Tình người trong trại giam: Hai chị em dang dở cuộc đời

03/09/2016 07:08 GMT+7

“Chị đã tự tay đào mồ chôn vùi tuổi thanh xuân của chị và em, khép lại tương lai rộng mở đang chờ phía trước, khép lại những năm tháng miệt mài ngồi trên giảng đường đại học...", phạm nhân Trần Hà Duy tâm sự.

“Tiên ơi, mong em hiểu, mọi điều chị làm đều xuất phát từ tình cảm yêu thương mà chị dành cho em. Mong em giữ sức khỏe, cố gắng cải tạo tốt và mong chờ ngày chị em mình được gặp nhau, chị được ôm em gái vào lòng. Biết đâu phép màu sẽ xuất hiện phải không em”.
Đó là lời phạm nhân Trần Hà Duy (Trại giam Thủ Đức Z30D, Hàm Tân, Bình Thuận) nhắn gửi cho em gái mình là Trần Hạ Tiên - phạm nhân ở Trại giam An Phước (Phú Giáo, Bình Dương), khi biết chúng tôi chuẩn bị rời Z30D đi trại An Phước. Duy và Tiên là hai chị em ruột, cùng lãnh án vì tội buôn ma túy, trong đó Duy lãnh án chung thân, còn Tiên 20 năm tù.

“Người bạn” đến từ châu Phi
Khi bị bắt (năm 2011) Duy 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị, còn Tiên 20 tuổi đang năm 3 đại học. Duy kể, năm nhất đại học Duy gặp Francis, một người da màu đến từ Nigieria, trên xe buýt. Vốn khá tiếng Anh, Duy bắt chuyện rồi hai người làm quen, sau đó trò chuyện qua Facebook, email. Bẵng đi một thời gian, khi Duy đang học năm 3, Francis gọi điện nói đang ở TP.HCM. Gặp lại Francis, Duy bất ngờ vì vẻ ngoài lịch thiệp của “người bạn” đến từ châu Phi. Francis cho hay anh ta giờ là doanh nhân, hợp tác với một số người bạn mở công ty chuyên xuất nhập khẩu và lần này sang VN muốn hợp tác với Duy. Công ty của anh ta chuyên đặt hàng gia công quần áo, giày dép xuất đi nước ngoài và nhiệm vụ của Duy là ra nước ngoài đưa hàng mẫu để về VN gia công. Mỗi chuyến đi, Duy chỉ cần lên máy bay, sang nhận hàng mẫu về còn mọi thứ thủ tục giấy tờ, chi phí đi lại, người của công ty anh ta lo hết.
Nghe Francis nói, ban đầu Duy cũng hơi lo vì chưa bao giờ ra nước ngoài. Ba mẹ, bạn bè lo lắng cô sẽ trở thành “miếng mồi béo bở” và bị dụ bán ra nước ngoài như một số trường hợp mà báo chí đăng tải. Tuy vậy, nỗi lo nhanh chóng tan biến sau chuyến đầu tiên Duy đi Malaysia. Sang đó, cô được nhân viên đón tiếp chu đáo. Sau khi đưa hàng mẫu là vài chiếc áo và đôi giày về, cô được Francis trả công 500 USD cho chuyến đi 3 ngày. Cầm số tiền trong tay, Duy gọi về Lâm Đồng khoe ba mẹ, bạn bè và thầm ước mơ một tương lai xán lạn khi ra trường.
Những chuyến sau, Duy đi Indonesia, Campuchia và nhiều nhất là thành phố Cotonou (Bénin, châu Phi). Có chuyến Francis trả công Duy tới 1.000 USD. Cũng có lúc trong lòng Duy dấy lên nỗi nghi ngờ nhưng do Francis “bài binh bố trận” quá hoàn hảo nên nỗi lo trong cô nhanh chóng tan biến. Trái lại, cô còn thầm cảm ơn Francis vì đã cho mình một công việc được đi đây đó, dễ dàng có tiền để hai chị em trang trải học hành ở Sài Gòn.
Mong một lần được gặp em gái
Rồi một lần, trước khi Duy từ Cotonou sắp về VN, một người đàn ông tên John đến gặp, đưa cho cô một vali “hàng mẫu”. Điều làm cô ngạc nhiên là chiếc vali quá khổ so với mấy chiếc sơ mi hàng mẫu. Khi Duy thắc mắc, John chỉ cười bảo chiếc vali để tặng Francis. Sau khi John ra về, Duy mở vali kiểm tra thì thấy vali có hai lớp và đáy chứa nhiều bịch ni lông đựng bột màu trắng. Duy gọi điện cho Francis hỏi thẳng có phải chất chứa trong vali là ma túy không. Francis chỉ cười bảo cô cứ đem vali về VN rồi sẽ nói chuyện. Duy không đồng ý thì Francis đem Tiên ra để làm áp lực. Trước đó, trong những lúc bận học hành, thi cử Duy đã nhờ em gái đi nhận “hàng mẫu” thay. Đợt đó, ngay sau 1 ngày Duy đi Cotonou, Tiên cũng sang Cotonou nhận “hàng mẫu”.
Chuyến đi Cotonou của Duy trót lọt, về nước cô tiếp tục đi Campuchia nhận hàng. Nhưng em cô thì không, Tiên bị bắt ở sân bay Tân Sơn Nhất khi đang mang 4 kg ma túy vào VN. Ở Campuchia, Duy hay tin em bị bắt qua đọc báo trên mạng. Mọi thứ trong cô sụp đổ. Lập tức, Duy điện về cho ba chỉ kịp nói: “Ba ơi con hại em rồi. Ba cứu em đi ba”. Sau đó, Duy về nước và cùng ba đi đầu thú. Còn Francis sau khi sự vụ đổ bể đã cao chạy xa bay, đến nay vẫn chưa lần ra manh mối.
Phiên xử sơ thẩm, Duy bị tòa tuyên chung thân, Tiên án 20 năm. Sau đó Duy bị Viện KSND tối cao kháng nghị lên mức hình phạt tử hình. Duy kể, ngày xử sơ thẩm, 2 chị em đi chung xe. Duy chỉ biết khóc vì tội lỗi mình gây ra còn Tiên thì ngây thơ an ủi chị. Đến lúc đó, Tiên vẫn cho rằng mình bị bắt là do hiểu nhầm, vì chưa bao giờ biết trong những lô “hàng mẫu” đó chứa ma túy. Đêm cuối cùng được ở bên nhau trong trại tạm giam, Duy không dám chợp mắt, chỉ quạt cho em ngủ. Cô xót xa khi nghĩ do mình mà em gái rơi vào cảnh tù tội, còn mình chịu án tử hình.
Sau đó, Duy được giảm án xuống chung thân. Hiện Duy thụ án ở Trại giam Z30D, còn Tiên thụ án ở trại An Phước. Gần 5 năm qua, hai chị em chưa gặp lại nhau. Mới đây, khi nghe Trại giam Z30D phát động phong trào viết thư gửi lời xin lỗi, Duy đã viết lá thư rất dài xin lỗi em mình. Bức thư có đoạn: “Chị đã tự tay đào mồ chôn vùi tuổi thanh xuân của chị và em, khép lại tương lai rộng mở đang chờ phía trước, khép lại những năm tháng miệt mài ngồi trên giảng đường đại học. Khi cánh cửa trại giam đóng sầm lại là lúc bóng tối ập đến, báo hiệu cho sự kết thúc buồn của cuộc đời”.
Duy kể thời còn học đại học, cô ấp ủ nhiều ước mơ, hoài bão nhưng giờ đây chỉ có một ước muốn cháy bỏng là gặp lại em gái mình. Nhưng ước muốn tưởng chừng đơn giản đó giờ đây sao quá khó thực hiện.
Mới đây, chương trình Điều ước thứ 7 của Đài truyền hình VN đã làm chương trình nói về điều ước của chị em cô. Dù ước muốn gặp em ngoài đời không thực hiện được nhưng bù lại Duy gặp em trên truyền hình. “Gần 5 năm không gặp, Tiên gầy và trưởng thành hơn. Nhìn Tiên, em chỉ biết khóc và ước muốn giá như có thể thụ án gần nhau để thi thoảng có điều kiện chăm sóc em gái”, Duy khóc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.