Tình hình Covid-19 ngày 25.1: chuyên gia cảnh báo đại dịch còn lâu mới kết thúc

25/01/2023 07:20 GMT+7

Các chuyên gia hàng đầu thế giới cho rằng đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc và cảnh báo nguy cơ của hội chứng Covid kéo dài đối với xã hội.

Tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Thụy Sĩ mới đây, các quan chức và chuyên gia y tế công cộng cảnh báo về một số thách thức lớn trong việc chống đại dịch Covid-19. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các phiên bản của biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan trên toàn cầu.

Tại hội nghị, chủ đề được nhấn mạnh là tác động của Covid kéo dài, thiếu bình đẳng về vắc xin và thông tin định hướng liên quan đến đại dịch.

Các bác sĩ chữa trị cho một bệnh nhân tại bệnh viện ở Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) ngày 21.1 sau đợt bùng phát Covid-19

Reuters

Tờ Khmer Times ngày 24.1 dẫn lời chuyên gia Michelle Williams, hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), cảnh báo tình hình đại dịch nay đã tốt hơn giai đoạn đầu nhưng còn lâu mới kết thúc.

Theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối ngày 24.1, có 664,6 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, hơn 6,7 triệu ca tử vong và 13,1 tỉ liều vắc xin đã được tiêm.

Trung Quốc: Dịch đã đã qua đỉnh, số ca tử vong và nhiễm Covid-19 nặng giảm hơn 70%

Bà Williams cho hay tại Mỹ hiện có 526 ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày, trong khi tháng 10.2022 chỉ có 400 ca mỗi ngày. “Điều thật sự đáng thất vọng là 9 trên 10 ca tử vong đó có thể được ngăn chặn nếu chịu tiêm vắc xin và thực hiện các hành động khác như tạo thông gió, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội thích hợp”, vị chuyên gia nói.

Bà Williams còn chỉ ra những tác động kinh tế - xã hội của hội chứng Covid kéo dài. “Riêng tại Mỹ, hơn 174.000 trẻ nhỏ mắc Covid sẽ bị đại dịch ảnh hưởng trong phần đời còn lại. Không chỉ tác động đến cá nhân và gia đình, Covid kéo dài còn gây tác động kinh tế có thể lên đến 3.700 tỉ USD”, bà Williams cảnh báo.

Các chuyên gia thảo luận về tình hình Covid-19 tại WEF

Reuters

Mặt khác, các chuyên gia cũng bàn luận về thách thức của tình trạng bất bình đẳng về vắc xin tại hội nghị. Ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), cho biết tại một nửa số nước thu nhập thấp, chỉ có 53% dân số được tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên. Trên toàn cầu, tỷ lệ này là 64%.

Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp Michael Ryan của WHO nhấn mạnh không thể thoát khỏi đại dịch nếu không đặt vắc xin vào trung tâm chiến lược.

Ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh những đổi mới chuẩn bị cho dịch bệnh (CEPI), nêu ý kiến rằng để đảm bảo vắc xin được phân phối công bằng, các nước và nhà sản xuất nên ưu tiên cung cấp cho cơ chế COVAX do WHO dẫn đầu và hỗ trợ việc sản xuất công cụ xét nghiệm, vắc xin và thuốc điều trị tại địa phương. Ông kêu gọi các hãng dược ủng hộ các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ kiến thức, công nghệ và giấy phép sản xuất.

Năm 2023, thế giới sẽ thật sự bỏ lại đại dịch Covid sau lưng?

Ngay cả khi có đủ vắc xin và sự chuẩn bị, các đại dịch trong tương lai vẫn có thể gây ảnh hưởng nếu thiếu lòng tin giữa chính quyền, người dân và giới hàn lâm, các chuyên gia tại WEF nhận định. Sự lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn.

WHO đã gọi tên tình trạng thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch Covid-19 là “dịch thông tin” (infodemic). Theo mô tả, đây là tình trạng có quá nhiều thông tin sai sự thật hoặc mang tính định hướng trong môi trường số và ngoài đời thật trong thời gian một bệnh dịch bùng phát. WHO kêu gọi quản lý infodemic bằng cách lắng nghe lo ngại của cộng đồng, thúc đẩy thông tin về nguy cơ của bệnh và lời khuyên của các chuyên gia y tế, xây dựng khả năng chống chịu với thông tin sai lệch và hỗ trợ cộng đồng làm điều tích cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.