Tình yêu, đó là chủ đề muôn thuở của nghệ thuật. Tình yêu cũng đồng thời là chủ đề được truyền thông ở nhiều góc cạnh trong năm qua, nhưng không hẳn dưới lăng kính nghệ thuật mà còn ở khía cạnh khác.
|
Tình yêu và nghệ thuật
Có quá nhiều tai ương giáng xuống cõi trần gian này, và tình yêu cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Thông thường, nói đến tình yêu, người ta nghĩ ngay đến sự thăng hoa của hai trái tim thổn thức. Song, tình yêu không phải lúc nào cũng cho vị ngọt để rồi một ngày nọ, ta chợt nhận ra mình đang ngậm trái đắng. Cái đó gọi là thất tình. Oái oăm ở chỗ chuyện thất tình lại là nguồn cảm hứng dạt dào cho nghệ thuật, để từ đó cho ra đời những tác phẩm làm rung động lòng người.
Nghệ thuật của nhân loại được định hình thành 7 dạng: thi ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh (hay còn gọi là nghệ thuật thứ 7). Trong 7 nghệ thuật nói trên, ở Việt Nam chuyện thất tình được đề cập nhiều nhất có lẽ là thi ca và âm nhạc. Thi ca và âm nhạc ở nước ta nói về tình yêu nhiều vô kể, nhưng dễ làm xao động con tim và chiếm đa số vẫn là những vần thơ, lời nhạc nói về sự cô đơn, tình yêu ngang trái và chia lìa đôi lứa. Như trong nhạc phẩm Em về với người (Mặc Thế Nhân): Em về với người, hết rồi câu chăn gối/Hẹn ước trọn đôi, bây chừ riêng một mình tôi…/Anh không trách gì đâu, có chăng anh trách đời riêng anh… Tương tự, trong bài thơ Tình xưa gói lại (Đoàn Duy Xuyên): ... Em về bên nớ ta về chốn nao?/Đợi chờ gì ở kiếp sau/Ôm vào quá khứ nỗi đau gượng cười/Đành thầm thương mãi một người/Kiếp này lận đận bên đời quạnh hiu. Những “kẻ” thất tình ấy chỉ tự trách thân phận hẩm hiu của chính mình chứ không hề toan tính hãm hại ai. Chợt nhớ, nói đến thất tình mà để xảy ra “án mạng”, theo tôi, đỉnh điểm có lẽ là nhạc phẩm Giết người trong mộng (Phạm Duy): Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng/Giết người đi, giết người trong mộng đã bội thề… Nghe có vẻ rùng rợn vậy, chứ thực ra trong nhạc phẩm ấy chẳng có ai phải tắt thở.
Hình như những người yêu thơ, yêu nhạc, yêu nghệ thuật nói chung đều có cái tâm thánh thiện, tránh làm điều ác. Nếu chẳng may gặp điều trắc ẩn trong tình trường, họ sẵn sàng chấp nhận thương đau, tỏ lòng vị tha. Vậy tội ác từ đâu ra?
Tình yêu và tội ác
Điển hình của chuyện tình yêu trắc trở dẫn đến cái chết thật, đi vào lịch sử nghệ thuật sân khấu thế giới, đó là vở kịch Romeo & Juliet của đại văn hào Anh quốc Shakespeare, đến nay được 3 nước chuyển thể thành phim. Chỉ vì sự thù hằn, ngăn trở của hai gia tộc mà kết cục là cái chết của đôi tình nhân trẻ tràn trề sức sống. Câu chuyện của Romeo và Juliet diễn ra ở nước Ý thời trung cổ. Ở Việt Nam thế kỷ 21 cũng có vô số câu chuyện tương tự. Một trong số ấy là tình khúc buồn của anh L.K.H (27 tuổi) và chị N.T.T.T (20 tuổi, cùng ngụ Cần Thơ), cả hai đều là giáo viên. Mối tình của họ đã bị mẹ chị T. phản đối. Trong giây phút tuyệt vọng, thầy giáo H. đã rút dao đâm cô giáo T. rồi tự đâm mình, may mà cả hai được cấp cứu kịp thời. Chưa biết hồi kết của “mối tình sư phạm” bi thương này sẽ ra sao. Một bi kịch cuộc tình khác là trường hợp của Trần Anh Sơn (28 tuổi, ngụ Lâm Đồng) chết trong tư thế treo cổ, cạnh đó là xác chị Nguyễn Thị Xuân Thu (41 tuổi, ngụ Đồng Nai) trong một căn nhà trọ ở P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa. Chị Thu đã ly dị chồng và có tình cảm với anh Sơn từ lâu nhưng bị gia đình phản đối. Sơn đã giết tình nhân rồi kết liễu đời mình.
Một số người được trái tim mách bảo rằng, trong hàng triệu nam thanh nữ tú trên thế gian này, họ chỉ yêu đúng 1 người và cũng chỉ muốn ăn đời ở kiếp với người ấy mà thôi, không ai khác. Cái đó người đời gọi là tìm đúng “một nửa của mình”, là thiên định. Rồi một ngày đẹp trời nọ, người ta bỗng dưng quẹo 180 độ sánh đôi cùng… “một nửa” khác! Đất trời sụp đổ. Như lời bài hát Ai khổ vì ai (Thương Linh): ... Âu yếm hôm qua không xóa được buồn hôm nay/Người phụ đời em khi đã cạn chén tình say/Để lại thương sầu, trót yêu nhau rồi sao nỡ đành làm khổ nhau. Trong những tình huống tan nát trái tim như vậy, nhiều người cam chịu, chỉ than thân trách phận, mong nỗi buồn qua mau. Song cũng có người nghĩ khác và hành động khó lường. Như trường hợp Hoàng Huy Khánh (24 tuổi, ngụ xã Thúy Sơn, H.Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) ngỏ lời yêu thương chị Dương Thị Dung (18 tuổi, ngụ xã Ngọc Khê, cùng huyện) nhưng bị từ chối. Khuya 26.5.2013, Khánh đã ném một quả mìn tự chế vào nhà chị Dung để “dằn mặt tình nhân”. Rõ ràng đó là biểu lộ tình yêu của một kẻ côn đồ, rất may vụ nổ không gây thiệt hại về người.
Những kẻ thất tình có suy nghĩ và hành động điên rồ thường do người nam gây ra, vì phụ nữ Việt Nam dẫu sao cũng đằm tính hơn. Tuy nhiên, có trường hợp “trả thù đời” giống như phim lại xuất phát từ một người nữ. Ngày 20.4.2013 có một đám cưới diễn ra tại xã Hiệp Hòa, H.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Chị Vũ Thị Thúy (27 tuổi, ngụ Hà Nội) là người yêu cũ của chú rể Trần Văn Chung (29 tuổi) đến “chúc mừng đám cưới”. Khi cáo biệt, anh Chung tiễn chị Thúy ra lấy xe máy để nàng về lại Hà Nội thì chiếc xe... phát nổ khiến Thúy tử vong, chú rể trọng thương. Theo giám định của cơ quan điều tra, chị Thúy đã chủ định cài thuốc nổ vào xe máy để cùng người yêu cũ “chết cho có đôi”.
Tội lỗi do đâu ?
Đa số hung thủ trong các vụ án tình đều rất trẻ, thậm chí có người còn vị thành niên. Họ không biết rằng “60 năm cuộc đời” là quãng thời gian mang đến cho chúng ta vô số kỷ niệm dấu yêu trong một kiếp người (dĩ nhiên có người thọ hơn 60 năm và có người chỉ hưởng dương). Một hành vi dại dột, suy nghĩ nông cạn sẽ cho kết cục thảm thương, đánh mất quãng đường đời còn lại.
Điều đáng quan ngại là số vụ “tự kết liễu cuộc tình” ngày càng nhiều với đủ thứ kiểu. Tuy nhiên, bên cạnh sự bồng bột của người trẻ, có trách nhiệm của người lớn. Câu nói của thời trước “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” xem ra mất dần hiệu nghiệm so với thời nay, kể cả chuyện “môn đăng hộ đối” cũng không hợp thời. Tại sao? Vì tính độc lập trong suy nghĩ của thanh niên ngày nay khá rõ, họ biết mình đang làm gì và đặt trái tim vào đâu. Dĩ nhiên, cũng có bậc phụ huynh nêu lý do nào đó để can thiệp rồi lạnh lùng quyết định “chia uyên, rẽ thúy”, tạo ra không ít bức xúc, thậm chí nỗi tuyệt vọng trong lòng con cái.
Trở lại chuyện tình của Romeo và Juliet. Sau khi đưa đám ma (cũng là đám cưới) cho đôi nhân tình trẻ, gia đình hai họ chợt tỉnh ngộ, bắt tay nhau xóa bỏ mối hận thù xưa. Đó là biểu hiện tốt lành dẫu muộn màng, cay đắng. Nói muộn màng, đắng cay là bởi vì nếu biết trước hậu quả và buộc phải chọn giữa đám cưới và đám ma, bạn chọn đám nào?
Bản thân tình yêu không có tội. Tội lỗi, nếu có, là do chính chúng ta gây ra. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm một điều gì đó khiến ta bị ám ảnh và ân hận suốt đời. Ôi, tình yêu!
Đoàn Xuân Hải
>> Tình yêu đến từ trái tim
>> Mỹ Tâm 'gửi tình yêu...' ra Đà Nẵng
>> Tình yêu của cha
>> Tình yêu tuổi học trò
>> Tìm tình yêu kiểu Chicago
Bình luận (0)