi được tiếp cận vắc xin Covid-19 và trên 95% trẻ ở độ tuổi này đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi. Cũng theo ông Cường, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Trong đó, ưu tiên tiêm chủng tại các trường học, các điểm tiêm trạm y tế đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng và cấp cứu cho trẻ sau tiêm.
5 nhóm di chứng lâu dài do Covid-19. Trao đổi thông tin bên lề hội nghị khoa học về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tổ chức tại Hà Nội hôm nay 21.4, bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang lấy ý kiến và đề xuất bệnh lý Covid-19 là bệnh mới được bổ sung trong nhóm bệnh nghề nghiệp. "Bộ Y tế đang hoàn tất việc giải trình và xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo thông tư bổ sung Covid-19 vào nhóm bệnh nghề nghiệp. Khi được thông qua, đây là căn bệnh nghề nghiệp thứ 35 được công nhận. Đến nay, đã 37 quốc gia công nhận Covid-19 là bệnh nghề nghiệp", bác sĩ Trung nói.
Theo dự thảo mới nhất, Bộ Y tế không quy định tỷ lệ thương tật của những người mắc Covid-19 không có di chứng, mà chỉ xác định bệnh nghề nghiệp đối với những trường hợp có di chứng sau 6 tháng mắc Covid-19 và được giám định loại trừ các yếu tố liên quan khác. Có 5 nhóm di chứng chính sau khỏi bệnh Covid-19: 1. Triệu chứng toàn thân là các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, đau khớp, đau cơ, rối loạn vị giác, rối loạn khứu giác rụng tóc. 2. Hô hấp: viêm phổi, viêm phổi kẽ, thuyên tắc mạch phổi là các tổn thương xơ phổi, giãn phế nang, xẹp phổi, suy giảm chức năng hô hấp. 3. Tim mạch: rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, nhồi máu mạch vành, xơ cơ tim đau ngực tăng huyết áp. 4. Thần kinh (liệt vận động, động kinh, liệt thần kinh sọ não, viêm não – tủy tự miễn...). 5. Tâm thần (ảo giác, rối loạn hoang tưởng, rối loạn khí sắc, rối loạn trầm cảm, rối loạn nhận thức...).
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, đánh giá các triệu chứng của Covid-19 kéo dài ở người mắc Covid-19 nhẹ. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí khoa học Influenza and Other Respiratory Viruses, đánh giá các triệu chứng Covid-19 kéo dài hơn 6 tháng ở bệnh nhân Covid-19. Nghiên cứu mô tả các triệu chứng Covid-19 từ 6 - 11 tháng sau nhiễm Covid-19 nhẹ. Những người tham gia phân loại mức độ nghiêm trọng 8 triệu chứng của Covid-19 kéo dài, bao gồm mệt mỏi, khó tập trung, khó ngủ, khó hoàn thành các công việc hằng ngày thông thường, khó thở, mất khứu giác, mất vị giác và rụng tóc. Các triệu chứng của Covid-19 kéo dài bao gồm: Khó thở, đau hoặc tức ngực, tim đập nhanh, chóng mặt; Đau đầu, các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung, còn gọi là “sương mù não”; Trầm cảm, lo lắng, cực kỳ mệt mỏi và khó ngủ hay mất ngủ; Ù tai, đau tai, tê tay chân như kim châm và đau khớp; Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn; Sốt cao, ho, đau họng, thay đổi khứu giác, vị giác, phát ban. Các triệu chứng có thể không thay đổi hoặc có thể đến và đi theo từng đợt. Tất cả các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trong một nghiên cứu khác, có khoảng 21,7 - 53% những người bị Covid-19 kéo dài bị rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ.
Bình luận (0)