Minh họa: DAD |
Ngày 14.5.2012, TAND TP.Pleiku thụ lý vụ Công ty CP công nghiệp dịch vụ cao su Chư Păh kiện Công ty TNHH MTV Việt Quang (cả hai có trụ sở ở Gia Lai). Vụ tranh chấp này đến nay đã qua hai cấp xét xử, bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng điều đáng nói là việc kê biên tài sản hết sức tréo ngoe, dẫn đến nguy cơ bản án khó thi hành được. Cụ thể, trước khi tòa án thụ lý vụ kiện, bị đơn đã bán lô gỗ hơn 2.000 m3 cho một doanh nghiệp ở TP.HCM nhưng sau khi thụ lý, thẩm phán vẫn ban hành quyết định phong tỏa lô gỗ này. Tương tự, bị đơn đã thế chấp số tài sản gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và hệ thống máy sản xuất ván ép, dây chuyền máy sản xuất ván lạng, ô tô con, xe cẩu, ô tô tải... cho 2 ngân hàng có chi nhánh tại Gia Lai nhưng tòa án vẫn tiếp tục nhảy vào kê biên “giá trị còn lại”.
|
Trong vụ án khác, bà Nguyễn Thị H. kiện bà Lê Thị S. (ngụ tỉnh Gia Lai) tranh chấp hợp đồng vay tài sản 2,27 tỉ đồng. Mặc dù trước đó vợ chồng bà S. đã thế chấp tài sản gồm đất và nhà cho ngân hàng hợp pháp nhưng ngày 30.5.2012, TAND TP.Pleiku vẫn ra quyết định phong tỏa giá trị còn lại của các tài sản đang thế chấp này. Ngoài ra, hàng loạt vụ kiện tranh chấp khác như vụ của ông Nguyễn Công T., Trần Thị Kim T., Trần Thị Kim C., Lý Thọ T., Nguyễn Gia T., Nguyễn Đình H... cũng bị kê biên những tài sản đang thế chấp hợp pháp trong ngân hàng với trị giá kê biên từ vài trăm đến vài chục tỉ đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Điều 102 và 114 bộ luật Tố tụng dân sự quy định biện pháp phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo thi hành án. Nhưng các quy định của pháp luật chỉ cho phép kê biên tài sản thuộc sở hữu của người có nghĩa vụ thi hành án chứ không có quy định nào cho phép phong tỏa tài sản đang thế chấp ở ngân hàng và cũng không có quy định nào cho phép phong tỏa giá trị còn lại của tài sản thế chấp.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, TAND tối cao cũng đã có văn bản gửi Chánh án TAND tỉnh Gia Lai nói rõ việc phong tỏa “giá trị còn lại” của các tài sản của người có nghĩa vụ đang thế chấp trong ngân hàng là không đúng pháp luật, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này không thể thi hành vì không thể xác định được giá trị tài sản còn lại đang được thế chấp ở tổ chức tín dụng là bao nhiêu. Ngoài ra, quyết định phong tỏa còn “trói” người bị phong tỏa không được thỏa thuận với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào (mà không có sự đồng ý của nguyên đơn) chuyển dịch quyền về tài sản bị phong tỏa cho đến khi vụ án được giải quyết và thi hành xong. TAND tối cao cũng chỉ rõ chính các quyết định phong tỏa trái pháp luật của TAND TP.Pleiku đã cản trở ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản vay theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế.
Không dừng lại ở đó, theo luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM), hành động trên của các thẩm phán TAND TP.Pleiku đã có dấu hiệu “ra quyết định trái pháp luật”. Trường hợp hành vi ra quyết định trái pháp luật chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại.
Lê Nga
Bình luận (0)