Tờ báo thuở xưa: Cảm tình với nhật trình

18/06/2023 07:14 GMT+7

Báo chí muốn sống được phải hội đủ các nhân tố cần thiết quanh nó, nào kinh phí, nào nhân lực… và dĩ nhiên phải có độc giả.

Tờ báo thuở xưa: Cảm tình với nhật trình - Ảnh 1.

Báo Dân chúng số Xuân 1939

T.L

Vương Hồng Sển mua báo "lấy le" với chị em

Báo được độc giả yêu mến, thực nhiều lý do. Sau khi Tản Ðà rời báo Hữu thanh, đầu tháng 2.1922 độc giả viết thư chia sẻ: "Báo Hữu thanh ra đời, lấy hữu ái làm chủ nghĩa. Tôi là người xem báo Hữu thanh, không biết bao nhiêu tình hữu ái và mối cảm tình cùng báo Hữu thanh, mà nhất là Tiên sinh là ông chủ bút Hữu thanh vậy". Yêu báo vì yêu người, mà cũng kèm trách móc hờn giận vì ông chủ bút dứt báo ra đi.

Bà Tùng Long còn nhớ kỷ niệm đẹp trong hồi ký Viết là niềm vui muôn thuở của tôi… Khi Bà Tùng Long sánh duyên cùng Chủ bút Sài Thành nhật báo là Hồng Tiêu, bốn chiếc xe hơi của các hiệu thuốc lớn ở Sài Gòn là tiệm Phan Thị Bạch, tiệm thuốc Võ Văn Tân cùng hai tiệm ở Chợ Lớn đã cho Hồng Tiêu mượn để đón dâu. Nào đã hết, sau đám cưới "một tiệm chụp hình ở đường Bonard (đường Lê Lợi nay) đến mời chúng tôi đi Sở Thú và chụp cho chúng tôi cả mấy trăm kiểu hình và khi rửa xong mang đến mừng chúng tôi. Thế mới thấy độc giả của anh NCM [Nhất Chi Mai, một bút danh của Hồng Tiêu] thương anh đến bậc nào".

Những trí thức Âu hóa thường đọc báo Pháp ngữ phần nhiều. Hồi ký Ðảng Thanh niên của Trần Huy Liệu cho hay "có người chưa từng cầm đọc tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ bao giờ". Có người lại đọc báo chữ Pháp vì đó là tờ báo yêu nước. Với tờ báo đối lập chính phủ thuộc địa như thế, độc giả phải là những người có tư tưởng yêu nước, như trường hợp độc giả đọc báo La Cloche Fêlée. Ai đọc báo này là rơi vào tầm ngắm của mật thám. Ðặng Công Thắng, là con của nhà báo Ðặng Thúc Liêng, chia sẻ trên Phổ thông tạp chí bộ mới số 32, ra ngày 15.4.1960, dạo học Trường Chasseloup Laubat, đã đọc La Cloche Fêlée, Thắng còn đưa báo ấy cho bạn bè cùng xem để rồi sau bị đuổi khỏi trường. Việc mua báo La Cloche Fêlée phải là những tay gan to mật lớn chứ không phải ai cũng dám mua. Bởi chính quyền sẽ để ý những độc giả có cảm tình với báo. Thế mới có chuyện mà nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển tâm sự trong Hơn nửa đời hư rằng, dạo trẻ việc mình mua La Cloche Fêlée là để lấy le với chị em.

Tờ báo thuở xưa: Cảm tình với nhật trình - Ảnh 2.

Độc giả cảm tình với báo Hữu thanh vì yêu mến Tản Đà

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Sống được nhờ độc giả ủng hộ tài chính

Có những tờ báo, sống được không chỉ nhờ phát hành, mà cả ở sự ủng hộ của độc giả, như tờ Le Peuple tại Sài Gòn. Hồi ký Chúng tôi làm báo của Nguyễn Văn Trấn còn ghi lại danh sách độc giả ủng hộ tiền cho báo được đăng trên một số báo Le Peuple, trong đó có những cái tên quen thuộc, Lê Ngọc Trụ góp 5 đồng, Dương Bạch Mai

8 đồng, Hội đồng Tồn 2 đồng… Nguyễn Văn Kỉnh là Quản lý báo, lệnh rằng số nào bài vở nhiều thì cắt bớt, nhưng phải giữ danh sách ủng hộ để bà con xem, và khẳng định "tưởng những bài xã luận lằng nhằng là Tây sợ hả? Tây sợ hả? Là sợ sổ ủng hộ đó nha!".

Phiên bản tiếng Việt của báo Le Peuple là tờ Dân chúng, được Hội đồng Võ Công Tồn ủng hộ 100 đồng, nhờ đó báo mới xuất hiện với số đầu ngày 22.7.1938. Số lượng in ban đầu là 1.000, nhưng rồi nhờ sự ủng hộ của độc giả, lượng phát hành liên tục tăng, 3.000, 6.000 rồi 10.000, thậm chí số xuân tới 15.000 tờ. Danh sách độc giả cảm tình ủng hộ báo thỉnh thoảng lại được đăng như ở Dân chúng số 6, ra ngày 10.8.1938; số 15, ra ngày 10.9.1938; số 27, ra ngày 22.10.1938…

Tờ báo thuở xưa: Cảm tình với nhật trình - Ảnh 3.

Mẩu tin bày tỏ tình cảm với báo trên Công luận báo số 489, ra ngày 11.4.1922 của độc giả

Có báo được yêu, nhưng cũng có báo bị ghét. Hồi ức Nhớ gì ghi nấy của Nguyễn Công Hoan thông tin, tờ Dân báo ra đời đã "viết những bài mạt sát những nhà yêu nước, như cụ Ngô Ðức Kế chẳng hạn". Quần chúng phẫn nộ đã kéo tới tòa soạn đập phá, mấy tay bồi bút của báo bị vạch mặt là làm việc cho Pháp. Báo này phải tự đình bản. Lưu ý đây là Dân báo ở Hà Nội, không phải tờ Dân báo của Bùi Thế Mỹ ở Sài Gòn hoạt động thời gian 1939 - 1943.

Về sự đọc đối với báo ở nước ta, thực cũng không phải là vui nếu nhìn vào số liệu được đề cập dưới đây trong bài "Lịch sử nghề làm báo Bắc Kỳ: Ðăng cổ tùng báo", Ngọ báo số 2584, ra ngày 23.4.1936 của Phan Trần Chúc. Với tầm 20 triệu dân, nhưng số lượng độc giả đọc báo chỉ vào khoảng không quá 50.000 người, một con số thật nhỏ nhoi. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.