'Tọa độ hành động' của Hà Nội

PGS-TS Trần Đình Thiên
(Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)
10/10/2024 04:10 GMT+7

70 năm giải phóng thủ đô, gần 40 năm mở cửa, cải cách thị trường cùng với cả nước, Hà Nội đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với cơ hội để viết lên lịch sử.

Sẽ là thừa nếu nhắc lại những thành tựu hay nói thêm những lời ca ngợi. Song, với tiềm năng lớn, lợi thế nhiều, khát vọng và quyết tâm phát triển mãnh liệt, Hà Nội đã thật sự tương xứng và đáp ứng sứ mệnh được trao?

Trong không gian phát triển hiện đại đầy hứng khởi, chức năng đi đầu - vượt trước và dẫn dắt phát triển của Hà Nội càng nổi bật; đồng thời, khía cạnh thách thức cũng như cơ hội phát triển được định hình rõ nét theo đúng tương quan "thuyền to - sóng lớn": thách thức càng cao, cơ hội càng lớn. Tại bước ngoặt then chốt này càng nổi bật lên lợi thế phát triển đặc biệt của Hà Nội: ngàn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa của một dân tộc thông minh, giàu năng lực ứng biến và sáng tạo.

Xin nhấn mạnh một số "tọa độ hành động" ưu tiên, theo định hướng đột phá, tạo bước ngoặt - bứt phá cho giai đoạn phát triển mới của thủ đô.

Thứ nhất, cần làm rõ hơn các đặc trưng chất lượng đã được xác định cho thủ đô - văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại. Chân dung Hà Nội theo các tiêu chuẩn thời đại; đáp ứng yêu cầu hội nhập - đua tranh quốc tế trong vai trò đại diện cho một quốc gia đang cam kết rất mạnh cho mục tiêu "tiến vượt để tiến cùng thời đại, tiến kịp thế giới".

Theo tiêu chuẩn thời đại, các đặc trưng cấu trúc của một đô thị công nghệ cao (thông minh, số) - phát triển xanh phải được xác định cho Hà Nội bằng các tiêu chuẩn đủ cụ thể và đúng tầm. Trong bản thiết kế này, cơ cấu kinh tế, đặc biệt là định hướng phát triển công nghiệp - công nghệ, đô thị thông minh và cấu trúc thể chế hiện đại phải là những tọa độ định khung và hướng ưu tiên.

Thứ hai, Hà Nội cần nhận diện, đánh giá lại tiềm năng và lợi thế phát triển trên quan điểm hiện đại (tổng thể, động, hướng tới tương lai và từ tương lai). Trong bức chân dung phát triển ít nhất 20 năm sau, Hà Nội cần phải đề cập hệ thống giao thông với vai trò nổi bật của drone, sự thống trị tuyệt đối của xe điện để bảo đảm yêu cầu "xanh và số". Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tư cách là Trung tâm đổi mới - sáng tạo quốc gia, phải là nơi hội tụ tài năng sáng tạo đích thực, là địa chỉ kết nối các cơ sở khoa học - công nghệ hàng đầu và các tập đoàn kinh tế lớn…

Thứ ba, để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn từ T.Ư, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lực quy mô lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không gian, mở cơ hội phát triển mới cho Hà Nội.

Cả ba loại yêu cầu này đều quan trọng. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực quốc gia còn eo hẹp và định hướng lợi ích phát triển chiến lược, Hà Nội cần tập trung ưu tiên: "xin" các dự án đột phá, trong đó, hàm chứa các giải pháp và thể chế vượt trội; xây dựng và phát triển các hình mẫu phát triển mới, ví dụ Khu thương mại tự do thế hệ mới, hoặc "Đô thị quốc tế - Thủ đô ngàn năm văn hiến và hiện đại", hay "Hệ sinh thái công nghiệp đổi mới - sáng tạo toàn cầu"… thay vì ưu tiên "xin" cơ chế đặc thù để có được sự ưu tiên cụ thể nào đó về vốn như hiện nay.

Cách tiếp cận "xin cải cách thể chế", "xin thêm quyền chủ động - sáng tạo" sẽ giúp Hà Nội mở rộng không gian đổi mới và cơ hội phát triển đúng theo tinh thần của thời đại mới. Cách tiếp cận này phù hợp với lời khẳng định về "kỷ nguyên mới" trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với tiêu đề Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới nhân lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua. Đó phải là cách tiếp cận phát triển của Hà Nội hiện nay. Nếu không, nguy cơ "tụt hậu" vẫn đặt ra cho Hà Nội đang ôm ấp nhiều khát vọng! t

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.