Thoạt nhìn, quán khá rộng, sạch sẽ, nhân viên phục vụ nhiệt tình. Món ăn ở đây thì khỏi bàn, từ món nước đến món khô, món nào trông cũng bắt mắt. Dùng thử tô hủ tiếu đặc biệt ở quán. Đợi vài phút, phục vụ mang ra một tô đầy ắp, nghĩ bụng chắc ăn không hết. Nước dùng có vị thanh, nhiều nấm với củ cải, nêm nếm gia vị hợp lý nên nước vừa đủ độ ngọt, đúng khẩu vị của người miền Tây.
Chuyện làm tôi để ý là bưng 2 tô cho chúng tôi xong thì có người lại mua, cô chủ quán bảo: “Xin lỗi, quán bán hết rồi!”. Người thanh niên kia nhìn vào tủ thì thấy vẫn còn một khoanh hủ tíu nằm trên rổ, anh ta thắc mắc: “Còn hủ tiếu nè sao cô nói hết?”. Cô chủ quán nhẹ nhàng nói: “Hủ tiếu còn nhưng nước dùng thì bán hết rồi… mai ghé nha!”. Hai đứa vừa ăn vừa nghĩ bụng mình may thật, quán đông khách nên bán hết nước là chuyện thường.
Lát sau, có một chị từ xa đi lại. Chị bị mất bàn tay phải, trên vai còn đeo một túi vé số. Chị ngồi xuống ghế mà mồ hôi nhễ nhại. Cô chủ quán hỏi: “Mấy nay má sao rồi?”, chị đáp: “Má đỡ rồi cô...”. Vừa hỏi cô chủ vừa cắt khoanh hủ tiếu còn trên rổ, cho hết nước lèo còn trong nồi rồi mang lại cho chị một tô.
Giờ mới biết, không phải bán hết mà cô muốn để dành lại cho chị vé số hay ghé ngang. Hỏi thăm mới biết, nhà chị có một mẹ già, chị thì khuyết tật nên cuộc sống khó khăn. Nhiều lúc cơm không đủ ăn, chị phải vừa đi bán vừa xin đồ ăn thừa.
Cô chủ quán biết chuyện nên bảo cứ ghé quán, cô làm cho hủ tiếu chay, không lấy tiền nên đừng lo. Cứ như vậy, ngày nào chị cũng ghé, có hôm thấy quán đông nên chị không dám vào, ăn miễn phí hoài cũng ngại. Nhưng không thấy chị ghé cô chủ quán lại la: “Đã dặn cứ ghé bình thường, không có gì phải ngại. Cô coi con như con cháu trong nhà…”.
Chuyện tử tế gặp dọc đường chỉ gói gọn trong một vài hành động, lời nói hay thậm chí là một tô hủ tiếu. Từ đó tới giờ, cứ mỗi lần có dịp về Mỹ Tho thì nơi đầu tiên tôi đến vẫn là quán hủ tiếu chay.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: nhipsongdothi@thanhnien.vn
|
Bình luận (0)