“Dù cho gió táp mưa sa/Khách lạ tới nhà phải báo công an”. Hồi trước, hai câu ca dao ngồ ngộ này đã khiến tôi cười rất nhiều.
Nhưng sau này nghĩ lại: trình báo công an về tạm trú tạm vắng là nghĩa vụ công dân, vì nó đã được quy định. Còn với những người bị hại, từ bị giật dọc, bị lừa đảo, bị hành hung, thậm chí bị cướp... thì việc họ trình báo công an cấp thời không chỉ là nghĩa vụ công dân mà còn để bảo vệ quyền lợi của công dân, quyền lợi của chính họ.
Nhưng đó đây vẫn có tình trạng một khi người dân bị hại trình báo công an, thì lại gặp phải sự thờ ơ vô cảm, sự “đủng đỉnh” bất thường, và nhiều khi, sau nhiều giờ mỏi mắt chờ công an đến bắt hay xử lý tội phạm, thì tội phạm đã kéo tới tự giải cứu cho nhau mà không cần công an can thiệp.
Người bảo vệ pháp luật, lực lượng bảo vệ pháp luật, trong những trường hợp ấy, không những không hoàn thành trách nhiệm công vụ của mình, mà còn khiến người dân mất niềm tin vào họ. Đó là sự mất mát cực lớn, điều này những người lãnh đạo ngành công an đã nghĩ tới từ lâu. Nhưng làm thế nào để cán bộ chiến sĩ trong lực lượng của mình nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm tận lực giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, thì quả tình, giữa nghĩ và làm vẫn còn một khoảng cách.
Bây giờ, nhiều phương tiện kỹ thuật cao có thể hỗ trợ công an phát hiện tội phạm, như camera an ninh, như các loại máy báo động… Nhưng kỹ thuật dù cao tới mấy, mà tinh thần của chiến sĩ công an chưa cao tương ứng, những hành động trấn áp tội phạm của công an chưa kịp thời, thì hiệu quả trên thực tế vẫn rất thấp. Đừng trách người dân thờ ơ ít chịu hợp tác với công an ngay cả trong trường hợp họ là nạn nhân, vì họ rất ngại mỗi khi gặp và nhờ công an giúp đỡ lại gặp phải những sự thờ ơ “ngược” hay vô cảm “chính danh”. Chưa kể, còn bị làm phiền. Thôi thì đành tặc lưỡi, cho qua... Đó là suy nghĩ rất tiêu cực, nhưng nó có thật, và có lý do cho những nghĩ suy như vậy còn tồn tại.
Đã có những “hiệp sĩ” tự nguyện sát cánh cùng công an vây bắt tội phạm, như thế, là người dân đã chủ động cùng lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự. Nhưng đó cũng chỉ mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Điều kiện đủ, là khi cả toàn dân và lực lượng công an cùng hợp tác toàn diện với nhau để giữ gìn an ninh trật tự, vì sự bình an của mỗi địa phương, vì sự bình an của nhân dân.
Bình luận (0)