Tỉnh không có trường ĐH, thí sinh thi ở đâu ?

25/01/2015 03:00 GMT+7

Sáng 24.1, gần 1.500 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP.Tây Ninh đã có mặt từ rất sớm tại Trung tâm học tập và sinh hoạt thanh thiếu niên tỉnh để tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức.

* Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Phước phát sóng trực tiếp lúc 14 giờ 30 ngày 25.1
* Số điện thoại nóng 0651.3711711 và 0651.3711712

Sáng 24.1, gần 1.500 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP.Tây Ninh đã có mặt từ rất sớm tại Trung tâm học tập và sinh hoạt thanh thiếu niên tỉnh để tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức.

Các học sinh tỉnh Tây Ninh đã nhận được nhiều thông tin mới cập nhật về kỳ thi THPT quốc gia 2015 trong buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc ThạchCác học sinh tỉnh Tây Ninh đã nhận được nhiều thông tin mới cập nhật về kỳ thi THPT quốc gia 2015 trong buổi Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cơ hội trúng tuyển ở các nguyện vọng
Tham gia chương trình, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, lưu ý các thí sinh về việc lựa chọn cụm thi và xét tuyển. Tiến sĩ Nghĩa cho biết: “Cả nước có 40 cụm thi đều do các trường ĐH tổ chức, gồm cụm tỉnh và liên tỉnh. Cụm thi liên tỉnh gồm các địa phương gần nhau nhất. Chẳng hạn thí sinh tỉnh Tây Ninh có thể chọn các cụm thi ở TP.HCM. Trong trường hợp các em không có điều kiện đi xa dự thi, thì có thể chọn cụm thi tỉnh. Nếu tỉnh nào không có trường ĐH thì Bộ sẽ phân công một trường ĐH về tỉnh đó chủ trì cụm thi”. Tuy nhiên, tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh chỉ có một số trường ĐH, CĐ xét kết quả của thí sinh thi cụm tỉnh, do đó, thí sinh cần cân nhắc và đọc thật kỹ đề án xét tuyển của các trường mà mình định đăng ký học.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Trong 4 giấy chứng nhận kết quả thi mà thí sinh nhận được, nếu thí sinh trúng tuyển sau khi xét tuyển đợt 1, thì các giấy sau không còn giá trị xét tuyển nữa”.
Học sinh Phương Anh, lớp 12A1 Trường THPT Tây Ninh, băn khoăn: “Nếu em đăng ký nguyện vọng 1 không đậu thì cơ hội trúng tuyển của các phiếu 2, 3, 4 có cao không?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, đưa ra lời khuyên: “Thông thường những trường tốp trên sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay sau khi kết thúc đợt 1. Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì điểm trúng tuyển của đợt xét sau không thấp hơn đợt trước, do đó, cơ hội trúng tuyển ở các đợt sau của thí sinh chỉ còn khoảng 30%. Ngay cả phương thức xét từ học bạ cũng vậy, các trường lấy từ cao xuống thấp, vì thế cơ hội của những đợt sau cũng dần ít đi. Ngay từ đầu các em cần cân nhắc thật kỹ mức điểm của mình phù hợp với trường nào thì cơ hội trúng tuyển mới cao”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng lưu ý thêm: “Năm nay khác những năm trước ở chỗ thí sinh biết điểm thi rồi mới đăng ký ngành, trường nên ngay từ đợt 1, số lượng thí sinh trúng tuyển hầu như rất cao. Vì thế chỉ tiêu cho các đợt tiếp theo có khả năng còn rất ít”.
Các chuyên gia tại buổi tư vấnCác chuyên gia tại buổi tư vấn
Muốn thu nhập cao nên học kinh tế hay kỹ thuật ?
Học sinh Huỳnh Thị Duy Thảo, lớp 12A8 Trường THPT Tây Ninh, quan tâm tới việc chọn ngành để... làm giàu, nêu thắc mắc: “Em không biết học giữa các ngành kỹ thuật và kinh tế thì ngành nào ra trường có thu nhập cao hơn?”. Thầy Châu Minh Quí, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, tư vấn: “Trước hết, dù kinh tế hay kỹ thuật thì công việc nào cũng mang đến cho các em cơ hội kiếm nhiều tiền. Tuy nhiên, để có cơ hội đó thì các em phải chọn đúng ngành phù hợp với sở thích, niềm đam mê và khả năng của bản thân. Trong quá trình học phải luôn nỗ lực để tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, bổ sung: “Các em khối ngành nông lâm trở thành kỹ sư trồng rau sạch đáp ứng an toàn thực phẩm thì cũng có thể làm giàu. Hoặc khối kỹ thuật nếu có phát minh, sáng tạo kỹ thuật ứng dụng trong thực tế, nếu học kinh tế các em có thể ra làm chủ doanh nghiệp có những sản phẩm, dịch vụ chất lượng... đều có cơ hội thu nhập cao. Miễn các em có năng lực và niềm đam mê”.
Một học sinh đến từ Trường THPT Trần Đại Nghĩa băn khoăn: “Em thấy có nhiều bạn học giỏi, bằng tốt nghiệp cũng giỏi nhưng khi đi xin việc lại không được nhận và bị thất nghiệp. Vậy tụi em phải làm thế nào?”. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Điểm số và năng lực làm việc là 2 chuyện khác nhau. Nhà tuyển dụng thường đánh giá các em ở 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Có nhiều sinh viên rất giỏi, bảng điểm rất đẹp nhưng nó chỉ trở thành vật trang trí vì bản thân không phù hợp với nghề đó, có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng và thái độ không phù hợp thì cũng bị từ chối. Các em trước khi chọn ngành cần trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân: chọn nghề, chọn ngành, chọn trường và bậc học”.
Sáng nay (25.1), chương trình tiếp tục tư vấn cho hơn 500 học sinh Trường THPT Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau đó, lúc 14 giờ 30, chương trình diễn ra tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh do Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Phước trực tiếp. Tham dự có hơn 1.000 học sinh lớp 12 và phụ huynh trên địa bàn thị xã Đồng Xoài.
Chương trình Tư vấn mùa thi trân trọng cảm ơn các đơn vị: Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Vietravel, Sở GD-ĐT Tây Ninh, Đài phát thanh - truyền hình Tây Ninh, Trung tâm học tập và sinh hoạt thanh thiếu niên tỉnh Tây Ninh, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, VNPT Tây Ninh đã phối hợp tổ chức thành công chương trình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.