Tình hình Covid-19 hôm nay 7.4: Dịch hạ nhiệt, 48/63 tỉnh thành có ca mắc mới dưới 1.000

07/04/2022 20:05 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Chỉ có 15 tỉnh thành ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới, có đến 48 địa phương có số ca mắc mới dưới 1.000; số tử vong giảm còn 21 ca.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Việt Nam đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc Covid-19. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 45.886 ca nhiễm mới, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 45.884 ca ghi nhận trong nước (giảm 3.240 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Có 15 tỉnh thành ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 3.635, Bắc Giang 2.267, Phú Thọ 2.174, Yên Bái 2.167, Nghệ An 1.965, Quảng Ninh 1.956, Lào Cai 1.826, Đắk Lắk 1.619, Bắc Kạn 1.523, Vĩnh Phúc 1.299, Quảng Bình 1.217, Cao Bằng 1.103, Tuyên Quang 1.102, Lạng Sơn 1.087, Thái Bình 1.078. Có 48 địa phương ghi nhận số ca mắc mới dưới 1.000: Thái Nguyên 958, Bắc Ninh 917, Hà Giang 897, Hải Dương 867, TP.HCM 864, Gia Lai 846, Hưng Yên 842, Quảng Trị 747, Sơn La 730, Lâm Đồng 714, Vĩnh Long 678, Bình Định 635, Bình Dương 599, Hà Tĩnh 575, Lai Châu 569, Hòa Bình 543, Hà Nam 539, Tây Ninh 537, Bình Phước 532, Bến Tre 530, Quảng Ngãi 499, Ninh Bình 474, Đà Nẵng 472, Cà Mau 457, Điện Biên 440, Nam Định 438, Đắk Nông 363, Bà Rịa - Vũng Tàu 278, Quảng Nam 241, Thừa Thiên - Huế 235, Phú Yên 234, Hải Phòng 231, Thanh Hóa 218, Khánh Hòa 208, Bình Thuận 194, Trà Vinh 167, An Giang 129, Kiên Giang 118, Bạc Liêu 92, Long An 76, Kon Tum 41, Cần Thơ 40, Ninh Thuận 27, Đồng Nai 23, Sóc Trăng 17, Đồng Tháp 16, Hậu Giang 12, Tiền Giang 7.

Ngày 7.4: Công bố 90.228 ca Covid-19, 117.503 ca khỏi | Việt Nam vượt 10 triệu ca nhiễm

Hôm nay, Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đăng ký bổ sung 32.342 ca; Sở Y tế Gia Lai đăng ký bổ sung 12.000 ca, sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk giảm 445 ca, Bắc Ninh giảm 440 ca, Hà Nội giảm 402 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai tăng 846 ca, Quảng Ngãi 499 ca, Bình Dương tăng 186 ca. Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 10 triệu ca nhiễm. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 117.503 bệnh nhân khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi từ đầu dịch đến nay là gần 8,4 triệu. 1.674 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, 207 ca thở máy xâm lấn và 1 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 21 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Kiên Giang 4 ca; Cao Bằng, Sóc Trăng, Thái Bình, TP.HCM và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 2 ca; Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai và Lâm Đồng mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Học sinh lớp 1 ở Hà Nội xếp hàng vào lớp sau gần 1 năm học trực tuyến tại nhà

ngọc thắng

Thêm 3 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam. Chiều 7.4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã thông tin thêm về 3 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam. Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin cập nhật các quốc gia đang công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, đến ngày 7.4 có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý công nhận hộ chiếu vắc xin với Việt Nam. 3 quốc gia mới nhất công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam gồm: Iran, Malaysia và Hàn Quốc.

Trước đó, hộ chiếu vắc xin của Việt Nam đã được các nước gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore và Saint Lucia công nhận. Cũng theo bà Hằng, ngày 4.4 vừa qua, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp hộ chiếu vắc xin của Việt Nam; đồng thời dự kiến ngày 15.4.2022, hộ chiếu vắc xin sẽ được cấp cho người dân. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vắc xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao Việt Nam (bao gồm 19 quốc gia đã đàm phán công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau - PV).

Bình Định chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Ngày 7.4, UBND tỉnh Bình Định cho biết tỉnh này dự kiến tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay trong tháng 4.2022 tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm chủng lưu động và trường học. Theo đó, triển khai trước cho học sinh trung học cơ sở (khối 6), tiếp đến tiểu học (lần lượt theo khối 5, 4, 3, 2 và 1) rồi đến mầm non tại 159 xã, phường, thị trấn. Loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ em ở Bình Định là Comirnaty (tên khác là Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine). Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 1 từ 3 - 4 tuần (21 ngày - 28 ngày). Tỉnh Bình Định dự kiến số lượng trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi là 165.570 em.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học lập danh sách trẻ trong độ tuổi từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo lớp học, trường học, kể cả học sinh trên độ tuổi nhưng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (nếu có), chuyển danh sách cho trạm y tế tại địa bàn để tổng hợp. Đối với trẻ không đi học, nhân viên y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách theo thôn/xóm/khu vực (bao gồm trẻ vãng lai, trẻ lang thang cơ nhỡ không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng).

Cảnh báo tổn thương tim mạch ở trẻ hậu Covid-19. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng tim chậm, mạch đập nhanh, bác sĩ phát hiện các bất thường tim mạch, thậm chí có trường hợp bị sốc tim, viêm cơ tim. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết có 2 giai đoạn trẻ bị viêm cơ tim do Covid-19. Một là trong giai đoạn cấp tính, thường ở ngày thứ 3-5 sau khi trẻ phát hiện bệnh. Tuy nhiên, theo thống kê của bệnh viện, tỷ lệ trẻ bị tổn thương tim trong giai đoạn này khá thấp, chỉ khoảng 5 trường hợp trong số 165 trẻ bệnh nặng thở oxy mask và 1.850 trường hợp nhập viện. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ bị tổn thương tim trong giai đoạn hậu Covid-19 chiếm khoảng 15%. Trong số này chủ yếu là các tổn thương tim cận lâm sàng, men tim tăng, rối loạn nhịp tim... tỷ lệ trẻ bị viêm cơ tim, tràn dịch màng tim phải can thiệp ECMO rất thấp.

Tổn thương tim mạch ở trẻ liên quan đến hội chứng viêm đa hệ thống thường xuất hiện 2-6 tuần sau khỏi Covid-19. Bệnh có thể xảy ra với trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng trong giai đoạn mắc Covid-19. Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Tuy nhiên, có thể tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Do đó, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần chú ý các triệu chứng như nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy... để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời thăm khám, can thiệp.

UBND TP.HCM đề xuất gói hỗ trợ hơn 60 tỉ đồng cho trẻ mồ côi, người cao tuổi. Sáng 7.4, tại kỳ họp thứ 5 của HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM đã gửi tờ trình về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ mồ côi và những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Cụ thể, đối với người cao tuổi sống đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn do người nuôi dưỡng trực tiếp đã tử vong; người cao tuổi sống đơn thân, neo đơn có nguồn thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức hộ cận nghèo, cư trú hợp pháp tại địa phương sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; nhận mức hỗ trợ 480.000 đồng/người/tháng. Người trong độ tuổi lao động từ đủ 16 đến từ 60 tuổi trở lên, thuộc hộ nghèo bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác, bị bệnh hiểm nghèo đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo diện hộ nghèo, nhưng chưa được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng, cư trú hợp pháp tại địa phương đề xuất nhận hỗ trợ 480.000đ đồng/người/tháng.

Trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, UBND TP.HCM đề xuất hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên bằng với mức học phí do HĐND TP.HCM quy định (trường hợp trẻ em đang học tại các trường tư thục thì mức hỗ trợ học phí bằng với mức học phí của trường công lập); được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và các mức hỗ trợ từ 480.000 đồng - 1,2 triệu đồng/trẻ/tháng tùy theo từng diện đối tượng. UBND TP.HCM đề xuất thời gian thực hiện chính sách này từ 1.5.2022 đến hết năm 2023. Tổng kinh phí thực hiện hơn 60,9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP.HCM. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 4, tại TP.HCM có trên 2.200 trẻ em mồ côi cha, mẹ; gần 800 người cao tuổi (có con, người trực tiếp nuôi dưỡng tử vong do dịch Covid-19) và khoảng 730 người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

4 triệu chứng phổ biến nhất của biến thể Covid-19 mới XE

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, cần biết 4 triệu chứng phổ biến nhất của biến thể XE. Mới đây, xuất hiện biến thể tái tổ hợp mới ở Anh, còn dễ lây lan hơn cả Omicron. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được biến thể này nguy hiểm cỡ nào. Biến thể mới được đặt tên là XE, vẫn còn rất ít thông tin về nó, theo nhật báo Anh Express. Trong khi Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKSHA) đang tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để làm sáng tỏ các đặc điểm của biến thể này, nhưng các triệu chứng của nó dường như không khác so với biến thể hiện có của Omicron. Dữ liệu sơ bộ của UKSHA cho thấy biến thể XE có tốc độ tăng trưởng tương tự như của biến thể BA.2. Hơn nữa, chưa có bằng chứng cho thấy các triệu chứng của nó khác với chủng Omicron ban đầu, với các triệu chứng giống như cảm lạnh. Theo phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, 4 triệu chứng phổ biến nhất của biến thể này bao gồm: Mệt mỏi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau nhức toàn thân, theo Express.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.