Tinh thần độc lập, tự do trường tồn

02/09/2024 04:20 GMT+7

Chiều ngày 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, tuyên bố trước thế giới thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, khẳng định khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam. Đó là tiền đề để xây dựng những điều tươi đẹp trong cuộc trung hưng mới của dân tộc.

KHẲNG ĐỊNH QUYỀN ĐỘC LẬP, TỰ DO THIÊNG LIÊNG

Chủ nghĩa thực dân như một vết nhơ trong lịch sử và văn hóa nhân loại. Ở Việt Nam, "Về chính trị - Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào…; Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học…; Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân; Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn, để làm cho nòi giống ta suy nhược; Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều…". Lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20 đã chứng kiến cuộc đấu tranh lâu dài và quyết liệt của từng sắc tộc cũng như của các quốc gia dân tộc đòi những quyền cơ bản - đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền được lựa chọn con đường phát triển của dân tộc mình, trong đó nhân dân Việt Nam là những người tiên phong.

A1.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945

ẢNH: T.L

Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng tuyên đọc đã tuyên bố với thế giới một điều hợp với công lý thời đại và đang là hiện thực diễn ra ở Việt Nam sau thành công trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập". Với Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập - chấm dứt ách cai trị thực dân, và Tự do - chấm dứt chế độ phong kiến. Kể từ đây, nhân dân Việt Nam bắt đầu xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Với thế giới, bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam là tiếng chuông báo sự khởi đầu tan rã hệ thống thuộc địa kiểu cũ của các nước thực dân trên quy mô toàn cầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng - Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng Pháp (1789): "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Người "suy rộng ra" và khẳng định: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Đó cũng là quyền mặc nhiên và là giá trị phổ quát đã được nhân loại thừa nhận không (bị/phải) kèm theo bất cứ điều kiện gì.

Quyền độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất cứ thế lực xâm lược nào từ bên ngoài đều sẽ bị giáng trả, bất cứ kẻ phá hoại nào từ bên trong đều sẽ bị trừng trị. Đó là nền độc lập hoàn toàn, độc lập thật sự, và khi những điều đó bị đe dọa thì "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập ấy". Ý chí đó được phát triển và đúc kết thành chân lý Không có gì quý hơn độc lập tự do. Chân lý đó đã đi cùng dân tộc Việt Nam qua những năm tháng khốc liệt của các cuộc kháng chiến chống xâm lược sau này, làm nên những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20.

MỞ RA CUỘC TRUNG HƯNG MỚI CHO DÂN TỘC

Cuộc khởi nghĩa toàn dân "Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông" (Hồ Chí Minh) đã mở ra cuộc trung hưng mới cho dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc cách mạng này cũng mở ra tiền đồ, mở ra tương lai tươi sáng, gây dựng niềm tin và hy vọng, động viên, tiếp sức cho tinh thần dân tộc vươn lên. Nền độc lập của "nước Việt Nam mới" bắt đầu được xây dựng chính thức từ ngày 2.9.1945 cho đến nay luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Sau khi giành lại và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, tiến bộ về mọi mặt: Phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội… Tất cả đều nhằm mục tiêu vì hạnh phúc của con người.

A2.jpg

Quần chúng nhân dân ở quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945

ẢNH: T.L

Công cuộc đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ những thập niên cuối của thế kỷ 20 cho đến nay tiếp tục khẳng định và phát huy tinh thần độc lập, tự do được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Trong bối cảnh ngày nay, nền độc lập dân tộc còn thêm đòi hỏi bảo đảm quyền bình đẳng, quyền tự quyết trong các mối quan hệ quốc tế, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, đa phương mở cửa hướng ra thế giới, góp phần xây dựng nền hòa bình, tình hữu nghị, sự thịnh vượng và tiến bộ chung. Nền độc lập, tự chủ dân tộc là nền tảng cơ bản để đánh thức và phát huy các tiềm năng địa chính trị, địa kinh tế, các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên Việt Nam, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam phấn đấu vì một nước Việt Nam phát triển phồn thịnh, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Gần 40 năm qua, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đem lại những thay đổi lớn lao, tốt đẹp cho đất nước, làm cho "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam đã và đang nỗ lực mở rộng quan hệ quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người và những tiềm năng hợp tác với Việt Nam để hướng đến tương lai.

Với tinh thần độc lập, tự do trường tồn, chúng ta khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.