Những người mẹ liệt sĩ không có người thân thích nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi, khi họ được những người “con dâu xa lạ” tận tình chăm sóc.
tin liên quan
Chuyện tình chàng trai Pháp và cô gái Việt trầm cảm 'cười như điên dại'Nhìn cuộc sống hạnh phúc của chị Thuấn ở hiện tại, mấy ai tưởng tượng được trước khi có bình yên, cuộc đời chị đã phải trải qua bao nhiêu lần giông bão.
Người dưng thương nhau
Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập niên, song nỗi đau để lại vẫn còn hiển hiện trong mỗi gia đình, nơi những người vợ, người mẹ liệt sĩ ngày đêm sống trong thương nhớ mỏi mòn. Để lấp những khoảng trống đau thương ấy, có những “nàng dâu” đã đến chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các mẹ. Chính tình thương đã giúp họ gần gũi nhau hơn…
Tìm về ngôi nhà “tình thương” của Mẹ VN anh hùng Phan Thị Trích (102 tuổi, ở thôn Phú Long, xã Đại Thắng, H.Đại Lộc), từ ngoài cổng, chúng tôi thấy một phụ nữ với mái tóc đã bạc, một tay đang đút cơm, tay kia phe phẩy quạt cho cụ bà đang nằm trên giường.
Ở tuổi 77, bà Dương Thị Huệ nhận mẹ Trích làm mẹ. Mẹ Trích sống một mình đã mấy chục năm nay, chồng và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bà con họ hàng không có ai. Thương mẹ côi cút, Hội LHPN xã động viên bà Huệ “làm con dâu” để tiện chăm sóc mẹ Trích. “Những người già thường trở nên khó tính. Vì thế, chỉ có tình yêu thương mới khiến mọi thứ xa lạ trở nên gần gũi”, bà Huệ tâm sự.
Từ ngày nhận chăm mẹ, dù trời mưa hay nắng bà Huệ đều đặn đạp xe đi đi về về giữa hai nhà cách nhau khoảng 3 km. Có miếng ăn ngon, bà lại gói cẩn thận đem sang. Chẳng bao giờ bà Huệ ở nhà mình quá một ngày, và luôn có mặt khi mẹ Trích cần. Khi mẹ Trích chẳng may té ngã phải nằm một chỗ, bà Huệ chuyển sang ở hẳn để tiện chăm sóc. Bà dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện, giúp mẹ quên đi những cơn đau, lại lo chuyện tắm giặt, vệ sinh cho mẹ.
“Mẹ Trích sống một mình đã lâu nên cần lắm một tình yêu thương. Tôi xin được làm con dâu để mẹ con nương tựa vào nhau sống những ngày cuối đời”, bà Huệ bộc bạch.
tin liên quan
Tâm nguyện của người mẹ liệt sĩ Gạc MaCó được một bàn thờ đàng hoàng là tâm nguyện của người mẹ có đứa con trai duy nhất hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Như một lẽ thường tình…
Ở thôn Thanh Vân, xã Đại Cường (H.Đại Lộc), bà Nguyễn Thị Sáu 51 tuổi cũng nhận phụng dưỡng Mẹ VN anh hùng Lê Thị Liễu. Từng phải hứng chịu nỗi đau mất người thân khi cha mình mãi mãi nằm xuống trong cuộc chiến, sau đó đến lượt người anh cả cũng nằm lại bên kia biên giới Campuchia, nỗi mất mát của mẹ Liễu sớm nhận được sự đồng cảm của “con dâu” Sáu.
Thoắt đã 23 năm, kể từ ngày bà Sáu cận kề mẹ Liễu. Ấy vậy mà bà vẫn lo, sợ đôi lúc bận việc quá không kịp trò chuyện hay chăm sóc, để mẹ buồn. Lúc đầu, bà khi bà Sáu nhận phụng dưỡng mẹ, cũng có người gièm pha, “nói kháy” vì cho rằng bà nuôi mẹ để... hưởng trợ cấp. “Tui mặc kệ miệng đời. Chỉ mong sao trời thương cho sức khỏe mẹ tốt để tui làm trọn bổn phận của một người con. Chăm sóc mẹ Liễu cũng như đang chăm sóc cho chính mẹ chồng của mình vậy”, bà Sáu bộc bạch.
Đã bước sang tuổi 100, nhưng trông mẹ Liễu rất minh mẫn. Mẹ kể, từ ngày nhận tin báo tử của chồng và con, đêm nào mẹ cũng khóc. “Mấy chục năm làm bạn với cô đơn, nhưng từ khi được về chung sống với vợ chồng “con” Sáu, mẹ lại tìm được niềm vui riêng cho tuổi già. Có miếng ngon nào cũng ưu tiên cho mẹ. Có những lúc trong người đau nhức, mẹ bực bội hay la, mà “con” Sáu cũng chỉ cười, vẫn nấu cơm, chải tóc cho mẹ. Mẹ thương tụi nó lắm!”, mẹ Liễu móm mém cười.
tin liên quan
Cô gái Việt 'cọc đi tìm trâu' cùng chàng Hà Lan sau 1.000 Euro học phíNỗi ám ảnh về những cuộc hôn nhân bất hạnh cứ thế đeo bám lấy tâm trí non nớt của Hạ, cô luôn tự nhủ : “Không nên yêu ai, hãy cứ sống cho bản thân thấy vui là đủ”. Nhưng Jeroen khác xa những người đàn ông Hạ từng quen biết, anh điềm tĩnh, không vội vàng, suồng sã.
Có lẽ cuộc đời đã sắp đặt sẵn cho các cô, các chị “con dâu” đến với Mẹ VN anh hùng như một duyên nợ. Họ chăm sóc như một lẽ thường tình, rồi từ đó gắn chặt đời mình với những mái nhà tình nghĩa, để bầu bạn với các bà mẹ liệt sĩ neo đơn. Họ sẵn sàng bỏ qua bao lời dị nghị, chỉ được mong làm đúng nghĩa “chữ hiếu” của một người con với một người mẹ tưởng chừng như xa lạ. Những nàng dâu đặc biệt ấy có người đã lớn tuổi, cũng nặng gánh mưu sinh, nhưng chưa bao giờ họ quên nghĩa cử đối với Mẹ VN anh hùng…
Ngày qua ngày, sau những giờ mưu sinh, những nàng dâu ấy vẫn ân cần chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho các mẹ. Nhờ bóng dáng của những nàng dâu xa lạ ấy mà căn nhà tình nghĩa của các mẹ thêm ấm. Mỗi nàng dâu là một biểu tượng cao đẹp về đức hy sinh thầm lặng trong đời sống thường nhật giữa thời bình…
Bình luận (0)