Tình nguyện chất lượng cao: Bắt tay với nhà nông

An Dy
An Dy
14/07/2018 08:14 GMT+7

Một mùa hè đặc biệt của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với 'chiến dịch' chuyển giao khoa học công nghệ về với người dân, trong đó có cách thức nuôi trùn quế kiểu mới.

Giữa cái nóng oi nồng của mùa hè miền Trung, thật không dễ để vật vạ suốt ngày trong những khu chuồng gia súc đặc quánh mùi phân và rác thải. Thế nhưng, các sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã tự “nhốt” mình nhiều tuần liền ở những trang trại như thế giữa chiến dịch Mùa hè xanh để say mê nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho nhà nông. Các bạn trẻ chọn "hạng mục" gần gũi nhất với nhà nông: trùn quế và phân.
"Công nghệ" nuôi trùn
Chế độ phun tưới tự động và giám sát độ ẩm ổn định được lắp đặt ở trang trại gia súc với quy mô hàng trăm con bò, dê của ông Lê Ngọc Anh (thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang, Đà Nẵng). Đây là địa điểm mà nhóm lựa chọn để liên kết chuyển giao công nghệ nuôi trùn quế thông minh, giúp con trùn sinh trưởng và phát triển tốt hơn, cho năng suất cao hơn. Với hệ thống mới này, chủ trang trại chỉ việc cho trùn ăn và... thu hoạch, các hoạt động khác đã có hệ thống giám sát thông minh "lo".
Nhóm chuyển giao công nghệ gồm 5 sinh viên đến từ các khoa môi trường, cơ khí và điện tử viễn thông. Sau khi khảo sát tình hình nuôi trùn quế ở xã Hòa Bắc, thấy được hiệu quả về kinh tế và môi trường, những khó khăn mà người chăn nuôi gặp phải, nhóm đã đề xuất những giải pháp khả dĩ hơn so với cách thức chăn nuôi trùn thủ công. Mô hình chạy thử nghiệm này đã cho ra kết quả tốt với khối lượng phân trùn tăng gần 3 lần; lượng trùn thịt, trùn sinh khối cũng tăng trung bình 20 - 40% so với cách nuôi truyền thống.
Võ Thái Tuyễn, sinh viên năm 4 - khoa điện tử viễn thông, thành viên nhóm chuyển giao công nghệ nuôi trùn quế thông minh, cho biết trước đây các nhóm nghiên cứu về trùn quế tập trung vào các đề tài dùng trùn quế xử lý rác thải độc hại, xử lý môi trường... Nhóm của Tuyễn chọn hướng nuôi tự động để tăng năng suất nuôi trùn quế so với cách nuôi thủ công, nghiên cứu thay đổi nguồn thực phẩm nuôi trùn quế. “Chúng tôi còn nghiên cứu phối trộn các loại rác hữu cơ khác thành thức ăn của trùn, thay vì mô hình nuôi thủ công là nuôi bằng phân bò thì nhóm đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp nuôi bằng những loại phân có tính nóng như phân gà, phân heo, dê…”, Tuyễn nói.
"Các cháu có kiến thức, chúng tôi có kinh nghiệm"
Ở trang trại của ông Lê Ngọc Anh, sinh viên Tuyễn đảm nhiệm mảng cơ khí, nước, tự động hóa và điều khiển qua website, internet. Các bạn khác tùy chuyên ngành mà chọn phần việc phù hợp, nhưng họ có chung niềm đam mê về nông nghiệp xanh, sạch.
Mày mò suốt ngày trong trang trại, giữa mùi phân bò nồng nặc, cuối cùng các sinh viên trẻ thống nhất giải pháp nuôi 2 tầng để tiết kiệm và khu trú diện tích nuôi trùn. “Bên cạnh chức năng phun tưới tự động, giám sát độ ẩm... công nghệ này còn có chức năng khác thông minh hơn đó là điều khiển từ xa qua điện thoại có kết nối internet. Thậm chí có thể can thiệp từ xa để bật, tắt máy bơm phun qua điện thoại với ứng dụng được thao tác đơn giản nhất, phù hợp với các bác nông dân”, Tuyễn hào hứng chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Anh cảm nhận được tính chuyên nghiệp và sự say mê của nhóm sinh viên, nên ông đã hỗ trợ hết mình. Ông nuôi trùn kiểu truyền thống với cả trăm tấn phân trùn quế bán ra thị trường, chưa kể thêm một lượng giun thịt thương phẩm… nhưng hiện tại điều ông quan tâm chính là năng suất và giảm bớt công sức cho người nông dân. “Các cháu có kiến thức, chúng tôi có kinh nghiệm. Tin rằng sự phối hợp này sẽ thực sự cho ra hiệu quả và nhân rộng ra các trang trại tại địa phương. Làm nông cũng phải theo khoa học và công nghệ mới thành công, chứ không thể cứ làm kiểu "áng chừng" để rồi lúc đạt lúc không…”, ông Anh cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.