Tình hình Covid-19 hôm nay 6.4: Số ca mắc mới, tử vong giảm trên cả nước

06/04/2022 19:12 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Cả nước ghi nhận 49.124 ca nhiễm mới, giảm 5.871 ca so với ngày trước đó; có 31 ca tử vong tại các tỉnh, thành, giảm 8 ca so với hôm trước.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Thêm 49.124 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 5.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 49.124 ca nhiễm mới, là các ca trong nước (giảm 5.871 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 4.037 ca, Nghệ An 2.302 ca, Phú Thọ 2.257 ca, Yên Bái 2.230 ca, Bắc Giang 2.160 ca, Đắk Lắk 2.064 ca, Quảng Ninh 1.968 ca, Lào Cai 1.760 ca, Vĩnh Phúc 1.590 ca, Quảng Bình 1.494 ca, Bắc Kạn 1.406 ca, Bắc Ninh 1.357 ca, Lạng Sơn 1.287 ca, Tuyên Quang 1.167 ca, Thái Bình 1.115 ca, TP.HCM 1.075 ca. Hôm nay, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 9.300 ca mắc sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Ngày 6.4: Công bố 58.424 ca Covid-19, 130.273 ca khỏi | Hà Nội 4.037 ca | TP.HCM 1.075 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ngãi giảm 1.504 ca, Hà Nội giảm 1.162 ca, Hà Giang giảm 1.122 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh tăng 626 ca, Bến Tre tăng 557 ca, Lạng Sơn tăng 411 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có thêm 130.273 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện có 1.577 bệnh nhân đang phải thở ô xy, trong đó 206 ca thở máy xâm lấn và 1 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 31 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Bến Tre và Kiên Giang mỗi nơi 4 ca, Đồng Nai 3 ca, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Quảng Ngãi mỗi nơi 2 ca, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hòa Bình, Phú Thọ, Phú Yên và Quảng Ninh mỗi tỉnh 1 ca.

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội lần đầu đến trường ngày 6.4 sau gần 1 năm học trực tuyến

đậu tiến đạt

Bộ Y tế thông tin về “công dụng” của hộ chiếu vắc xin Covid-19. Bộ Y tế hôm nay 6.4 có thông tin mới nhất về “công dụng” của hộ chiếu vắc xin Covid-19, sau khi nhiều người dân nêu câu hỏi “hộ chiếu vắc xin dùng để làm gì?”. Theo Bộ Y tế, từ 15.4, Việt Nam cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 trên cả nước. Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết hộ chiếu vắc xin được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Hộ chiếu vắc xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng (số mũi vắc xin phòng Covid-19 đã tiêm, thời điểm tiêm...) hoặc khỏi bệnh Covid-19 của cá nhân.

Hộ chiếu vắc xin không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực… khi ra nước ngoài. Với người Việt Nam không ra nước ngoài, người dân không cần phải sử dụng hộ chiếu vắc xin, không phải sử dụng hộ chiếu vắc xin khi đi lại vì đã có chứng nhận tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng như PC-Covid, Sổ Sức khỏe điện tử.

Khi nào cần sử dụng hộ chiếu vắc xin Covid-19?

Từ 0 giờ ngày 8.4, Hà Nội cho mở cửa bar, massage và karaoke. Tại cuộc họp báo về thông tin kinh tế xã hội quý 1/2022, ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội, cho biết thời gian qua, thành phố đã theo dõi thông tin liên quan đến việc đóng cửa kéo dài với các hoạt động dịch vụ có điều kiện. Sáng nay 6.4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo Sở VH-TT và Sở Y tế tham mưu về thời gian mở cửa trở lại với các loại hình này. Thông tin mới nhất, theo ông Dũng, cuối giờ chiều nay, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản số 1011, theo đó các loại hình kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage, quán bar, quán internet được mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 8.4.

Tuy nhiên, phải quản lý, giám sát chặt chẽ phòng, chống dịch, khuyến cáo khách hàng khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như ho, sốt, khó thở, mất vị giác... không sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn. Ông Dũng cho biết, việc mở cửa từ 8.4 để có thời gian cho các cơ quan chức năng cũng như các cơ sở kinh doanh chuẩn bị các điều kiện hoạt động trở lại. Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện như karaoke, massage, quán bar, quán internet để đảm bảo công tác phòng, chống dịch từ cuối tháng 4.2021.

Cà Mau chấn chỉnh công tác tiêm vắc xin Covid-19 sau ca tiêm nhầm vắc xin cho bé 7 tháng tuổi. Ngày 6.4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, vừa có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và các địa phương chấn chỉnh lại công tác tiêm vắc xin. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh phải tuyệt đối tuân thủ quy trình, kỹ thuật; trước khi tiêm chủng phải kiểm tra “5 đúng” (đúng đối tượng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường sử dụng, đúng lịch tiêm); tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyệt đối không để nhầm lẫn trong tiêm chủng; kịp thời kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy trình tiêm chủng, nhất là những lỗi do chủ quan, gây ảnh hưởng không tốt cho ngành y tế.

Trước đó, tại Cà Mau xảy ra trường hợp tiêm nhầm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho bé 7 tháng tuổi. Cụ thể, ngày 1.4, bé N.N.M. (ngụ ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, H.Ngọc Hiển) được gia đình đưa đến Trạm y tế xã Tam Giang Tây tiêm vắc xin. Tại đây, bé M. được 1 y sĩ tiêm nhầm vắc xin ngừa Covid-19. Vắc xin được chỉ định tiêm cho bé là SII (vắc xin 5 trong 1) và OPV nhưng lại tiêm nhầm là Comirnaty (Pfizer) LOT/EXP: PC A005 06/2022, liều lượng 0,3 ml. Bé M. được đưa vào phòng bệnh để theo dõi sức khỏe ngay sau khi phát hiện sự cố. Trạm y tế đã chuyển bé đến khoa Cấp cứu hồi sức, Trung tâm Y tế H.Ngọc Hiển theo dõi sức khỏe, tình trạng sức khỏe ổn định. Đến khoảng 12 giờ ngày 1.4, bé M. được chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau để tiếp tục theo dõi. Liên quan sự việc, ngành y tế H.Ngọc Hiển tạm đình chỉ y sĩ tiêm nhầm vắc xin.

Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội đến trường sau 11 tháng ở nhà. Sáng nay 6.4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội được đến trường sau 11 tháng ở nhà vì dịch Covid-19. Việc học tập từ ngày 5.9 đến nay đều bằng hình thức trực tuyến, học sinh chưa từng được gặp trực tiếp bạn bè, thầy cô. Dù chỉ còn gần 2 tháng nữa kết thúc năm học nhưng nhiều phụ huynh cho biết con được đến trường ngày nào cũng quý giá.

Tuy nhiên, cũng có một số học sinh hôm nay chưa thể đến trường vì đang trong diện F0, F1 hoặc giáo viên mới mắc Covid-19. Tính từ thông báo cho học sinh các cấp trên toàn thành phố nghỉ học tập trung từ ngày 4.5.2021, đến nay với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các quận nội thành, đã hơn 11 tháng các em không được đến trường. Hà Nội từng dự kiến cho học sinh từ lớp 1 tới lớp 6 các quận nội thành trở lại trường từ 21.2. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ huynh bất an nên kế hoạch này bị hoãn lại.

Nghiên cứu mới: Covid-19 có thể lây nhiễm với giọt bắn siêu nhỏ

Hướng dẫn bài tập thở giúp kiểm soát cơn ho hậu Covid-19. Tổ chức chăm sóc bệnh phổi của Asthma + Lung UK của Anh cho biết các bài tập thở có thể giúp làm sạch cơn ho có đàm. Đây là kỹ thuật giúp đẩy chất nhầy ra khỏi phổi, bao gồm 3 bước: hít vào, giữ hơi và chủ động thở ra. 1. Kiểm soát hơi thở: Thở nhẹ nhàng, nếu được thì nên thở bằng mũi. Hít không khí vào bụng sao cho bụng phình lên, và thở ra thì bụng xẹp xuống. Thở chậm rãi để thư giãn. 2. Bài tập hít thở sâu: Hít một hơi thật dài, chậm và sâu bằng mũi, giữ hơi thở trong 2 - 3 giây và thở ra nhẹ nhàng, như thở dài. Giữ vai, ngực thư giãn. Có thể lặp lại bước 1 và 2 vài lần trước khi qua bước 3.

3. Tống đàm ra khỏi phổi: Đây là kỹ thuật thở mạnh ra bằng miệng mà không ho, giúp tách đàm ra khỏi thành phổi. Gồm 2 cách: Đẩy đàm từ dưới phổi ra đường thở: Chỉ hít vào ¾ dung tích phổi, thở mạnh ra, ép không khí từ phổi ra ngoài qua miệng và cổ họng, như đang cố hà hơi vào một tấm gương. Đẩy đàm từ đường thở trên ra ngoài: Hít một hơi thật dài, chậm và sâu, há miệng và khạc nhanh ra. Thực hiện 2 động tác này và sau đó ho mạnh một cái để đẩy đàm ra ngoài. Làm nguyên chu kỳ trong 10 - 15 phút cho đến khi sạch đàm. Mỗi ngày làm 2 lần, nếu đàm nhiều hơn và ho nhiều hơn, có thể làm nhiều lần hơn, theo trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh NHS.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, chuyển đơn tố cáo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn đến Thanh tra TP.HCM. Theo đó, Ban tiếp công dân - Văn phòng UBND TP.HCM đã nhận được văn bản của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phiếu chuyển đơn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM kèm đơn tố cáo (tố cáo ông Lê Minh Tấn - PV) của công dân, gửi Chủ tịch UBND TP.HCM. Căn cứ quy định về quy trình giải quyết tố cáo trên địa bàn TP.HCM, Ban tiếp công dân - Văn phòng UBND TP.HCM chuyển đơn tố cáo ông Lê Minh Tấn đến Thanh tra TP.HCM xem xét theo quy định. Đây là đơn tố cáo thứ hai (đơn đề ngày 16.2.2022), tố cáo ông Lê Minh Tấn với nhiều nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành. Trước đó, cơ quan chức năng tại TP.HCM cũng nhận được đơn tố cáo đề ngày 12.1.2021, tố cáo ông Lê Minh Tấn với 5 nội dung. Trong đó, có nội dung tố cáo ông Tấn đã chỉ đạo hai người dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền đóng góp ủng hộ khắc phục hậu quả dịch Covid-19 tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (2 đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.