Tổ chức thi sai sót địa phương phải chịu trách nhiệm!

13/05/2017 10:01 GMT+7

Ngày 12.5, đoàn kiểm tra công tác thi THPT quốc gia do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Thứ trưởng nhấn mạnh năm nay địa phương chịu trách nhiệm chính việc tổ chức thi.

Học sinh ở các cù lao thi ở đâu ?


Nếu có sai sót xảy ra thì trách nhiệm chính không phải của Bộ, của trường ĐH
nữa mà là của địa phương

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Tại tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết có một điểm thi đặc biệt là ở cù lao Hòa Ninh. Tỉnh vẫn đảm bảo tổ chức theo quy định với 10 phòng thi và 24 học sinh (HS)/phòng. Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp lại có đến 2 điểm trường THPT (Hồng Ngự 2 và Long Khánh A) nằm ở 2 cù lao riêng rẽ với 150 HS/trường). Phương án của tỉnh là cho HS đi phà qua TX.Hồng Ngự để tham gia kỳ thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xem lại vấn đề này, có thể bố trí điểm thi ngay tại cù lao hay không để tạo thuận lợi hơn cho HS. Lãnh đạo tỉnh cho biết HS ở 2 trường này ít, việc qua phà cũng không có khó khăn gì. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị phương án là đưa các HS này về ở tại Trường ĐH Đồng Tháp và thành lập thêm một điểm thi. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng có thể một số HS không đồng ý. Vì vậy, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh sẽ tiếp tục họp, tính toán phương án tốt nhất cho việc thi của 300 HS này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nghi ngại việc tổ chức ở các tỉnh khác có cù lao như vậy. Ông cho biết sẽ lưu ý thêm các tỉnh về vấn đề thi ở những nơi này.

tin liên quan

Bộ GD-ĐT không khuyến khích thi thử
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, ngày 14.5, Bộ sẽ công bố đề thi tham khảo và các trường không nên tổ chức thi thử cho học sinh.
Lo ngại in sao đề và chấm thi
Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên ban chỉ đạo thi, quan tâm đến việc bố trí bài thi trong phòng thi như thế nào, có thuận lợi khi giao nhận đề thi và bài thi ra không khi HS hệ GDTX thi chung với hệ THPT. Đối với công tác in sao đề thi, ông Nghĩa cho rằng năm nay khá phức tạp ở chỗ mỗi thí sinh là một đề thi và mã riêng. Do đó, quy trình in sao đề thi làm sao để đảm bảo tính bảo mật, chính xác là điều phải quan tâm. Chưa kể, phải đảm bảo tính chính xác giữa đề thi của thí sinh bình thường và thí sinh tự do.
Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thành viên ban chỉ đạo thi, cũng nhận định năm nay chỉ có một môn tự luận còn lại là thi trắc nghiệm nhưng khâu chấm sẽ có những điểm dễ nhưng cũng có chỗ khó. Ông Dũng cho rằng chấm trắc nghiệm cũng rất dễ tiêu cực. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, việc cho thí sinh tô kết quả bằng bút chì chính là yếu tố xảy ra tiêu cực. Nếu tỉnh có điều kiện nên trang bị 2 camera ở khu vực chấm thi trắc nghiệm để kiểm soát tốt hơn. Còn đối với môn tự luận, nếu có thêm các giáo viên ở các trường khác tham gia thì sẽ tạo công bằng hơn trong chấm thi.

tin liên quan

'Chiến thuật' thi tốt 3 môn bắt buộc
Toán, văn, ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc trong kỳ thi THPT, cũng là 3 môn chính trong tổ hợp xét tuyển nhiều trường. Tuy nhiên, với những điểm mới của nội dung và cách thức thi năm nay, thí sinh cần có “chiến thuật” làm bài phù hợp mới đạt được điểm cao.
Phải có kết quả đáng tin cậy để xét tuyển ĐH
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh đây là năm đầu tiên các tỉnh đứng ra chủ trì kỳ thi với 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH. “Những năm trước địa phương chỉ chủ trì cụm thi xét tốt nghiệp. Năm nay Bộ giao tất cả cho địa phương. Trưởng ban chỉ đạo thi các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Vai trò của địa phương và Bộ đã khác trước, trong đó địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Nếu có sai sót xảy ra thì trách nhiệm chính không phải của Bộ, của trường ĐH nữa mà là của địa phương”, ông Ga xác định.
Vì vậy, ông Ga lưu ý phải đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. “Nếu không nghiêm túc, các trường ĐH sẽ không tin cậy vào kết quả, lại tổ chức hàng chục, hàng trăm kỳ thi khác để xét vào các trường thì càng không hay. Các trường ĐH cũng phải phối hợp địa phương tổ chức thi cho tốt để có kết quả tin cậy xét tuyển”, ông Ga nói.
Chia sẻ điều này, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM, đơn vị phối hợp tổ chức thi tại tỉnh Vĩnh Long, cũng cho biết dù chỉ hỗ trợ nhưng trường luôn làm hết trách nhiệm.
“Chúng tôi luôn ở tâm thế làm với trách nhiệm cao nhất bởi nếu tổ chức thi không chặt chẽ thì sẽ dẫn đến không khách quan. Nhất là năm nay sẽ càng dễ không khách quan vì đề thi chủ yếu là trắc nghiệm. Một giám thị nào đó lơ là thì điểm thi có thể không chính xác, qua đó kết quả thi khó trở thành cơ sở để xét tuyển”, ông Hải khẳng định.
Đảm bảo thuận lợi cho thí sinh
Theo tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, kỳ thi THPT quốc gia có 9.706 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 1.467 thí sinh thi để xét tốt nghiệp, 7.961 vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH, CĐ và 278 chỉ xét ĐH, CĐ. Có 23 điểm thi được phân bố ở 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh cho thí sinh thuận lợi dự thi. Khoảng 900 cán bộ, giảng viên, giáo viên được điều động tham gia coi thi trong đợt này. Sở sẽ phối hợp với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức thực hiện.
Tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 28 điểm thi, trong đó 4 điểm thi đặt tại trường và 24 điểm thi liên trường. Trong đó, TP.Nha Trang có 8 điểm thi, TX.Ninh Hòa 6 điểm thi, TP.Cam Ranh và các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm mỗi địa phương 3 điểm thi, H.Khánh Vĩnh và H.Khánh Sơn mỗi địa phương một điểm thi. Toàn tỉnh hiện có 12.917 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi, trong đó, có 11.715  học sinh THPT, 1.202 giáo dục thường xuyên.
Thanh Đức - Hải Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.