Tòa phúc thẩm tuyên phạt Hoàng Công Lương 30 tháng tù

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/06/2019 10:00 GMT+7

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên án bị cáo Hoàng Công Lương 30 tháng tù về tội vô ý làm chết người.

Sáng 19.6, sau 3 ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra phán quyết đối với bị cáo Hoàng Công Lương và 4 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5.2018.
Theo đó, Hội đồng xét xử đã chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin của bệnh viện) 30 tháng tù giam về tội vô ý làm chết người.
Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Vận, Chủ tọa phiên tòa, tại tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Công Lương có nhiều tình tiết mới: nhận tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cung cấp chứng cứ mới là việc hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân 5 triệu đồng/người chết, 2 triệu đồng/người bị thương.
Ngoài ra, bị cáo còn có bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; ông nội được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; bản thân bị cáo bị trầm cảm, con gái mắc bệnh hiểm nghèo; các gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Cùng với đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Lương đã cung cấp vi bằng 15.000 chữ ký trực tiếp, 40.000 chữ ký điện tử ủng hộ bị cáo...
Do đó, tòa cho rằng có căn cứ chấp nhận phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lương. Đối với kháng cáo xin hưởng án treo, dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu này của bị cáo.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử quyết định giảm hình phạt cho Hoàng Công Lương từ 42 tháng tù xuống còn 30 tháng tù về tội vô ý làm chết người.
Trong nội dung kháng cáo tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Công Lương đã rút nội dung kháng cáo về xem xét tội danh vô ý làm chết người mà tòa sơ thẩm đã tuyên, chỉ kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình giữ quyền công tố tại tòa không chấp nhận nội dung xin hưởng án treo của bị cáo, đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 36 - 39 tháng tù về tội vô ý làm chết người. 

Bác kháng cáo của nguyên Giám đốc Bệnh viện Trương Quý Dương

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình cũng bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên; và giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn; Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế; Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể, bị cáo Trương Quý Dương bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Đình Khiếu 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Văn Thắng 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đỗ Anh Tuấn (cựu Giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, các bị cáo Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn cùng bị tuyên phạt 30 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng cùng bị tuyên 36 tháng tù, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội vô ý làm chết người. 
Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị, có chứng chỉ hành nghề, được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, được đào tạo và cấp chứng nhận kỹ thuật lọc máu, nhận thức tầm quan trọng nước dùng cho máy chạy thận.
Bị cáo Lương biết ngày 28.5.2017, hệ thống RO được sửa chữa và mặc dù theo quy chế không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước nhưng sáng 29.5.2017, khi chưa được ai bàn giao, chưa được người có trách nhiệm thông báo chỉ đạo đưa hệ thống này vào chạy thận, chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo đã tin tưởng ra y lệnh chạy thận như các lần trước đó dẫn đến sự cố. 

Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng mình chịu trách nhiệm về chất lượng nước và việc ra y lệnh là đúng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, với kinh nghiệm và kiến thức của mình, bị cáo phải biết nguồn nước phải đảm bảo an toàn nhưng không kiểm tra lại thông tin mà đưa y lệnh lọc máu cho bệnh nhân gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe.

Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo Lương cẩu thả, làm việc theo thói quen, không nhận thức việc ra y lệnh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu nguồn nước không đảm bảo. Do đó, có đủ cơ sở khẳng định cáo trạng truy tố là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.