Theo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, hiện tại số tiền học phí của sinh viên thuộc diện đào tạo theo địa chỉ đang học tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã lên đến gần 8 tỉ đồng. Nếu theo chủ trương ban đầu thì số tiền này thuộc trách nhiệm chi trả của tỉnh nhưng hiện nay bị đẩy về cho sinh viên.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ nơi đào tạo SV theo địa chỉ sử dụng - Ảnh: Tiến Trình
|
Từ lo toàn bộ học phí đến chỉ hỗ trợ một phần
Từ nhu cầu của ngành y tế địa phương, từ năm 2009, Hậu Giang đã bắt đầu thực hiện đào tạo theo địa chỉ sử dụng ngành y - dược. Theo đó, tỉnh liên kết với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ để “gửi” sinh viên (SV) học tại trường này, còn tỉnh thì lo toàn bộ học phí cho số SV đưa đi kèm theo điều kiện khi tốt nghiệp các SV này phải về địa phương làm việc ít nhất gấp đôi thời gian được đưa đi đào tạo. Tuy nhiên, đến năm 2012 tỉnh lại không cấp kinh phí cho SV chính quy. Điều này đồng nghĩa với số SV đi học theo địa chỉ sử dụng phải tự túc kinh phí. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Hậu Giang (ngày 11.12.2014), tỉnh chỉ hỗ trợ cho mỗi SV số tiền 8 triệu đồng/năm học. Số tiền này không đủ đóng học phí.
Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết đã thông báo điều này cho Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Một số SV có điều kiện đã tự đóng học phí. Tuy nhiên, rất nhiều SV đột nhiên bị cắt hỗ trợ đã không có điều kiện đóng. Điều này dẫn đến số nợ mà tỉnh Hậu Giang đáng ra phải đóng cho Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã lên đến trên 7,9 tỉ đồng.
Ngày 5.6, nhà trường có thông báo “SV không thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà trường do nợ học phí từ học kỳ 2 năm học 2014 - 2015 trở về trước sẽ không được dự thi các học phần trong năm học 2014 - 2015”, nhiều SV hoang mang, lo sẽ không được thi. Điều này khiến ngày 11.6, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ phải ra thông báo: “SV đào tạo theo địa chỉ sử dụng chưa đóng kinh phí đào tạo vẫn được dự thi tốt nghiệp và học kỳ 2 năm 2014 - 2015. Việc đóng kinh phí đào tạo theo quy định sẽ được trường làm việc với UBND tỉnh để giải quyết trước khi xét công nhận tốt nghiệp”.
Không biết tìm đâu ra số tiền còn lại!
Nhiều gia đình có con sắp tốt nghiệp thuộc diện này rất lo lắng đã chạy đôn chạy đáo để lo học phí. Tuy nhiên, không ít gia đình rất khó khăn. Nói về số tiền 87 triệu phải đóng học phí cho con, bà Nguyễn Thị Tám (54 tuổi, ngụ xã Tân Long, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), mẹ của SV K.C.M (năm cuối) thất thần. Bà tâm sự mấy ngày nay đã chạy hỏi vay khắp nơi nhưng vì gia đình là hộ nghèo, nhiều năm nay bà đã vay hỏi nhiều nơi để lo cho con đi học. Số nợ ngân hàng trên 100 triệu và 65 triệu bên ngoài vẫn chưa thể trả. Hằng ngày, bà đi làm vịt mướn, chạy bàn, rửa chén… việc gì có thể kiếm tiền bà cũng làm. M. ngoài giờ học cũng về quê làm vịt, rửa chén chạy bàn tiếp mẹ. Vừa lo cho con, vừa nuôi chồng bị bệnh tâm thần, bà Tám nói cho đến lúc này bà đã sức cùng lực kiệt.
Bà Nguyễn Thị Tám (mẹ SV K.C.M) bên người chồng bệnh tâm thần với sổ vay nợ mà bà vay để lo cho chồng bệnh và con đi học
|
Bà Tám nói nghe thông tin tỉnh hỗ trợ một phần là 48 triệu bà mừng, nhưng còn lại 39 triệu bà không biết tìm đâu ra. Mà ngày con bà tốt nghiệp gần kề. Nỗi lo chồng chất lên người phụ nữ còm cõi này. Bà Tám kể trước khi học ĐH y dược, M. con bà đã nhập học ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ. Khi nghe tỉnh hỗ trợ cho con học y, nhà nghèo, bà Tám đã bảo con bỏ học quản trị kinh doanh để học y theo kêu gọi của tỉnh.
“Con tôi cũng đang học ngoại thương, khi nghe tỉnh hỗ trợ cho học y nên tôi kêu con tôi bỏ để về học y. Không ngờ giờ này phải rơi vào cảnh khó khăn”, ông Võ Bảo Huyền (ngụ xã Tân Long) cha của V.B.Q, SV dược năm cuối Trường ĐH Y Dược Cần Thơ nghẹn ngào. Ông Huyền cho biết tỉnh vừa cho gia đình ông tạm ứng 40 triệu đồng để đóng học phí cho Q., tuy nhiên số tiền trên 60 triệu còn lại ông không biết kiếm đâu ra. Gia đình ông Huyền chỉ có quầy nước bán cặp lộ, tuy nhiên cũng không kiếm được bao nhiêu. “Có lẽ vợ chồng tôi phải kêu bán nhà để có tiền đóng học phí cho con thôi”, ông Huyền lo lắng.
Kiến nghị ngân hàng cho SV nghèo vay
Tiếp xúc phóng viên Thanh Niên ngày 15.6, ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, cho biết sau khi Báo Thanh Niên đăng vụ việc 183 SV đang học tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có nguy cơ bị nhà trường cấm thi do tỉnh không đóng học phí, ngay trong buổi sáng, ông đã liên lạc với lãnh đạo nhà trường để tìm giải pháp nhằm giúp các SV tiếp tục việc học. Vấn đề học phí thì Sở Y tế đang tham mưu cho UBND tỉnh tìm cách gỡ.
Ông Phan Thanh Tùng cho biết Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đang kiến nghị tỉnh cho chủ trương tạm ứng số tiền hỗ trợ cho SV y dược hệ chính quy đào tạo theo địa chỉ sử dụng để nộp Sở Y tế chuyển trả cho Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt hộ nghèo xin vay để đóng phần học phí còn lại. Theo tìm hiểu của phóng viên, có 6 trường hợp diện này. Các SV còn lại phải tự đóng học phí ngoài 8 triệu đồng tỉnh hỗ trợ.
Phải quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người học Sau khi nhận được tin nhiều SV được đào tạo theo địa chỉ của tỉnh Hậu Giang tại ĐH Y Dược Cần Thơ có nguy cơ bị cấm thi do chưa đóng học phí, chúng tôi đã yêu cầu trường báo cáo ngay vụ việc. Khi có đầy đủ thông tin chúng tôi sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp. Trong mọi tình huống khi SV không có lỗi thì quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm. Chi phí đào tạo SV theo địa chỉ sử dụng sẽ do địa phương và người học chi trả trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan. Học phí được trường xây dựng trên cơ sở đảm bảo chất lượng theo Nghị định 49 năm 2010 của Chính phủ. Như vậy, từng tỉnh có thể đưa ra quy định về kinh phí đào tạo theo địa chỉ: tỉnh chi trả toàn bộ hay người học sẽ đóng góp một phần. Địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về kế hoạch đào tạo nhân lực theo cơ chế đặc thù của mình, trong đó bao gồm nguồn kinh phí chi trả cho hoạt động đào tạo như đã cam kết với SV và với cơ sở đào tạo. Chúng tôi không tin tỉnh Hậu Giang không tiếp tục chi trả học phí cho SV của mình nếu có cam kết rõ ràng ngay từ đầu. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng không thể tiếp nhận SV để đào tạo khi không có nguồn kinh phí. Trường hợp của SV tỉnh Hậu Giang ở Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thì cần phải căn cứ vào thỏa thuận cụ thể giữa các bên. Cách giải quyết hiện nay phụ thuộc vào các nội dung đã được thỏa thuận trước đây giữa người học với địa phương, giữa địa phương với trường. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là cần phải quan tâm đầy đủ lợi ích hợp pháp của người học nếu người học không có lỗi. Nguyễn Thị Kim Phụng Quý Hiên (ghi) |
Bình luận (0)