Đó là câu chuyện của nhiều phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức (Z30D) tiếp xúc với chúng tôi hôm trước lễ Quốc khánh 2.9.2016. Họ là những người đã nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời, cải tạo tốt và nôn nao chờ nhận quyết định tha tù trước thời hạn để về với gia đình.
Một thời “đại bàng”
Trong số đó, câu chuyện của anh Đoàn Hồng Khanh (47 tuổi) đã lôi cuốn chúng tôi ngay từ lúc mới được giới thiệu. Anh Khanh nhớ lại: “Khi ở các phân trại số 7, 2 và 6, tôi không lao động mà lúc nào cũng chống đối. Tôi không muốn mình thua bất cứ bạn tù nào. Mỗi khi thấy bạn tù làm trái ý, tôi phải tìm cách trừng trị mới thỏa mãn. Tôi trở thành “đại bàng”, khiến các bạn tù luôn sợ hãi, xa lánh dần”.
tin liên quan
Tình người trong trại giam: ‘Cây kéo vàng’ truyền nghề trong tùDịp Quốc khánh 2.9 hằng năm cũng là thời điểm nhà nước đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn cho những người từng có quá khứ lỗi lầm, mong muốn làm lại cuộc đời.
Trước khi về Z30D, anh Khanh đã có hơn 20 năm sống sau song sắt với 7 tiền án ở các trại giam từ bắc vào nam. “Vốn sống” dữ dằn như vậy nên lúc mới về Z30D anh Khanh cũng không coi ai ra gì. Có lần, trong lúc sinh hoạt ở trại, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà đã xảy ra xô xát với bạn tù. Rồi để “xử” đối phương, Khanh lén mài nhọn 2 chiếc bàn chải đánh răng làm hung khí, sau đó lợi dụng sơ hở tấn công vào mắt trái của nạn nhân. Kết cục, Khanh lãnh thêm 8 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi. Khanh tâm sự: “Từ ngày tôi đi tù, anh em họ hàng xa lánh. Chỉ còn mẹ và em gái là nhớ tới, thi thoảng vài con cá, thùng mì gói mẹ mang lên cho tôi. Rồi khi đang thụ án năm thứ 6 thì tôi nhận tin mẹ mất. Dù rất muốn nhưng quy định của trại không cho phạm nhân ra ngoài nên tôi không được nhìn mặt mẹ lần cuối. Tôi thấy mình có lỗi và nhận ra thời gian qua mình đã sống quá ích kỷ, lúc nào cũng chỉ chú ý đến cái tôi của mình. Tôi bị dằn vặt ghê lắm và tự nhủ sẽ thay đổi. Khi mãn hạn tù, sẽ làm lại cuộc đời để mẹ dù đã nhắm mắt cũng được an lòng”. Nói tới đây mắt Khanh chùng xuống, giọt nước mắt trào ra khiến người đàn ông này nghẹn ngào: “Ba năm nay tôi không được gặp một người thân nào. Chắc người thân cũng đã quên có một thằng Khanh ngỗ ngược. Đó là cái giá mình phải trả, tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để có ngày làm lại”.
Từ sau khi mẹ mất, cộng với những lần khuyên nhủ cảm hóa bằng những câu chuyện đời thường của các cán bộ trại giam, anh Khanh thay đổi nhiều. Tháng 5.2016, anh còn được thưởng vì đạt thành tích trong phong trào ngày hội văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao...
Hôm tiếp xúc với chúng tôi, anh Khanh bảo việc đầu tiên khi ra tù là chạy ngay đến mộ ba mẹ thắp nén nhang tạ lỗi đấng sinh thành.
“Vì tôi còn mẹ và hai con”
Ở Z30D một nữ phạm nhân cũng từng “nổi tiếng” vì “thành tích” làm bạn tù “lạnh gáy khi nghe tên”. Đó là chị Phạm Ngọc My (42 tuổi), đang thụ án 11 năm tù vì tội tổ chức, mua bán trái phép chất ma túy và cố ý gây thương tích.
Bi kịch với gia đình của My bắt đầu từ ngày người đàn bà 42 tuổi này bị bắt. Chị kể: “Đó cũng là ngày chồng tôi lạnh lùng ly hôn, bỏ lại hai đứa con đi theo người đàn bà khác. Lúc đó trong đầu tôi không còn một cảm xúc gì khác ngoài sự thù hận. Nghĩ mình bị bỏ rơi, tôi tuyệt vọng, chán chường lắm, muốn buông xuôi tất cả, nên mọi sự giáo huấn ở trại giam tôi không nghe. Tôi liên tục gây chuyện với bạn tù. Hậu quả là hơn 26 lần bị kỷ luật và giam riêng vì lý do gây mất trật tự, đánh phạm nhân cùng buồng giam gây thương tích...”.
Đến một ngày, nữ phạm nhân “dữ dằn” ấy cũng đã bình tĩnh lại, chịu nghe cán bộ quản giáo khuyên nhủ, động viên. “Tôi vẫn còn mẹ và hai đứa con nhỏ, đó là động lực để tôi thay đổi, tôi phải sống cho ra sống để sau này không ân hận”, My trải lòng khi tiếp xúc với chúng tôi. Chị có đôi mắt to tròn sắc sảo, mũi dọc dừa, làn da trắng, đôi môi còn vương vấn nét duyên thời con gái. Khi chúng tôi hỏi thêm về gia đình, chị bật khóc nức nở. “Mẹ đã 72 tuổi rồi, mỗi năm vẫn cố lặn lội lên thăm một lần. Tôi nhớ con lắm, nhưng ráng chịu và không cho mẹ đưa con lên trại, vì sợ các con biết mình có một người mẹ tù tội”, My tâm sự.
Nhắc đến con, cuộc nói chuyện luôn bị khựng lại, nước mắt của một người mẹ đã hơn 12 năm nay chưa gặp con làm chúng tôi không khỏi chua xót. My bảo, khi chị vào trại, hai con được đưa về quê ở với bà ngoại. Những lần mẹ vào thăm, kể chuyện các con hỏi về chị, bà ngoại chỉ biết bảo rằng chị đi làm ăn xa. Quay mặt ra ngoài trời mưa trắng xóa ở sân trại giam, câu nói của My đứt quãng trong tiếng nấc nghẹn: “Bây giờ, tôi đã thấy mình thực sự phục thiện, phấn đấu đợi ngày về. Vì tôi còn mẹ và hai con, chỉ cần nghĩ bấy nhiêu thôi thì mọi thử thách, khó khăn tôi đều vượt qua”.
Bình luận (0)