Tình hình dịch bệnh tuần đầu tiên năm 2025 tại TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
08/01/2025 12:45 GMT+7

Tuần đầu tiên năm 2025, tình hình các dịch bệnh đáng lưu ý tại TP.HCM là sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh hô hấp do vi rút Human metapneumo (HMPV).

Ngày 8.1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin về tình hình dịch bệnh tuần đầu tiên năm 2025 (từ 30.12.2024 – 5.1.2025) tại TP.HCM.

Theo đó, về dịch bệnh sốt xuất huyết, tuần đầu tiên năm 2025, TP.HCM ghi nhận 473 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 28,3% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao, gồm: Q.7, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức.

Cũng trong tuần đầu tiên năm 2025, TP.HCM ghi nhận 131 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 36,8% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm Q.10, Q.4 và Q.Bình Tân.

Tình hình dịch bệnh tuần đầu tiên năm 2025 tại TP.HCM- Ảnh 1.

Cần phhòng ngừa các loại dịch bệnh để đón tết được trọn vẹn

ẢNH: DUY TÍNH

Về dịch bệnh sởi, TP.HCM cũng ghi nhận 451 ca sởi trong tuần đầu năm tăng 14,1% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc bệnh sởi cao, gồm: H.Bình Chánh, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức.

Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ em tại TP.HCM vẫn đang tiếp tục diễn ra với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM thông tin, Human metapneumo vi rút (HMPV) đang gây dịch bệnh tại Trung Quốc không phải là vi rút mới, từng được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024 nhưng chiếm tỷ lệ thấp so với các tác nhân gây bệnh hô hấp khác. Như năm 2023 chiếm 15%, năm 2024 chiếm 12,5% ở trẻ em.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC và các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới. Sẵn sàng triển khai hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay, cảng biển và giám sát tại cộng đồng. Ngành y tế khuyến cáo người dân người dân cần cảnh giác dịch bệnh này, tuy nhiên không hoang mang.

Cũng theo HCDC, mỗi dịp tết đến thì số người bị động vật cắn và phải tiêm vắc xin phòng dại tăng đáng kể.

Dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới, HCDC nhấn mạnh, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh dại ở người đều bắt nguồn từ việc bị chó cắn. Hiện không thể chữa được bệnh dại khi người bệnh đã có triệu chứng. Một khi vi rút đã lây nhiễm vào hệ thần kinh trung ương và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ tử vong là tuyệt đối.

Dù có thể gây tử vong, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin trước hoặc ngay sau khi phơi nhiễm và huyết thanh kháng dại. Ngay sau khi bị động vật dại hoặc nghi bị dại cắn, cần sát trùng vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại theo chỉ định của bác sĩ. Theo dõi con vật xem có các dấu hiệu bị dại trong vòng 7 - 10 ngày sau khi cắn người.

HCDC khuyến cáo, đừng chủ quan nghĩ rằng một vết cắn nhỏ thì không thể gây chết người, mà hãy chủ động đi tiêm phòng dại. Và nếu nhà có nuôi chó, mèo, hãy tiêm phòng dại định kỳ cho chúng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.