Chính sự thức tỉnh tinh thần công dân Việt Nam là điểm đặc sắc nhất mà ngày Quốc khánh 2.9 mang lại cho dân tộc Việt. Không có sự thức tỉnh của tinh thần công dân ấy, thì sẽ không có đêm 19.12.1946 bùng nổ toàn quốc kháng chiến, không có cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ suốt 9 năm, không có cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm sau đó, và không có ngày 30.4.1975 thống nhất đất nước.
Cũng không có các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc trong hơn hai thập niên cuối thế kỷ trước, không có một dải non sông đất nước mà hôm nay chúng ta đang làm chủ.
Ngày Quốc khánh 2.9 phải là ngày thức tỉnh, nâng dậy tinh thần công dân yêu nước ở mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ đâu, và phải là ngày người Việt Nam tự thấy mình có trách nhiệm với đất nước, một trách nhiệm cụ thể, máu thịt, chứ không phải những lời nói suông.
Vị thế của đất nước được nâng cao lên hay không từ chính vị thế của mỗi người công dân. Tôi cứ suy nghĩ mãi về hành động dám đứng lên tố giác vụ “gian lận xét nghiệm” ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội). Khi những cán bộ, nhân viên bình thường của bệnh viện không thể bình thường cam chịu trước những quyết định và hành động bất thường của cấp trên, là đồng nghĩa với một sự thức tỉnh tinh thần công dân lương thiện dám đứng lên chống cái xấu cái ác để bảo vệ sự trong sáng bình thường của những công việc bình thường.
Nhân tốt tất sinh quả tốt. Tinh thần “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” luôn phải là tinh thần của hôm nay. Từ tinh thần của một đất nước, một dân tộc, nó trở thành lẽ sống của mỗi công dân, mỗi con người. Lý tưởng bao giờ cũng đi từ cao xa tới cụ thể, gần gũi. Một người cha có thể sống trong một ống cống trong nhiều năm, cắn răng chịu đựng khổ cực làm thuê làm mướn dành tiền nuôi con ăn học cho thành tài, người cha ấy không chỉ là một người cha tốt, mà còn là một công dân đầy ý thức. Ý thức và trách nhiệm của ông đã trở thành điểm sáng cho ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân Việt. Khi cúi xuống cho con cái đứng trên đôi vai mình mà vươn lên chiếm lĩnh tri thức, người cha nghèo khổ ấy đã lặng lẽ đưa lưng mình góp phần nhỏ nhoi để nâng cao vị thế đất nước thời hội nhập. Đó chính là một trong nhiều cách thể hiện tinh thần công dân được khơi dậy từ buổi sáng 2.9.1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử.
Thanh Thảo
Bình luận (0)