Sáng nay, trong phần thủ tục tại phiên tòa, luật sư Phạm Hoài Nam, người bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh đã đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập những người có liên quan như điều tra viên Trần Chí Tâm, các giám định viên và sự vắng mặt của 4 nhân chứng.
Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa |
Đồng thời luật sư cũng đề nghị “phải chứng minh Tân Hiệp Phát bị thiệt hại để xác định nguyên đơn dân sự, vì nếu không có bị hại thì không có tội phạm”.
Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX đã tiếp tục xét xử vì cho rằng đề nghị của các luật sư là không có cơ sở.
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Võ Văn Minh cho biết sau khi lấy chai Number 1 bán cho khách thì thấy “có vật đen đen nên khách chê”. Bị cáo đem để lại trong tủ rồi lấy chai khác cho khách. Sau đó, bị cáo xem lại thì phát hiện trong chai nước có con ruồi. Thấy chai còn nguyên vẹn, bị cáo bỏ vô bao xốp đen rồi đem cất.
|
Vài ngày sau bị cáo điện thoại cho Tân Hiệp Phát thông báo chai nước có ruồi. Sau đó Tân Hiệp Phát cử nhân viên Trương Tiểu Long xuống và gặp Minh ở quán cà phê cách nhà Minh chừng 1 cây số.
“Tại cuộc gặp này, sau khi xem chai Number 1 anh Long xác định là của công ty, đề nghị xin lại và cho mấy kết Number 1 khác, nhưng bị cáo không chịu và muốn đổi bằng tiền”.
Tòa hỏi bao nhiêu? “Bị cáo đòi một tỉ, nhưng phía công ty nói để xem xét lại”.
Tòa hỏi chai nước giá bao nhiêu? Bị cáo nói “10 ngàn”. Tòa hỏi vậy đòi một tỉ có vô lý không?
Minh nói: “Bị cáo nghĩ công ty có thương hiệu, có uy tín, nên muốn kiếm một số tiền”. Tòa hỏi khi phía Tân Hiệp Phát không chịu, bị cáo có đe dọa không? - “Dạ không”.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đang phát biểu
|
Trả lời thẩm vấn tại tòa, Võ Văn Minh nói trong lần gặp đầu tiên, bị cáo chỉ nói sẽ cho người tiêu dùng biết, không có nói sẽ đưa cho báo chí và phát trên truyền hình 60 giây. “Bị cáo chỉ hù thôi chớ đâu biết đưa bằng cách nào”. “Vậy bị cáo nói đưa cho người tiêu dùng biết mục đích gì?”, tòa hỏi tiếp.
Bị cáo Minh đáp: “Cái đó bị cáo chỉ hù thôi”.
Võ Văn Minh cho biết khi hai bên gặp nhau, phía công ty có viết vô giấy. Tòa hỏi có ký tên không, bị cáo nói có ký tên nhưng không biết trong đó nói gì và cũng không nghe đọc lại. Lần đầu, phía Tân Hiệp Phát hỏi muốn bao nhiêu, bị cáo nói một tỉ.
“Lần thứ hai cũng gặp ở quán cà phê, bên kia trả giá nhưng bị cáo không đồng ý. Họ giải thích về dây chuyền sản xuất hiện đại. Bị cáo nói không biết, chỉ biết có con ruồi trong chai. Lần này bị cáo có ký tên, nhưng cũng không đọc lại”, bị cáo Minh cho biết.
Tuy nhiên, sau đó đại diện Tân Hiệp Phát nói sau khi lập biên bản, có đọc lại cho bị cáo nghe và ký tên.
Bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc điều hành của Tân Hiệp Phát tại phiên tòa
|
Sau 2 cuộc gặp không thành, sau đó Minh điện thoại cho Tân Hiệp Phát đề nghị bán lại chai nước 600 triệu.
“Đến lần gặp thứ 3, cũng tại một quán cà phê, bị cáo hỏi có mua lại chai nước không? Đang nói chuyện thì anh Dưỡng ra ngoài nghe điện thoại. Khi trở vào Dưỡng nói cho 100 triệu đồng chịu không? Bị cáo không chịu, đòi 500 triệu. Phía Tân Hiệp Phát đưa giấy cho ký rồi nói để về báo cáo, xem xét lại", bị cáo Minh nói tiếp.
|
“Lần này 2 bên cũng gặp nhau ở quán cà phê. Bị cáo viết giấy nhận đủ 500 triệu đồng. Tiền bỏ sẵn trong bọc. Bị cáo không đếm lại, đem ra bỏ vào cốp xe. Khi quay lại lấy thuốc hút thì bị bắt”.
Tòa hỏi công an có lập biên bản thu giữ chai nước không bị cáo nói không nhớ. Nhưng khi về tỉnh, công an bỏ chai nước vô bao, niêm phong, bị cáo có ký tên. Tòa hỏi bị cáo có suy nghĩ làm như vậy là vi phạm pháp không?
Bị cáo Minh trả lời: “Không. Bị cáo bán chai nước, công ty không mua thì thôi. Việc làm của bị cáo không có gì sai”.
Có mặt tại phiên tòa với tư cách đại diện cho Tân Hiệp Phát, Giám đốc điều hành Trần Ngọc Bích cho biết nếu sản phẩm có lỗi thì xin nhận về để phân tích nguyên nhân, công ty không có quy định đổi thành tiền. Nhưng 2 lần gặp, vẫn không thuyết phục được khách hàng, phía ông Minh đề nghị 600 rồi 500 triệu đồng.
“Sau lần gặp thứ 3, vì gần Tết, sợ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, nhân viên nên chúng tôi viết đơn gửi công an, nhờ hỗ trợ. Đồng thời cũng quyết định chi 500 triệu đồng, trong tình huống chịu nhiều áp lực, buộc phải đưa ra quyết định để cứu lấy thương hiệu và đời sống cán bộ, công nhân”, bà Bích cho biết.
Bà Bích cho biết tới thời điểm này Tân Hiệp Phát bị thiệt hại rất lớn, chừng vài ngàn tỉ đồng. Tòa hỏi công ty đã nhận lại 500 triệu đồng chưa? Bà Bích nói đã nhận lại rồi.
Tòa hỏi có yêu cầu bị cáo bồi thường gì không? Bà Bích nói: “Chúng tôi không yêu cầu bồi thường, vì phía ông Minh cũng lãnh hậu quả rất lớn. Đề nghị tòa xem xét, giảm nhẹ để ông Minh có thể về với gia đình!”
Bình luận (0)