Tình người trong bão dữ

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
09/09/2024 04:08 GMT+7

Khi siêu bão số 3 (Yagi) ập vào đất liền các tỉnh Đông Bắc bộ và thủ đô Hà Nội với sức gió giật kinh hồn, hầu như ai theo dõi thông tin cũng vô cùng lo ngại cho đồng bào ở những vùng cơn bão quét qua.

Tính mạng, tài sản và biết bao nhiêu thứ cần được bảo vệ, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trước sức bão được dự báo là bất khả chống đỡ. Những kêu gọi cảnh báo, khuyến cáo trước bão và trong khi bão diễn ra đã được tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Điều này cho thấy chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình để tai ương do bão mang lại ở mức thấp nhất, thậm chí đã có người hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu giúp người dân.

Cùng với đó, những câu chuyện, những hình ảnh về nghĩa cử đầy ắp tình người phát lộ trong khi ngọn bão ào đến đã cho thấy truyền thống bảo bọc, nâng đỡ nhau vượt qua hoạn nạn của người Việt. Khi xem hình ảnh đoàn xe ô tô nối nhau chắn gió cho những người đi xe máy trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) có thể qua cầu bình yên, không ai không khỏi xúc động. Giữa không gian bốn bề trống trải trên cao, gió lớn, bão tố đang hoành hành, hình dung người lưu thông qua cầu bằng xe máy sẽ lo sợ ra sao, và nếu không có những chiếc xe tải, xe hơi kết nối nhau đi chậm rãi, tạo ra bức tường cản gió cho họ chạy qua thì sẽ thế nào. Đó là hành động không ai bảo ai, các bác tài như đã kết thành "sức mạnh" để có thể chống đỡ sức bão, dìu dắt cho những người lỡ chạy qua cầu được an toàn. Đặt tình huống ấy vào mỗi người trong chúng ta, có lẽ ai cũng sẽ thấy lằn ranh nguy hiểm tính mạng của thời khắc đó, may nhờ vào "sức mạnh" đoàn kết của các tài xế, nên đã được cứu giúp. Lẽ dĩ nhiên, sự biết ơn của những người được cứu thể hiện sau đó, khi đưa lên các trang mạng, cũng sẽ được những tài xế của đoàn xe ấy đón nhận trong sự lặng lẽ khi tình cờ xem được. Bởi, chắc chắn họ xem đó như việc cần làm, bộc phát tự tâm.

Cảm động tình người trong bão số 3 (Yagi)

Rồi câu chuyện của chị Phương Anh (ở đường Nguyễn Tuân, Q.Thanh Xuân) cùng nhiều gia đình ở Hà Nội, cũng như các nơi khác dang tay đón nhận hàng chục người vô gia cư hoặc ngụ nơi khó đủ sức chống đỡ với bão, về căn hộ của mình tránh trú, cung cấp đồ ăn thức uống. Hoặc ý tưởng của cô Vân An, hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Ba Đình, đón đồng bào vào trường tá túc, cung cấp thức ăn và các vật dụng thiết yếu… Bà Lê Thị Loan, chủ một khách sạn trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh), thì mở cửa đón người dân đến trú bão với phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ; mọi người còn được phục vụ cơm cháo, nước uống miễn phí và chu đáo. Tất cả đều là những câu chuyện ấm áp, vô cùng ý nghĩa giữa khoảng thời gian bão đang hoành hành ngoài kia.

Hay tấm lòng rộng mở của hai chàng trai Nguyễn Anh Trí và Phạm Thành Long, đều ở tuổi thanh niên, đã giúp đỡ người phụ nữ lớn tuổi nhặt ve chai lúc bà đang bấn loạn vì bão đến, mà Anh Trí, với những câu viết sau đó đã nói lên nhiều điều: "Trong hoàn cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng của cơn bão lớn, những người lao động với gánh nặng mưu sinh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Qua sự việc này, mình muốn lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau vượt qua giông bão".

Lúc bão đã đi qua, chắc chắn sẽ có nhiều việc cần làm để khắc phục hậu quả, để dìu nhau đứng lên và trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, hy vọng tinh thần tương thân tương ái như những câu chuyện điển hình kể trên sẽ luôn tỏa sáng, tạo thành sức mạnh cộng đồng rộng lớn để ngăn ngừa, chống đỡ, hạn chế bớt tai ương do bão lũ gây ra, kể cả bây giờ và sau này, khi khí hậu càng ngày càng khắc nghiệt hơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.