Tòa án nhân dân tối cao đề xuất xét xử trực tuyến do dịch Covid-19

Thái Sơn
Thái Sơn
05/09/2021 19:06 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao chủ trương mở các phiên tòa, phiên họp xét xử trực tuyến .

TAND tối cao đang hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Đây là hình thức xét xử qua các thiết bị điện tử được kết nối mạng và hoạt động bằng phần mềm ứng dụng, không bắt buộc bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa, phiên họp bằng lời nói, hành vi tố tụng trực tiếp vào cùng một thời điểm.
Hình thức này được coi là giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trong cả nước, TAND tại nhiều địa phương đã phải tạm dừng hoạt động xét xử. Theo TAND tối cao, hình thức xét xử trực tuyến phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án châu Á, ASEAN.
Theo dự thảo quy chế, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm. Phạm vi các phiên tòa, phiên họp trực tuyến được áp dụng xét xử sơ thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc chấp hành án tại cơ sở giam giữ; xét xử phúc thẩm đối với vụ án hình sự mà bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Đối với các vụ án dân sự, hành chính cũng được áp dụng xét xử trực tuyến khi thuộc một trong các trường hợp sau: vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, các đương sự có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; phiên họp giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm đối với việc dân sự...
Trong dự thảo quy chế, TAND tối cao quy định không áp dụng phiên xử trực tuyến đối với các vụ án, vụ việc liên quan tài sản ở nước ngoài; thuộc trường hợp xử kín hoặc những vụ hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; các vụ trong nhóm tội chống lại loài người.
Điều kiện xét xử trực tuyến gồm: bị cáo, trại tạm giam trong vụ hình sự hoặc đương sự trong các vụ việc hành chính, dân sự có đơn yêu cầu và được viện kiểm sát đồng ý. Về hình thức, trình tự của phiên tòa, thủ tục phiên tòa, phiên họp trực tuyến thực hiện như phiên tòa, phiên họp thông thường theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính.

Mất điện, mất kết nối phải tạm dừng xét xử

TAND tối cao dự kiến, phiên xử trực tuyến sẽ gồm một điểm cầu trung tâm cùng các điểm cầu tham gia nhưng không quá 3 điểm tham gia với vụ hình sự hoặc không quá 5 điểm với các vụ dân sự, hành chính.
Địa điểm những nơi này phải được ghi trong biên bản phiên tòa. Tại điểm cầu trung tâm sẽ có mặt hội đồng xét xử, kiểm sát viên và có thể có bị hại, đương sự, luật sư, người tham gia tố tụng khác (làm chứng, phiên dịch, giám định…). Các cá nhân, cơ quan, tổ chức được theo dõi tại đây nếu phiên tòa công khai.
Các điểm cầu tham gia vụ án hình sự sẽ bao gồm bị cáo, người bào chữa, cảnh sát của nơi giam giữ. Trong vụ án dân sự, hành chính, điểm cầu tham gia sẽ do đương sự lựa chọn và có thành phần gồm đương sự, luật sư. Người tham gia bào chữa, bảo vệ được quyền trao đổi trực tuyến với bị cáo, bị hại, đương sự nhưng phải được chủ tọa đồng ý.
Khi tham gia tố tụng trực tuyến, đương sự có thể đưa thêm chứng cứ bằng cách sao chụp, gửi cho hội đồng xét xử hoặc chủ tọa. Riêng bị cáo phải nhờ cảnh sát tại nơi giam giữ sao chụp, gửi hộ và tòa án sẽ xác định tư cách của cảnh sát này là người tham gia tố tụng khác.
Điểm đáng lưu ý nhất đối với hình thức xét xử trực tuyến này là phải được ghi âm, ghi hình dạng dữ liệu điện tử. Nếu mất kết nối khi phiên tòa đang diễn ra, chủ tọa phải cho tạm dừng làm việc và quyết định lần tiếp theo sẽ xét xử trực tuyến hay thông thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.