Tình hình doanh nghiệp TP.HCM hiện nay: Sản xuất kinh doanh khó khăn ở điểm nào?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
04/07/2023 07:54 GMT+7

Hiện nay, đa số doanh nghiệp TP.HCM hoạt động bình thường hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh. Hơn 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đang gặp khó khăn.

Doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng

Ngày 4.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, theo kết quả khảo sát 5.861 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM, có 3.642 doanh nghiệp trả lời hoạt động bình thường (chiếm 62,14%), có 632 doanh nghiệp trả lời thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 10,78%), có 1.493 doanh nghiệp trả lời hoạt động của họ gặp nhiều khó khăn (chiếm 25,47%).

Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu đơn hàng (chiếm 88,75%), thiếu vốn kinh doanh (chiếm 8,94%), thay đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm 1,22%) và thiếu lao động (chiếm 1,09%)...

Tình hình doanh nghiệp hiện nay: Sản xuất kinh doanh khó khăn ở điểm nào? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp khó khăn dẫn đến hàng chục ngàn lao động mất việc

NHẬT THỊNH

Theo khảo sát, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường gặp những khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu; thiếu nguồn cung, nguyên vật liệu; thiếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ nhà nước; thiếu thông tin hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng than khó tiếp cận các nguồn vốn vay; khó tìm kiếm nguồn lao động phù hợp; chất lượng, tay nghề của lao động không đáp ứng yêu cầu.

Xem nhanh 12h ngày 4.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

TP.HCM giảm khoảng 30.000 lao động

Về tình hình sử dụng lao động trong doanh nghiệp, cũng theo kết quả khảo sát 5.861 doanh nghiệp với 652.580 lao động đang làm việc, Sở LĐ-TB-XH thông tin hiện TP.HCM có 377.198 lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI, chiếm 57,8%); có 249.355 lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 38,21%) và có 26.027 lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước (chiếm 3,99%).

Lao động chủ yếu làm việc ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; dịch vụ lưu trú và ăn uống...

So với thời điểm cuối năm 2022, có 2.906 doanh nghiệp giữ nguyên số lao động (chiếm 49,58% tổng số doanh nghiệp được khảo sát); có 1.464 doanh nghiệp có số lao động giảm, không tăng (chiếm 24,98%); có 766 doanh nghiệp có số lao động vừa tăng vừa giảm, chiếm 13,07% và có 725 doanh nghiệp có số lao động tăng (chiếm 12,37%).

Trong đó, số lao động tăng là 13.245 người và số lao động giảm khoảng 30.000 người.

Doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng hậu Covid-19

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết đánh giá của đơn vị trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường lao động TP.HCM có nhiều biến động dưới tác động của nền kinh tế trong nước và thế giới.

Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp còn chậm, nhiều doanh nghiệp sau thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19, nguồn lực tài chính khó khăn để có thể tổ chức lại hoạt động sản xuất đáp ứng sự thay đổi về tiêu chuẩn, thị hiếu và yêu cầu mới của khách hàng về hàng hóa.

Tình hình doanh nghiệp hiện nay: Sản xuất kinh doanh khó khăn ở điểm nào? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử; chế biến gỗ... còn đối mặt nhiều khó khăn sắp tới

NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, TP.HCM đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh như thu hút đầu tư, giảm lãi suất, hỗ trợ giảm thuế, đồng thời nắm bắt diễn biến của thị trường lao động nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.

Mặc dù bức tranh thị trường lao động đang sáng dần lên theo đà phục hồi của nền kinh tế; song kinh tế của TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường khi thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu tuy có tăng nhưng còn chậm; tình trạng đơn hàng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi về mức trước đại dịch trong khi việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài lại gặp khó khăn.

Điều này dẫn đến tình hình lao động, việc làm tiếp tục có nhiều biến động, việc cắt giảm lao động vẫn xảy ra ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành dệt may - giày da; sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử; chế biến gỗ.

Để thúc đẩy thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ và bền vững, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng TP.HCM cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế, ổn định việc làm.

Số vốn thành lập doanh nghiệp giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm 2022

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tính từ đầu năm đến 20.6, TP.HCM đã cấp phép 23.035 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 212.626 tỉ đồng, tăng 7,6% về giấy phép và giảm 18,3% về vốn so với cùng kỳ.

Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu (gồm thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế) có 17.085 doanh nghiệp thành lập, tăng 9% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 137.557 tỉ đồng, giảm 29,6%.

Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp thì có 20.621 công ty TNHH, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 162.513 tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần có 2.063 đơn vị, giảm 18,3%; vốn đăng ký 49.876 tỉ đồng, giảm 60,1%. Còn doanh nghiệp tư nhân 347 đơn vị, tăng 77,9%; vốn đăng ký 182 tỉ đồng, tăng 107,1%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.