Tờ báo thuở xưa: Bóp trán khi tăng giá

19/06/2023 07:00 GMT+7

Tờ báo để giữ được độc giả, không chỉ nội dung phải hay, đáp ứng đúng thị hiếu người đọc, mà giá cả cũng phải chăng mới đặng thu hút.

Nghĩ suy bớt một thêm hai

Dạo cuối năm 1930, các báo ở Sài Gòn đồng loạt tăng giá bán từ 5 xu lên 8 xu với lý do các chi phí liên quan như tiền in, tiền giấy… Sài Thành nhật báo trong việc tăng giá bán này, đã phải tỏ bày nỗi niềm "Gần một tháng nay, sau khi các báo bàn tính với nhau, báo nào cũng lên giá mổi [mỗi] số là 8 su [xu] hết thảy. Sự lên giá báo nầy thật là một sự khổ tâm, một đều [điều] vạn bất đắc dĩ của chúng tôi, tưởng các bạn độc giả cũng đã chán biết", Sài Thành nhật báo số 29, ra ngày 24.12.1930.

Tờ báo thuở xưa: Bóp trán khi tăng giá - Ảnh 1.

Phụ trương báo Thanh Nghệ Tịnh Tân văn số 114

Việc tăng giá báo lên tới 3 xu khiến độc giả mua báo phản ứng, có người viết thư tâm sự, đề nghị người làm báo, người bán báo và người đọc mỗi bên "hi sanh" một chút để báo có giá 6 xu. Sau kiến nghị ở số báo 29 ra ngày 24.12.1930, đến số 35 ra ngày 2.1.1931, Sài Thành nhật báo giảm giá bán từ 8 xu xuống còn 6 xu. Kèm theo đó là tin thông báo "Sụt giá báo": "Hôm trước vì các bạn đồng nghiệp đã hội nhau lại định tăng giá báo, nên bỗn [bổn] báo củng [cũng] phải ép lòng theo các bạn đồng nghiệp mà tăng giá bán lẻ mỗi số Sài Thành lên 0$08. Nào dè hôm nay lại thấy tờ Công luận nói rằng: "Vì bán giá tám su [xu] đã bị nhiều người phiền lắm, nên Công luận, kể từ 2 Janvier 1931 sắp tới, sẽ hạ xuống mỗi số còn 0$06 thôi". Vậy bổn báo xin thưa cùng chư độc giã [giả] yêu quí biết rằng từ 2 JANVIER SẮP TỚI BÁO SÀI THÀNH NÀY CŨNG BÁN LẼ [LẺ] MỖI SỐ 0$06".

Ở Hà Nội, báo Đàn bà cực chẳng đã phải tăng giá bán lên 1 hào 3 kể từ số 149, ra ngày 1.5.1942 bởi cước phí bưu điện tăng, giá giấy in báo tăng. Báo cũng phải có "Mấy lời khẩn thiết cùng quý độc giả và đại lý" để tỏ bày việc tăng giá chẳng đặng đừng này dành cho tờ tuần báo 16 trang. May mắn khi sau đó, độc giả đa phần ủng hộ báo nên ở số 151, ra ngày 15.5.1942, Đàn bà cảm kích tấm lòng bạn đọc ở bài "Giữa chúng ta chung quanh chuyện tăng giá báo".

Tờ báo thuở xưa: Bóp trán khi tăng giá - Ảnh 2.

Báo Nam Kỳ số 63, ra ngày 5.1.1899 đăng giá báo trên trang nhất

Dạo đầu những năm 1940, theo chia sẻ của nhà báo Vũ Ngọc Phan qua Chuyện Hà Nội, ở Hà Nội, báo có 4 trang thì bán giá 5 xu. Nếu ra phụ trương 4 trang nữa thành tổng 8 trang, giá bán vẫn không đổi. Trường hợp này không chỉ có ở Hà Nội, mà báo ở Trung kỳ cũng thế, như trường hợp Thanh Nghệ Tịnh tân văn ra phụ trương ở số 114, ra ngày 23.9.1932 nhân dịp vua Bảo Đại hồi loan. Vẫn lời họ Vũ, giá báo không tăng nhưng các chi phí khác như tiền nhuận bút, tiền giấy, tiền in... đều tăng. Như thế báo thất lợi về đường kinh doanh. Mà dạo đó nếu có trông vào quảng cáo thật không khả thi vì khan người có nhu cầu rao hàng quá.

Giá báo… tùy nơi

Giá bán báo cũng được quy định rõ ràng đối với bạn đọc mua lẻ hoặc mua theo tháng, theo quý hay theo năm. Chẳng hạn như Sài Thành nhật báo số 36, ra ngày 3.1.1931 niêm yết giá bán: một năm: 14 đồng; sáu tháng: 7,5 đồng; ba tháng: 4 đồng; một tháng: 1,5 đồng, và mỗi số: 6 xu. Nên chú ý Sài Thành nhật báo là báo ngày. Vậy là càng đặt báo dài hạn thì tiền mua càng được giảm so với ngắn hạn hoặc mua lẻ.

Tờ báo thuở xưa: Bóp trán khi tăng giá - Ảnh 3.

Niêm yết giá báo trên trang nhất của Tri Tân số 1

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Đối với giá báo ở Bắc kỳ, có thể tham khảo giá một số tờ. Trong trí nhớ của Nguyên Hồng, năm 1936 Tiểu thuyết thứ Bảy bán với giá 5 xu/số. Trong khi đó đầu năm 1931 khi báo L'Annam nouveau (Nước Nam mới) ra đời tại Hà Nội, giá bán ở Bắc và Trung kỳ là 5 đồng/năm, Nam kỳ và Cao Miên là 7 đồng/năm. Cước phí vận chuyển (được gọi là tiền đài tải) là một nguyên nhân khiến giá bán tăng.

Ở Trung kỳ, nơi báo chí không nhộn bằng Bắc và Nam kỳ, có thể tham khảo giá báo qua một số tờ Tiếng dân, Ánh sáng… Báo Ánh sáng số 39, ra ngày 14.9.1935 đăng rõ giá bán: một năm: 3,6 đồng; sáu tháng: 1,8 đồng; số ra ngày thứ bảy: 3 xu; số ra ngày thứ ba, thứ năm: 2 xu. Báo Ánh sáng là tờ báo ra cách nhật với các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy, mỗi số gồm 8 trang. Khi báo Tiếng dân ra đời năm 1927, giá bán lẻ của báo đề nơi số 2, ra ngày 13.8.1927 là 5 xu một số báo gồm 4 trang. Giá này giữ ổn định qua nhiều năm. Thậm chí đến số 866 (và các số sau này), ra ngày 1.2.1936 giá bán lẻ một tờ chỉ còn 4 xu.

Cùng một tờ báo, nhưng giá báo dành cho trong nước, thậm chí là mỗi kỳ có sự khác nhau, rộng hơn là giá sẽ có khác nữa khi phát hành sang Cao Miên hay Ai Lao, thậm chí sang Pháp. Tờ báo Nam Kỳ số 63, ra ngày 5.1.1899 đăng giá báo trọn năm tại Bắc kỳ, Nam kỳ, Cao Miên và Ai Lao là 5 đồng, nhưng phát hành sang Pháp và những nước khác thì 6 đồng. Đó là giá báo cuối thế kỷ 19. Đến năm 1941, như Tri Tân số 1, ra ngày 3.6.1941 đăng giá báo 3 tháng là 1,5 đồng, 6 tháng là 2,8 đồng, cả năm là 5,5 đồng. Còn đối với công sở và nước ngoài, giá gấp đôi.

Có báo khi độc giả đã gửi tiền mua báo, thì đăng rõ họ tên và số tiền đã gửi lên trên báo cho người mua được hay. Như báo Ánh sáng số 39, ra ngày 14.9.1935 và số trước đó đăng tin "Phương danh độc giả Ánh sáng đã giả [trả] tiền" với danh sách dài những người đã móc hầu bao để thưởng thức những thông tin béo bổ cho não bộ. (còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.