Quảng Nam cách ly toàn bộ người dân về từ vùng dịch Hà Nội và TP.HCM
Chiều 3.4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã có hơn 390 người dân, chủ yếu từ TP.HCM, về quê. Số người này đang được cách ly tập trung, và đã được lấy mẫu xét nghiệm theo dõi bệnh Covid-19.
|
Theo ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại Quảng Nam có 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nhưng chỉ bị xâm nhập ngoài.
Sắp tới dịch càng ngày càng phức tạp và không những lây lan ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn lây lan cả cộng đồng. Quảng Nam có con em đi làm ăn khắp nơi nên tiềm ẩn nguy cơ cao.
“Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam quyết tâm ngăn chặn ngay từ đầu không cho dịch xâm nhập vào để phòng xa. Tôi thay mặt cho Ban thường vụ kêu gọi đồng bào, nhân dân đến từ vùng dịch là Hà Nội và TP.HCM không nên về lúc này. Hãy ở yên ở tại chỗ trên tinh thần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, những người dân nếu về từ vùng dịch Hà Nội và TP.HCM sẽ được cách ly ngay để theo dõi bệnh Covid-19 và việc này là đúng với quy định. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến thôn phải phân công phòng chống dịch 24/24.
“Địa phương nào để xảy ra một ổ dịch do chủ quan thì Bí thư, Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm. Nếu để xảy ra dịch thì sắp tới không cơ cấu vào cấp ủy. "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" kiểm ra nếu có dấu hiệu phải đưa đi cách ly. Tinh thần phải lo sức khỏe cho nhân dân”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng khẳng định thêm: “Trong thời điểm này, nếu cán bộ công chức, lãnh đạo, cán bộ đảng viên nào tổ chức đám cưới cho con em thì sẽ bị kỷ luật, cách chức ngay, cho nghỉ việc ngay”.
Lập chốt không phải để ngăn sông, cấm chợ
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Quảng Nam, cho hay với tình hình dịch hiện nay, phải tập trung ứng phó, "không thể chờ cho nó tan hoang ra rồi, lây lan ra cả cộng đồng", lúc đó mới thực hiện chính sách khắt khe thì đã không còn cơ hội.
Theo ông Thanh, hiện nay việc gì làm được, làm sớm thì phải làm ngay cho dù những việc làm đó có tác động, ảnh hưởng đến một nhóm đối tượng, một địa phương. Nhưng vì cái chung, đại cục, sự tồn vong của dân tộc của cộng đồng thì phải chấp nhận làm.
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch
“Từ đồng bằng đến miền núi, chỗ nào cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Chính vì vậy không được để xảy ra bất kỳ một sơ suất nào; chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ làm tan hoang hết cả thành quả chúng ta đã phấn đấu. Mỗi người dân là mỗi người lính nên thời điểm này phải chấp hành mệnh lệnh, thực hiện nghiêm khắc. Những hành vi, vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe", ông Thanh nói.
Bình luận (0)