Thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng trưởng khi đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, tuy nhiên các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng.
Thị trường chứng khoán VN đang đạt đà tăng trưởng mạnh - Ảnh: Đ.N.Thạch
|
Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 29.7 giảm điểm sau một phiên giằng co khá mạnh. Chỉ số Index trên 2 sàn chứng khoán tiếp tục giảm điểm: VN- Index giảm 6,77 điểm, còn 624,7 điểm; HNX-Index giảm 0,47 điểm, còn 85,11 điểm. So với đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 15,6%, có thời điểm tăng khoảng 18%. Với mức tăng 14,59% trong 6 tháng đầu năm 2015, trang CNN Money đã xếp chỉ số chứng khoán VN có mức tăng mạnh thứ 12 trong số 74 chỉ số chứng khoán trên thế giới. Còn theo Reuters, chỉ số VN-Index của VN tăng mạnh nhất Đông Nam Á.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn và đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, cho biết trong hai tháng 5 và 6, dòng tiền ngoại đã đổ vào thị trường mạnh hơn những tháng trước đó. Các thông tin hỗ trợ cho thị trường bao gồm doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh tốt hơn năm 2014, CPI không tăng mạnh, chỉ số PMI (chỉ số mua hàng của DN) tăng, nhất là các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như tái cấu trúc, tín dụng tăng, xử lý nợ xấu. Trong khoảng 1 tháng nay, thông tin nới tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 1.9) đã khiến các NĐT ngoại mạnh tay mua ròng.
Khoảng 1 tháng sau khi Chính phủ quyết định nới room cho NĐT nước ngoài, theo thống kê của trang thông tin tài chính Người Đồng Hành, khối lượng giao dịch của NĐT nước ngoài tăng vọt. Trong 20 phiên giao dịch có đến 17 phiên NĐT nước ngoài mua ròng ở cả 2 sàn HCM và Hà Nội. Các NĐT nước ngoài đã mua ròng trung bình 100,4 tỉ đồng/ngày trong giai đoạn từ ngày 26.6 đến 26.7, cao gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình 41,1 tỉ đồng/ngày trong 6 tháng đầu năm. Chỉ trong 1 tháng từ 24.6 đến 24.7, chỉ số VN-Index đã đạt mức tăng 7%.
Ngoài các thông tin trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, khối dịch vụ chứng khoán - Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận định đáng chú ý là vai trò dẫn dắt có tính quyết định của nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng, trong đó vai trò chính là nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (VCB, BID, CTG). Do chiếm tỷ trọng lớn nhất (29% tổng vốn hóa thị trường), ngành ngân hàng tạo ra lực đẩy mạnh nhất tới VN-Index. Tính từ giữa tháng 4 đến nay, 2 ngành được NĐT nước ngoài mua ròng nhiều nhất là các công ty chứng khoán và ngân hàng với giá trị tương ứng 2.800 tỉ đồng và 2.500 tỉ đồng. Đây cũng là 2 ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý thị trường và VN-Index.
Cẩn trọng
Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BSC) đánh giá: TTCK Trung Quốc sụt giảm mạnh là cơ hội đối với TTCK VN thu hút dòng vốn mới trong bối cảnh TTCK VN đang gây sự chú ý đến các NĐT tổ chức nước ngoài. Thế nhưng thị trường này cũng đem lại những bài học kinh nghiệm giá trị cho các thị trường đang phát triển, trong đó có VN. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên TTCK Trung Quốc là sự tăng trưởng TTCK không đi kèm với tăng trưởng kinh tế, chất lượng NĐT ở mức thấp do tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao (NĐT đầu tư theo xu hướng phong trào) và tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao (tỷ lệ vốn margin/giá trị cổ phiếu cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển).
Theo ông Phan Dũng Khánh, các NĐT cần lưu ý thị trường những năm gần đây có sự phân hóa rõ rệt, dòng tiền tập trung vào một số loại CP, do đó NĐT cần nắm bắt được xu hướng của dòng tiền mới có thể đầu tư thành công. Riêng ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho hay hỗ trợ tốt nhất cho đà tăng của TTCK là kết quả kinh doanh tích cực của các DN niêm yết, đặc biệt là các DN hàng đầu. Các yếu tố vĩ mô, thị trường và dòng tiền NĐT đang hỗ trợ tốt cho thị trường.
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng các rủi ro phía trước vẫn còn nhiều. Về vĩ mô, đó là mức độ thâm hụt ngân sách đang ở mức cao, tăng trưởng của 2 ngành nông nghiệp và dịch vụ giảm sút, đồng VND đang chịu sức ép. Về thị trường, mức định giá của CP nhóm ngân hàng đã tăng lên khá cao so với lịch sử và so với các ngân hàng trong khu vực. Tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ tạo ra một lượng cung CP lớn trên thị trường. Về dòng tiền, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất có thể sẽ làm dòng vốn nước ngoài bị gián đoạn. Đây là những thử thách đi kèm với cơ hội mà TTCK VN sẽ trải qua trong thời gian 1 năm tới.
Bình luận (0)