Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên

20/10/2024 14:20 GMT+7

Sáng 20.10, tại tỉnh Hà Tĩnh, T.Ư Đoàn phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng với chủ đề "Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên".

Tham dự hội thảo có ông Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội sinh viên Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu...

Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo khoa học "Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên"

ẢNH: MINH HẢI

Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp, kết hợp kết nối trực tuyến đến hơn 8.900 điểm cầu của các tổ chức Đoàn trong và ngoài nước.

Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học

ẢNH: MINH HẢI


Phát biểu khai mạc và định hướng nội dung hội thảo, ông Trần Thế Dũng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, để tổ chức hội thảo hôm nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 60 tham luận của các lãnh đạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đoàn viên thanh niên tiêu biểu. Hội thảo sẽ tập trung vào các chủ đề chính như: Tinh thần Lý Tự Trọng - Những bài học cho thanh niên hiện nay; Lý Tự Trọng với quê hương Hà Tĩnh; Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

"Hội thảo là dịp để các cấp bộ Đoàn cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục noi gương anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua đó nhằm lan tỏa khát vọng cống hiến trong mỗi đoàn viên, thanh niên, phát huy vai trò xung kích trên các mặt trận, góp sức dựng xây quê hương, đất nước; vững bước theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn", ông Dũng nhấn mạnh.

Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên- Ảnh 3.

Thạc sĩ Dương Trọng Phúc, Phó hiệu trưởng Trường đoàn Lý Tự Trọng

ẢNH: MINH HẢI

Trình bày tham luận "Một số khảo cứu mới về anh hùng Lý Tự Trọng" tại hội thảo, thạc sĩ Dương Trọng Phúc, Phó hiệu trưởng Trường đoàn Lý Tự Trọng (TP.HCM) cho rằng, từ khi anh Lý Tự Trọng hy sinh (1931) đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu, ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh. Tuy nhiên, một số thông tin liên quan đến anh Lý Tự Trọng đang được đăng tải, chia sẻ ở các nơi khác nhau dẫn đến việc các đoàn viên, thanh thiếu nhi không có căn cứ xác định đâu là thông tin chính xác. Các thông tin này lại tiếp tục được nhân bản ở nhiều bài tham luận, sách vở, nhiều sản phẩm truyền thông.

Thạc sĩ Phúc dẫn chứng, hiện nay có nhiều tài liệu ghi mốc thời gian anh Lý Tự Trọng sang Trung Quốc chưa thống nhất với nhau, trong đó có 4 mốc thời gian phổ biến là 1923, 1924, 1925 và 1926. "Tuy nhiên, thông qua các tài liệu được người thân của anh Lý Tự Trọng cung cấp và qua nghiên cứu các tài liệu, tôi cho rằng mốc thời gian mà anh Lý Tự Trọng và nhóm thiếu niên được đưa từ Xiêm sang Trung Quốc là vào giữa năm 1925", thạc sĩ Phúc khẳng định.

Còn về thời gian, địa điểm diễn ra cuộc mít tinh kỷ niệm 1 năm khởi nghĩa Yên Bái có sự tham gia của Lý Tự Trọng, thạc sĩ Phúc cho rằng sự kiện lịch sử này cũng có nhiều cuốn sách tài liệu đưa ra hai mốc thời gian khác nhau, đó là vào ngày 8.2.1931 và 9.2.1931. Vậy đâu là thời gian chính xác?

"Dựa theo lịch vạn niên, tôi xác định ngày 8.2 là chủ nhật và ngày 9.2 là thứ hai nên thông tin viết "chủ nhật 9.2.1931" là chưa chính xác. Đồng thời, một số báo chí đương thời đăng tải sau khi sự việc xảy ra cũng khẳng định ngày anh Lý Tự Trọng bắn chết mật thám Legarad là 8.2.1931. Vậy thời gian xảy ra cuộc mít tinh và việc Lý Tự Trọng bắn mật thám Pháp là vào chiều ngày 8.2.1931, nhằm ngày chủ nhật là đáng tin cậy", thạc sĩ Phúc nêu quan điểm.

Tại hội thảo, nhiều tham luận khác của các nhà nghiên cứu, khoa học và cán bộ đoàn cũng đã làm sáng rõ về tinh thần cách mạng, sự hy sinh anh dũng của Lý Tự Trọng đã tác động to lớn, cổ vũ, động viên lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên- Ảnh 4.

Ông Lê Hữu Lợi, cháu ruột của Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng

ẢNH: MINH HẢI

Cũng tại hội thảo, ông Lê Hữu Lợi (cháu ruột của Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng), đại diện cho dòng họ và thân nhân của anh Lý Tự Trọng gửi lời cám ơn tới T.Ư Đoàn và tỉnh Hà Tĩnh đã luôn quan tâm, dành tình cảm để tổ chức các hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của người bác anh hùng.

"Tôi hiện đang chăm sóc, hương khói cho người bác tại Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng. Dù chỉ được nghe kể nhưng tấm gương sáng ngời của bác luôn thôi thúc chúng tôi và con cháu nỗ lực học tập, rèn luyện để cống hiến cho quê hương đất nước", ông Lợi bộc bạch.

Phát biểu tại hội thảo, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đánh giá các bài tham luận đã bám sát với các giá trị, mục tiêu của hội thảo, trong đó nhiều tác giả đã tập trung phân tích, làm rõ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh Lý Tự Trọng, người thanh niên với tinh thần quả cảm, dâng trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng của Đảng, là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Cuộc đời, sự hy sinh anh dũng của anh Lý Tự Trọng và tinh thần cách mạng của các thế hệ cha anh đã để lại nhiều bài học quý báu cho thanh niên, tổ chức Đoàn, công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

Tinh thần Lý Tự Trọng - Khát vọng của thanh niên- Ảnh 5.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn phát biểu tại hội thảo

ẢNH: MINH HẢI

"Các tham luận tại hội thảo đã góp phần làm sáng rõ hơn nhiều chi tiết, thông tin về cuộc đời hoạt động cách mạng, tinh thần và sự hy sinh anh dũng của anh Lý Tự Trọng. Tập trung phân tích, nêu bật những phẩm chất tốt đẹp của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và những bài học quý giá từ cuộc đời anh để lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam học tập và noi theo", anh Lương nhấn mạnh.

Theo anh Lương, người thanh niên ấy đã ra đi khi còn rất trẻ, lứa tuổi còn ôm bao hoài bão và ước mơ nhưng sự hy sinh vì sự nghiệp cách mạng dân tộc đầy vẻ vang của anh đã để lại cho lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam nhiều bài học quý giá.

Đó là tình yêu đồng bào và tinh thần tự tôn dân tộc, là lý tưởng sống cao đẹp, tấm lòng kiên trung theo Đảng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là bài học về tấm gương ham học hỏi, ham hiểu biết, tinh thần tự học, tự rèn để không ngừng tiến bộ và là bài học về lòng can đảm, gan dạ, anh dũng và ý chí sắt đá của một chiến sĩ cộng sản chân chính. Đó là bài học về tình đồng chí, đồng đội thủy chung son sắt

Anh Lương khẳng định, những nội dung của hội thảo là chất liệu vô cùng quý giá đối với tổ chức Đoàn trong công tác triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ gắn với tấm gương Lý Tự Trọng và những người anh hùng trẻ tuổi. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xác lập các giải pháp mới, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên; nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, sẵn sàng cống hiến của thế hệ trẻ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hội thảo kết nối đến 8.914 điểm cầu, với sự tham dự của 681.700 đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước, trong đó có Ban Cán sự Đoàn tại Trung Quốc, Cuba; Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.