Nhanh bất thường
|
Ngày 13.3, Thiên Phú nộp đơn khởi kiện bổ sung và được TAND Q.7 thụ lý trong ngày. Tiếp đến, ngày 14.3, Thiên Phú nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển về quyền đối với tài sản tranh chấp là toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án Hòa Lân và chỉ nộp 1 tỉ đồng.
Và ngay hôm sau, ngày 15.3, TAND Q.7 đã ký Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án Hòa Lân.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM, bức xúc: “Công ty chúng tôi bỏ ra số tiền hơn 1.550 tỉ đồng để mua đấu giá dự án cùng các chi phí khác. Chính Thiên Phú tham gia toàn bộ quá trình bán đấu giá. Đến nay, khi chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho Agribank Chợ Lớn thì Thiên Phú quay ngược lại khởi kiện một cách vô lý”. Theo bà, có thể thấy việc TAND Q.7 thể hiện sự thiên vị đối với Thiên Phú khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời rất nhanh chóng. Hệ lụy là, “với số tiền 1.550 tỉ đồng mà công ty chúng tôi chi ra, tính lãi suất ngân hàng 12%/năm thì công ty chúng tôi đã thiệt hại khoảng 18 tỉ đồng trong 1 tháng qua kể từ ngày TAND Q.7 ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy mà thẩm phán chỉ chấp nhận cho Thiên Phú đóng 1 tỉ đồng bảo đảm khi ban hành quyết định này?”, bà Oanh bức xúc.
Bất thường giải quyết khiếu nại
tin liên quan
Bất cập pháp lý một vụ kiệnTheo khoản 1 điều 141 bộ luật Tố tụng dân sự, “Chánh án tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại điều 140 của bộ luật này trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị”. Thế nhưng, mãi đến ngày 12.4 (gần 1 tháng kể từ ngày Công ty Kim Oanh nộp đơn), TAND Q.7 mới triệu tập Công ty Kim Oanh lên để trực tiếp giải quyết khiếu nại, và người tiếp Công ty Kim Oanh không phải là chánh án như quy định của pháp luật mà là thẩm phán Lê Thị Phơ - người ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đang bị khiếu nại.
“Công ty chúng tôi không thể hiểu được tại sao chánh án TAND Q.7 không giải quyết khiếu nại của công ty chúng tôi như quy định của pháp luật mà lại giao cho thẩm phán ký quyết định và bị khiếu nại đi giải quyết. Liệu có sự khách quan khi người bị khiếu nại lại chính là người giải quyết khiếu nại? Và điều này vi phạm nghiêm trọng bộ luật Tố tụng dân sự”, bà Đặng Thị Kim Oanh bức xúc.
Hơn thế, theo bà Oanh, tại buổi giải quyết khiếu nại, thẩm phán Lê Thị Phơ ghi trong biên bản như sau: “Trong đơn khiếu nại của Công ty Kim Oanh về việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án xác định thiệt hại nếu có xảy ra do yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ có 1 tỉ đồng là không phù hợp với thực tế… Tại buổi làm việc hôm nay, TAND Q.7 yêu cầu Công ty Kim Oanh xác định những thiệt hại cụ thể của Công ty Kim Oanh và nộp các tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Q.7 gây ra”.
tin liên quan
Bất thường quanh dự án khu dân cư Hòa Lân: Khẳng định của AgribankHơn thế, theo quy định tại điều 136 bộ luật Tố tụng dân sự thì “Tòa án ấn định số tiền buộc thực hiện biện pháp nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”. Như vậy, trách nhiệm xác định số tiền thực hiện biện pháp bảo đảm thuộc về thẩm phán trước khi ra quyết định chứ không phải là Công ty Kim Oanh. Khi thẩm phán xác định số tiền phải đóng để thực hiện biện pháp bảo đảm là 1 tỉ đồng cho tài sản có giá trị là 1.353 tỉ đồng thì thẩm phán phải dựa trên các căn cứ theo quy định pháp luật và theo các chứng cứ mà thẩm phán thu thập và Thiên Phú đã nộp. Thế nhưng trên thực tế, Thiên Phú hoàn toàn không nộp bất kỳ chứng cứ, tài liệu nào chứng minh cho việc mình chỉ cần nộp 1 tỉ đồng bảo đảm là đủ. Và TAND Q.7 mà cụ thể là thẩm phán Lê Thị Phơ không hiểu vì sao cũng đã chấp nhận việc này. Để rồi, khi Công ty Kim Oanh khiếu nại thì bà Lê Thị Phơ không những không đưa ra được các căn cứ nào để chứng minh rằng việc Thiên Phú nộp 1 tỉ đồng để đảm bảo là đúng mà còn yêu cầu Công ty Kim Oanh chứng minh cho điều thẩm phán đã làm.
Thẩm phán Lê Thị Phơ đang có động thái cho rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do mình ký ban hành là đúng thì không thể nào bà Phơ lại là người giải quyết khiếu nại liên quan đến quyết định này được, qua đó đã có biểu hiện vi phạm bộ luật Tố tụng dân sự. “Chúng tôi kiến nghị chánh án TAND Q.7 và TAND TP.HCM sớm xem xét lại cách làm của thẩm phán Lê Thị Phơ như đã nêu trên”, bà Oanh nói.
Bình luận (0)