Tình trạng 'phát nhầm', 'nhận nhầm' tiền hỗ trợ xảy ra ở một số địa phương

Thu Hằng
Thu Hằng
09/11/2021 16:53 GMT+7

Công tác chi trả hỗ trợ Covid-19 ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT, nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” xảy ra ở một số địa phương.

Đây là đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH trong báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15.

Người dân tại TP.HCM nhận tiền hỗ trợ đợt 3

SONG MAI

Thủ tục hỗ trợ ở một số nơi vẫn rườm rà

Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 7.11, tổng kinh phí phê duyệt thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 trên toàn quốc về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 26.390 tỉ đồng (gói hỗ trợ dự kiến ban đầu là 26.000 tỉ đồng), hỗ trợ 26,98 triệu lượt đối tượng.

Trong đó, có 377.225 lượt đơn vị sử dụng lao động; 26,6 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ.

Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt với kinh phí 20.280 tỉ đồng đã hỗ trợ cho 15,01 triệu đối tượng. Trong đó, 89,4% số đối tượng và 90,5% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 23 tỉnh, thành phố phía nam.

Đối với chinh sách vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 745,9 tỉ đồng hỗ trợ 1.433 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 208.352 lượt người lao động. Một số địa phương có tổng kinh phí giải ngân cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Định…

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách đã ban hành trước, Bộ LĐ-TB-XH đánh giá chính sách hỗ trợ lần này đã giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ, tạo điều kiện để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cho hay do diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, số đối tượng hỗ trợ quá lớn, đến hàng chục triệu người cùng một thời điểm, nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cứng nhắc, thủ tục rườm rà trong triển khai ở một số đơn vị.

“Về công tác hỗ trợ, ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu tiến hành thủ công, chưa quan tâm đúng mức sử dụng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả hỗ trợ, nên tình trạng “phát nhầm”, “nhận nhầm” xảy ra ở một số địa phương. Việc làm thủ tục hồ sơ khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 68 và Quyết định 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn (do quy định pháp luật), không hấp dẫn và người sử dụng lao động khó tiếp cận, hiệu quả hỗ trợ thấp, như: chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương và phục hồi sản xuất từ nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Covid-19 sáng 9.11: Cả nước 976.672 ca nhiễm, 841.475 ca khỏi | Dịch bệnh nhiều nơi đáng lo ngại

Bố trí kinh phí chi trả sớm tránh để người dân chờ đợi, bức xúc

Về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 và trình Thủ tướng ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23 theo hướng: mở rộng đối tượng thụ hưởng, tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách cho vay trả lương từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trước mắt, Bộ LĐ-TB-XH cho biết lập 12 đoàn kiểm tra tại 33 tỉnh, thành phố, đôn đốc triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ; kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ này đề nghị các địa phương khẩn trương lập danh sách, phê duyệt và hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng chưa được hưởng, trong đó cần đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hỗ trợ hàng ngày bằng các hình thức thuận lợi nhất (qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia, trực tiếp, trực tuyến, email,…) để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.

Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời và hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để thực hiện chi trả sớm cho các đối tượng đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ, tránh tình trạng người dân chờ đợi, dẫn tới bức xúc, phản ánh thông tin trên báo chí, mạng xã hội...

Tình trạng thiếu hụt lao động không trầm trọng

Theo thống kê từ báo cáo của các địa phương, đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển, trong đó khoảng 292.000 người về từ TP.HCM và 450.000 người trở về từ một số tỉnh trọng điểm phía nam).

Báo cáo của các địa phương cho thấy, một số tỉnh có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa (160.000 người), Sóc Trăng (99.700 người), Nghệ An (75.800 người); Đắc Lắc (75.000 người), Cà Mau (58.700 người), An Giang (52.000 người, Hà Tĩnh (36.000 người), Kiên Giang (32.000 người), Hậu Giang (20 nghìn người),...

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, các dòng dịch chuyển lao động theo địa giới hành chính từ TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, một bộ phận trong khu công nghiệp, còn lại chủ yếu là lực lượng lao động làm việc ở các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và chủ yếu là lao động tự do về các tỉnh vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía bắc.

Nhìn chung, người lao động trong khu vực FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản ít di chuyển hơn, do các doanh nghiệp đã được cảnh báo sớm. Hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động lựa chọn phương án của mình, có chính sách giữ chân người lao động, giữ liên lạc, giữ quan hệ và hỗ trợ một phần với những lao động tạm ngừng việc, để giữ chân lao động.

Bộ LĐ-TB-XH nhận định: “Tình trạng thiếu lao động ở nhiều doanh nghiệp so với nhu cầu và để đáp ứng đơn hàng là có, tuy nhiên mức độ thiếu hiện nay nhìn chung không trầm trọng do các doanh nghiệp cũng từng bước phục hồi, vừa triển khai sản xuất, vừa phải phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn theo quy định”.

Để phục hồi thị trường lao động, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cần ưu tiên bao phủ vắc xin 2 mũi cho người lao động nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm: kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ giảm chi phí như: giảm giá điện, nước, cước viễn thông, giá nhà trọ, hỗ trợ tiền phòng, tiền quay trở lại nơi làm việc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.