Tổ chim gõ kiến - Truyện ngắn của Nguyên Hương

Thầy Minh bị cảm sốt. Ngày đầu tiên, giọng hơi rè chút xíu, thầy vẫn giảng bài như bình thường. Ngày thứ hai, thỉnh thoảng thầy ngừng lại để đằng hắng. Ngày thứ ba, thầy bật ho khúc khắc. Học trò hỏi “Thầy bị đau sao vậy?”. Thầy nói “Không sao”.

Sáng ngày thứ tư, thầy không giảng bài được, tất cả các tiết thầy đều cho học trò làm bài tập. Nếu học trò sáng mắt thì đã nhìn thấy một hình ảnh không sư phạm tí nào là thầy giáo đang gục đầu xuống bàn, tóc dính bết bát, mồ hôi túa đầy gáy.
Tới chiều thì thầy phải nhập viện.
Lớp khiếm thị rơi vào tê liệt vì thầy Minh là người duy nhất của trường biết đọc và viết chữ nổi. Hiệu trưởng điều cô Hà phòng kế toán tới đọc đề thi cho các em, nhưng khi các em nộp bài làm thì cô Hà cũng như tất cả các thầy cô giáo khác trong trường đều tắc tị. Trong khi các lớp khác đều đã cộng điểm xong thì những bài thi của lớp khiếm thị vẫn còn nằm chờ đợi trên bàn hiệu trưởng như trêu ngươi. Cô hiệu trưởng tuyên bố: “Ai xung phong học chữ nổi tôi tăng lương gấp đôi”.
Câu tuyên bố này ngay lập tức kéo theo tuyên bố hùng hồn của cô Hà: “Tôi sẽ nấu cháo bổ dưỡng đem vô bệnh viện cho thầy Minh ăn mau khỏe về làm sư phụ dạy tôi học chữ nổi, ngán làm kế toán đếm số suốt ngày rồi”. Những gà mèn cháo nóng hổi thơm phức của cô Hà giúp thầy Minh gượng dậy giữa hai cơn sốt để chấm điểm xấp bài thi đầy những dấu đục lỗ. Rồi khi thầy Minh khỏe hẳn và hỏi: “Hà định học chữ nổi thật à?”, cô Hà cười cười chưa nói năng gì thì có một nhà hảo tâm tặng cho lớp khiếm thị mười cái máy tính và một cái máy in.
Thầy Minh tiêu mất nửa tháng để nhuần nhuyễn phần mềm Nguyễn Đình Chiểu, sau đó thầy dạy lại cho học trò. Học trò học rất rất rất chậm, những ngón tay lần mò trên bàn phím. Môn học này không đứng trên bục giảng cho cả lớp nghe như thường lệ được. Thầy Minh đi tới từng máy cầm từng ngón tay của học trò đặt lên từng phím, rồi thầy đọc tên từng phím và kiên nhẫn đợi học trò thuộc lòng vị trí của mỗi phím...
Mỗi lần có việc đi ngang lớp, cô Hà nghiêng tai lắng nghe tiếng gõ lóc cóc và trêu chọc: “Giống tổ chim gõ kiến quá”.
Học trò muôn thuở... Không nhìn thấy thì nghịch theo kiểu không nhìn thấy, những vành tai vểnh lên chờ đợi tiếng giày thầy lộp cộp đi ra ngoài thì những ngón tay tò mò bèn ngay lập tức gõ loạn xì ngầu qua những phím khác thử xem chuyện gì xảy ra.
Chuyện xảy ra là máy này bị lỗi phần mềm Nguyễn Đình Chiểu, máy kia bị lỗi phần mềm Vietkey, máy nọ thì đen thui toàn bộ màn hình luôn...
Thầy Minh gắt “Sao các em không lo học mà nhấn lung tung vậy hả?”. Cả lớp nín khe, rồi tiếng phản đối thì thào “Thầy ơi tụi em đâu có làm gì, tại cái máy tự nhiên nó...”. Vừa nói xạo tới đó thì tiếng nhạc tưng bừng vang lên, thì ra có ngón tay rón rén ấn xuống phím enter khi mà con trỏ trên màn hình đang nằm ngay biểu tượng Windows Media Player.
Hết đường chối cãi. Nhạc vang bài Chuyện tình bắt đầu bằng câu “Biết dùng lời rất khó để mà nói rõ ôi biết nói gì...”.
Bỗng nhiên cả thầy và trò đều cười. Trò cười rúc rích trong cổ, còn thầy thì sợ tiếng cười của mình khiến bọn học trò được dịp lấn tới cho nên thầy chỉ mỉm miệng thôi. Học trò lớp năm mà có đứa đã mười tám tuổi. Vậy, không phải phụ huynh nào có con kém may mắn cũng kịp biết trên đời này có trường khuyết tật, cho nên có em tìm tới xin vào lớp một khi đã mười bốn mười lăm tuổi.
Cứ vài ngày thì thầy Minh phải điện thoại tới công ty tin học để nhờ cài đặt lại máy. Nhân viên kỹ thuật của công ty tin học tốt bụng miễn phí tiền công, nhưng mà không phải lúc nào nhân viên công ty cũng rảnh để mà tới liền được, trong khi bài làm tiết nào thì cần phải xong trong tiết đó. Nghĩ lui nghĩ tới, thầy Minh bỏ tiền túi đi học một khóa kỹ thuật viên.
Gõ phím mà máy bị trục trặc thì đã có thầy lo, còn gõ cho ra trang văn bản ngon lành thì thầy nhiệt tình đến mấy cũng không lo giùm được. Nhìn học trò mím môi căng thẳng trước máy tính, lần mò gõ từng dòng sao cho đừng bị sai chính tả nhiều quá, thầy Minh treo giải nếu mỗi trang mà sai dưới hai mươi lỗi thì sẽ được thưởng.
Học trò nhao nhao:
- Thưởng gì hả thầy?
Thầy Minh cười:
- Muốn gì thưởng nấy.
- Một chầu chè vỉa hè nghe thầy?
Nghe nói là biết thèm ra ngoài đường lắm. Suốt ngày là bốn bức tường và bóng tối mênh mông, âm thanh đường phố luôn là điều quyến rũ, cả mùi bụi và mùi khói xăng cũng hấp dẫn làm sao.
Thầy Minh thọc tay vô túi, học trò nhiều mong muốn, những mong muốn đôi khi rất đơn giản mà lại thành điều ước... Và nó khiến tiền lương của thầy Minh thường hết vèo khi chưa qua nửa tháng.
***
Có máy tính, học trò chỉ cần gõ bài làm lên máy, rồi in ra, nộp, là xong, ai cũng đọc được và dĩ nhiên là ai cũng chấm điểm theo đáp án được. Có vẻ như thầy Minh thoải mái hơn, muốn... đau ốm lúc nào cũng được.
Giải thích “chấm điểm theo đáp án” là vì trường khuyết tật chỉ dạy chương trình tiểu học, bắt đầu lớp sáu là phải ra trường ngoài học hòa nhập cùng với học trò sáng mắt, trường khuyết tật chỉ còn là ký túc xá của các em thôi. Năm nay các em đã lên lớp tám, rất là quá “tầm chấm điểm” của các cô thầy dạy tiểu học nên cần có đáp án.
Là thầy giáo chủ nhiệm lớp khiếm thị suốt năm năm tiểu học, thầy Minh tuột xuống thành gia sư, tức là người kèm cặp các em ngoài giờ học chính khóa, nói chính xác hơn là gia sư giảng lại toàn bộ bài học bởi vì các em không thể theo kịp lời giảng trên lớp vốn dành cho học trò bình thường.
Gia sư đặc biệt này cứ học trò leo lên được tới lớp nào thì gia sư mua sách của lớp đó về nghiên cứu. Vậy nên không ai thay thế được gia sư Minh bởi ngoài việc biết cách giảng bài cho các em hiểu và truyền cho các em niềm khát khao kiến thức và mong muốn vươn lên, thầy còn là người duy nhất dạy được tất cả các môn của tất cả các khối lớp cấp trung học cơ sở. Chuyện phiếm vui vui còn nói một cách tỉnh bơ là nếu có đứa nào nuôi chí lên tiến sĩ thì gia sư cũng dám học luôn bậc tiến sĩ chỉ với mục đích để giảng bài lại cho.
Gia sư Minh là người duy nhất mà tiết này giảng bài môn sử, tiết sau chuyển qua giảng môn toán một cách thản nhiên như điều đó là bình thường. Ngoại trừ môn tiếng Anh thì thầy chịu thua, và đó cũng là lý do các em bị điểm thấp môn học này.
Cuối học kỳ, đem tờ phiếu liên lạc về, bọn nhỏ thích thú nhờ thầy Minh đọc đi đọc lại lời phê của từng giáo viên bộ môn. Bỏ qua môn tiếng Anh, còn lại đều rất êm tai “Chăm ngoan”, “Tinh thần học tập tốt”...
Luật bù trừ là không nhìn thấy cho nên rất thích nghe, nhất là nghe khen. Tiếng chân cô Hà đi ngang lớp rồi ngừng lại, học trò rủ nhau phàn nàn: “Sao lời phê của giáo viên ngắn ngủn vậy hả cô?”. Cô Hà trả lời, nếu cô có quyền viết lời phê thì tờ phiếu liên lạc sẽ phải tăng thêm vài trang. Còn thầy Minh thì chìa cho cô Hà nhìn thấy điểm số tệ hại và lời phê của môn tiếng Anh gọn lỏn một từ: “Yếu”.
- Hà còn muốn tăng thêm vài trang lời phê không? - Thầy Minh hỏi.
Cô Hà hỏi kháy mà cũng là thật lòng:
- Anh có định đi học tiếng Anh để về kèm cho bọn nhỏ không?
Thầy Minh đỏ mặt:
- Tôi đã tới trung tâm ngoại ngữ rồi, nhưng mà học không vô.
Cô Hà đợi câu trả lời khác để trêu chọc cho vui, cô không ngờ câu trả lời thành thật này.
Thầy Minh khe khẽ:
- Bị điểm kém tụi nhỏ mất tự tin ghê lắm, tôi sợ tụi nó bỏ cuộc. Đi tới lớp tám rồi mà nghỉ thì uổng phí quá.
Tám năm dài biết bao là cố gắng, cố gắng và cố gắng, bao là mồ hôi và cả nước mắt. Đã có những trận khóc chia ly vì có những học trò không thể nhồi vô đầu thêm công thức toán nào được nữa. Học trò nghỉ học đi bán chổi, bán tăm, bán vé số... Tiếng rao giữa trời nắng giữa trời mưa làm thầy Minh xót xa, càng cố gắng làm sao để những em đang còn ngồi lại trong lớp đừng buông xuôi, ít ra cũng đừng bỏ cuộc ngay lớp tám này, cố thêm một năm nữa thôi là lấy được tấm bằng trung học cơ sở.
Sau đó thì sao? Thầy Minh không biết. Nhưng cố được tới đâu thì cứ cố.
Bài thuốc trị bệnh muốn buông xuôi rất hiệu nghiệm là... tìm cớ để thưởng học trò một chầu quán xá, sự thay đổi không khí này khiến học trò vui vẻ, quên buồn chán. Nhưng vẫn hoang mang:
- Tụi em học để làm gì hả thầy?
Câu hỏi không dễ trả lời. Chính thầy Minh cũng chưa nhìn thấy đích... Nhưng đang trên đường thì mình cứ đi tới thôi.
- Hà đồng ý với tôi không? Đang trên đường thì cứ đi tới, hả?
Cô Hà ngập ngừng... Làm việc ở văn phòng khác hẳn với đứng lớp giảng dạy cho các em, thương các em nhưng cô chưa có ý định dấn thân. Cô giấu không kể cho thầy Minh biết là cô có chứng chỉ C tiếng Anh, hồi còn sinh viên mỗi tuần ba buổi tối cô chăm chỉ tới trung tâm ngoại ngữ. Nhưng cô học chỉ để có tấm bằng thêm vô hồ sơ xin việc cho nặng ký. Lâu quá không xài, chữ nghĩa rụng rơi nhiều. Bây giờ mà ôn lại thì hơi lười. Và nữa, đôi khi cô nghĩ bâng quơ...
***
Chẳng rõ vì không khí chung quanh dần dần thấm vào, khởi lên trong cô Hà niềm đồng cảm, hay vì nỗi buồn của thầy Minh khiến cô mất ngủ. Cô cúi mặt xốn xang khi chứng kiến thầy Minh tiếc rẻ vì chỉ một môn học mà khiến bọn nhỏ bị mất xếp hạng tiên tiến. Nếu có một đứa được tiên tiến thì sẽ là niềm khích lệ vô bờ với tất cả.
Nhưng cô Hà vẫn chỉ đi ngang rồi ngừng lại ở cửa lớp, trêu chọc tổ chim gõ kiến của thầy trò vài câu vui vui, rồi đi về văn phòng. Học trò thích cô Hà đi ngang lắm, vì sau đó thì thầy Minh quên mất đang giảng tới bài toán nào, còn cho học trò nhấn phím mở Windows Media Player, thế nào cũng có bài Biết dùng lời rất khó...
***
Hiệu trưởng thông báo có nhóm sinh viên thiện nguyện tới dạy kèm tiếng Anh cho các em, mỗi tuần hai buổi.
Nhóm sinh viên trẻ trung nhiệt tình xuất hiện khiến trường khuyết tật sáng rỡ và tưng bừng. Cô Hà thở phào cất đi nỗi áy náy vì tội giấu cái chứng chỉ C. Nhóm sinh viên còn xung phong kèm luôn cả các môn khác khiến thầy Minh được rảnh rỗi mà xuống văn phòng cài đặt lại máy tính cho cô Hà. Học trò cười khúc khích vì khi thầy Minh rảnh rang thì thế nào máy tính của cô Hà cũng đổ ra hư hỏng.
Nhưng tới mùa thi là khi mà các em cần được giúp đỡ nhất thì nhóm sinh viên không tới nữa vì cũng bù đầu học thi, thầy Minh lại trở về chức vụ gia sư tả xung hữu đột tất cả các môn.
Năm đứa lớp sáu, bốn đứa lớp bảy, hai đứa lớp tám. Càng lên cao càng rơi rụng dần mà thầy Minh thì quyết không để một đứa nào đòi nghỉ học nữa. Thầy tâm sự với cô Hà là hai đứa lớp tám than thở môn hóa học còn dễ sợ hơn môn tiếng Anh, và thầy cũng thấy đúng là vậy. Thử thách quá kinh khủng cho học trò mù khi nghe giảng về “chất lỏng có màu xanh lam” và “chất khí không màu” rồi thì “dung dịch a xít làm đổi màu quỳ tím thành đỏ”... Cũng là thử thách với thầy.
Môn hóa học với những phản ứng sinh ra đủ thứ màu làm thầy Minh điên đầu khiến cô Hà không đành lòng, cô bật thốt:
- Để Hà phụ kèm môn tiếng Anh cho.
Đang than thở về môn hóa học mà tìm ra gia sư môn tiếng Anh, thầy Minh cảm động ghê gớm. Còn cô Hà thì đỏ mặt phân bua: “Chỉ vì bọn nhỏ thôi đó nhé”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.