Không những cùng cảnh tật nguyền, họ còn trùng cả tên gọi, Bùi Trọng Lý (38 tuổi) và Nguyễn Thị Hải Lý (36 tuổi, sống tại khóm 3A , T.T Khe Sanh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Hai người tên Lý đó đã gầy dựng mái ấm hạnh phúc. Và trong cuộc tình đó, có bóng dáng của một người mẹ.
Nhờ mẹ ngỏ lời yêu
Anh Lý vốn là dân xóm chợ Khe Sanh. Từ nhỏ, cả khu chợ không ai không biết về anh. Bản thân anh càng nhút nhát, tự ti, lại càng nhiều người "ném" về anh những cái nhìn thương cảm. Có nhiều người buông lời nhận xét: “Thằng nhỏ mới lọt lòng đã câm điếc rồi, không biết sau này lấy gì mà ăn”...
Mẹ anh, bà Hồ Thị Thố, lo chăm bẵm đứa con tật nguyền nên cũng không quan tâm nhiều đến những lời thương cảm, vì giữa họ có một thế giới riêng chỉ dành cho 2 mẹ con. Ở đó, có những lời thì thầm vô thanh.
Cứ thế, hai mẹ con anh Lý đã cùng nhau đi qua ngót 30 năm của cuộc đời với bao buồn vui, rau cháo có nhau. Thương mẹ, chàng trai tật nguyền cố gắng để không tự biến mình thành gánh nặng...
Ở tuổi 33, anh Lý câm điếc được biết đến là "thợ đụng" của làng trên xóm dưới, việc gì cũng không nề hà. Từ chân chạy dựng rạp cưới, thợ xây, bốc vác..., anh đều đưa tay làm biểu tượng “OK” và rồi làm hùng hục để vui vẻ nhận những đồng tiền công cuối ngày.
Một lần tình cờ đến làm việc tại thôn Tân Hòa (xã Tân Liên, H.Hướng Hóa), không biết “trời xui đất khiến” thế nào mà anh Lý lại vào tiệm gội đầu vốn dĩ là chuyện lâu nay anh cho là xa xỉ. “Có lẽ đó là duyên trời định. Nếu không bước vào tiệm hôm đó, làm sao tôi quen được Hải Lý để yêu”, anh Lý phác họa cử chỉ chân tay để bà Thố "phiên dịch". .
|
Trúng “tiếng sét” ái tình với cô gái câm điếc làm nghề cắt tóc gội đầu, anh Lý tự tạo thêm nhiều cơ hội để lân la làm quen. Ngày ngày, anh cứ chạy xe lên quán gội đầu cách nhà 7 - 8 cây số, yêu cầu đúng cô gái đó gội đầu cho mình... “Linh tính của một người mẹ mách bảo cho tôi rằng thằng Lý đã biết yêu rồi”, bà Thố kể lại.
Thế rồi cuộc “tán gái” bằng cách... đi gội đầu cũng đến lúc phải kết thúc. Anh Lý lúc này muốn tỏ tình, nhưng không biết làm sao đành nhờ đến “quân sư” mẹ. Bà Thố đã thay mặt con trai nhắn dòng tin: “Hải Lý có đồng ý yêu Trọng Lý không?”.
Về phần chị Hải Lý, cũng mắc bệnh câm điếc bẩm sinh. Có lẽ lo lắng về viễn cảnh không mấy tốt đẹp về cặp đôi “ú ớ”, chị đã trì hoãn câu trả lời. Nhưng chị vẫn để ngỏ cơ hội, khi hẹn 4 tháng sau sẽ trả lời...
|
120 ngày với anh Lý dài dằng dẵng, cứ đứng ngồi không yên. Cho đến một ngày, bà Thố thấy đứa con trai đã qua tuổi băm của mình nhảy cẫng lên như đứa trẻ, thì đoán biết “mọi sự đã tốt lành”.
Năm 2017, gạt đi những tự ti về bản thân, cả hai tổ chức tiệc cưới. Bà con chòm xóm sau chút bỡ ngỡ, sững sờ ban đầu đã hồ hởi đến chung vui và chúc phúc cho đôi trẻ. “Tiệc cưới 2 đứa nhỏ thôi, nhưng vui lắm! Bà con được mời đến không sót một ai, người không được mời cũng đến chúc tụng. Ai cũng nói “ông trời có mắt”, bà Thố kể.
"Nến cong cho lửa thẳng"
Không cặp đôi nào đến với nhau mà không muốn có giọt máu để lại trên đời, lành lặn. Cặp đôi câm điếc bẩm sinh như “song Lý” càng mong muốn đến tột độ...
|
Nhưng phải đến sau 2 năm, tình yêu của anh chị mới đơm hoa. Cái thai trong bụng của chị Lý lớn dần lên cùng với niềm sung sướng của mọi người. Nhưng nỗi lo cũng tỷ lệ thuận, vì biết đâu đứa bé sẽ giống như cha mẹ nó.
Bà Thố càng lo, vì chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Hồi sinh anh Lý, lọt lòng mẹ mà anh chỉ khóc ư ư trong họng, không thành tiếng.
“Cho đến ngày sinh, tôi cố lắng nghe cho được tiếng khóc của đứa cháu nội. Nghe nó khóc thành tiếng, khác thằng cha hắn khi xưa một trời một vực, tôi mới thở hắt ra”, bà Thố kể.
Ben, tên gọi ở nhà của cháu bé, được bác sĩ sàng lọc kỹ và kết luận không mang bất cứ dị tật nào. Về sau, vợ chồng anh Lý đặt cho Ben cái tên Bùi Nguyễn Thành Gia, với ý nghĩa sau này dù có vấp phải khó khăn gì thì hãy cứ mạnh dạn đi tìm hạnh phúc, xây dựng mái ấm gia đình cho riêng mình.
|
Bây giờ, niềm vui tiếp tục đến với gia đình đôi vợ chồng câm điếc khi chỉ còn 2 tháng nữa chị Lý sẽ sinh con thứ hai, họ đang mơ một đứa con gái. “Nói chuyện” với chúng tôi, anh Lý làm cử chỉ như đang giặt đồ, quét nhà rồi cười hềnh hệch, ý nói “nếu có con gái thì tương lai sẽ có người giúp đỡ vợ việc nhà”...
Ngặt nỗi, gần đây dịch bệnh căng thẳng, nên ngón nghề “dựng rạp cưới” của anh Lý coi như... treo niêu. Để có tiền lo cho gia đình, người đàn ông cấm điếc này đi xa hơn, vào tận các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lập... để dựng rạp nghỉ ngơi cho những công nhân dự án điện gió. Bà Thố khuyên không nên quá lao tâm lao lực, nhưng chỉ nhận được câu nói nửa đùa nửa thật từ Lý: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Với khuyết tật của mình, cặp vợ chồng này sẽ mãi mãi không nghe được tiếng gọi yêu thương “bố ơi, mẹ ơi” từ miệng các con mình. Nhưng thiệt thòi đó sao so được với bà Thố, người đã nguyện làm “phiên dịch bất đắc dĩ” cho con trai rồi đến con dâu suốt mấy chục năm qua.
Có lẽ chính bà đã dạy cho con trai, con dâu khuyết tật của mình đạo lý làm cha mẹ, rằng “dù nến có cong, thì lửa phải thẳng”.
Bình luận (0)