Tình hình Covid-19 hôm nay 22.3: Ca nhiễm giảm, số khỏi bệnh vượt xa ca mắc mới

22/03/2022 19:27 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới, trong khi có đến 186.137 bệnh nhân khỏi bệnh.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 130.731 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 21.3 đến 16 giờ hôm nay trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 130.735 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 130.731 ca ghi nhận trong nước (giảm 978 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 16.014 ca, Phú Thọ 5.920 ca, Nghệ An 4.820 ca, Lào Cai 4.544 ca, Hải Dương 4.219 ca, Bắc Giang 3.949 ca, Yên Bái 3.933 ca, Vĩnh Phúc 3.892 ca, Lạng Sơn 3.657 ca, Tuyên Quang 3.569 ca, Đắk Lắk 3.478 ca, Bắc Ninh 3.473 ca, Sơn La 3.338 ca, Hưng Yên 3.327 ca, Hòa Bình 3.324 ca, Thái Bình 3.120 ca, Cà Mau 3.053 ca.

Hôm nay Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 35.000 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.331 ca, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 26.400 ca và Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 23.687 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai giảm 2.793 ca, Hà Nội giảm 1.902 ca, Bắc Kạn giảm 1.422 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cao Bằng tăng 646 ca, Lâm Đồng tăng 620 ca, Hải Dương tăng 599 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 186.137 bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện, 4.225 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 65 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó Hà Nội 5 ca, Bắc Ninh, Đồng Nai và Quảng Ninh mỗi nơi ghi nhận 4 ca, Cao Bằng 4 ca trong 2 ngày, Bến Tre, Bình Dương, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang và Kiên Giang Cao Bằng mỗi nơi ghi nhận 3 ca…

Số ca mắc mới ở Hà Nội giảm còn 16.014 ca. Trong ảnh, giới trẻ chụp ảnh trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào mùa cây thay lá

văn đạt

Tại buổi tọa đàm “Hiểu đúng về hội chứng hậu Covid-19” do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức sáng 22.3, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay vấn đề hậu Covid-19 được người dân rất quan tâm. Theo ông, về nguyên tắc, các bệnh bao giờ cũng có các giai đoạn trước, trong và sau, Covid-19 cũng tương tự như vậy. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước xây dựng hướng dẫn phục hồi chức năng các cơ quan sau khi mắc Covid-19 cho người dân. Các cơ sở khám, chữa bệnh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, trong đó có những biện pháp không cần dùng thuốc. Bộ Y tế cũng giao cho Bệnh viện tâm thần Trung ương là bệnh viện đầu ngành hướng dẫn các vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cho người dân.

Mặt khác, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thay đổi chiến lược điều trị hậu Covid-19. Theo đó, không cần thành lập thêm bệnh viện, các khoa điều trị hậu Covid-19. Lý do, hiện nay ở các bệnh viện đều có sẵn các chuyên khoa, bệnh nhân nếu có các triệu chứng hậu Covid-19 dẫn đến suy giảm chức năng cơ quan nào thì đến khám, điều trị tại bệnh viện hoặc khoa chuyên khoa đó. Tất cả các khoa đều có thể tham gia điều trị, phục hồi chức năng sau khi mắc Covid-19 cho người dân và người dân vẫn được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như thông thường. Dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã thành một phần trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi gặp các triệu chứng hậu Covid-19, vẫn còn một số người từ lo lắng đến sợ hãi và tìm các phương pháp điều trị phi chính thống, truyền miệng và theo chia sẻ trên một số hội nhóm, điều này khiến bệnh kéo dài. Do đó, hiểu đúng và ứng xử với hậu Covid-19 là điều cần quan tâm.

TP.HCM xem xét cho F1 Covid-19 đi học, đi làm bình thường

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 10 giờ ngày 22.3, có gần 48.000 lượt khai báo của người dân mắc Covid-19 (F0) qua mạng tại địa chỉ website: https://khaibaof0.tphcm.gov.vn được ghi nhận trên hệ thống quản lý người bệnh Covid-19. Trong đó, các trạm y tế được hệ thống cảnh báo 731 ca F0 thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền) cần được tư vấn và chăm sóc tại nhà; 4.342 ca có dấu hiệu nặng (mệt, khó thở, đau tức ngực) được hệ thống cảnh báo đến các trạm y tế phường, xã để chủ động tư vấn và cung cấp thuốc điều trị kịp thời, cũng như hướng dẫn nhập viện ngay khi có chỉ định.

Lãnh đạo Sở Y tế nhận định, công tác chuyển đổi số ngoài hiệu quả làm giảm phiền hà cho người dân mắc F0, còn có tính năng rất quan trọng là tăng cường phát hiện và bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và người có dấu hiệu nặng. Trước đây, thực tế vẫn còn bỏ sót một số người thuộc nhóm nguy cơ và người có triệu chứng nặng. Bên cạnh đó, hệ thống còn có chức năng phân quyền giám sát theo tình hình khai báo của người dân và tiếp nhận xử lý của từng trạm y tế theo thời gian thực nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn và ban chỉ đạo quận, huyện và TP.Thủ Đức. Điều này giúp lãnh đạo địa phương nắm bắt được tình hình ca mắc mới của người dân trên địa bàn để kịp thời đưa ra các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Ngày 22.3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa bắt 2 nghi phạm là Hồ Văn Trí (25 tuổi) và Hồ Đắc Thắng (26 tuổi, cùng trú tổ 23, P.Nam Dương, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vì đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức rao bán kit test nhanh kháng nguyên Covid-19 trên các trang mạng xã hội, chiếm đoạt trên 300 triệu đồng.

Ngày 8.3.2022, Trí và Thắng mua sim rác, tạo các tài khoản Facebook rồi rao bán kit test Covid-19, ai có nhu cầu mua thì phải chuyển khoản trước. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, Trí và Thắng không chuyển hàng cho người mua mà khóa tài khoản mạng xã hội, tháo sim điện thoại nhằm cắt đứt liên lạc với người mua. Qua thông tin tố giác của người dân, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ và khẩn trương phân công 1 tổ công tác tiến hành bắt giữ các nghi phạm ngay tại TP.Đà Nẵng. Bước đầu, Trí và Thắng khai nhận đã thực hiện lừa đảo trót lọt 7 vụ với số tiền chiếm đoạt trên 300 triệu đồng. Thắng còn khai nhận thêm là số tiền chiếm đoạt được dùng để tiêu xài với đánh bài trên mạng.

TP.HCM không còn xã, phường “vùng cam” Covid-19

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM rà soát nhu cầu vay vốn mua nhà, sản xuất sau đại dịch Covid-19. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa yêu cầu một số sở, ngành rà soát nhu cầu vay vốn của từng lĩnh vực để thụ hưởng các chính sách tài khóa, tiền tệ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Theo đó, Sở LĐ-TB-XH phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM rà soát nhu cầu vay vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trong đó, cần lưu ý quan tâm đến đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, duy trì và ổn định cuộc sống. Sở Xây dựng có trách nhiệm rà soát, cung cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM các thông tin về chủ trương, định hướng xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn; cung cấp danh sách các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội và tiến độ thực hiện các dự án để triển khai cho vay. Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát nhu cầu vay vốn để mua sắm máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 của học sinh các cấp, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch. Dự kiến, TP.HCM cũng sẽ bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm vào dự toán chi ngân sách hàng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.