Tỏa sáng giữa đời thường: Hoa nở trên đất thép

27/07/2022 06:08 GMT+7

Tháng 7 tri ân, chúng tôi đến xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi (TP.HCM), hỏi thăm 'ông Ba Thư trồng lan' thì ai cũng biết. Bà con biết đến ông bởi nhiều lẽ, đó là một du kích Củ Chi kiên cường trong thời chiến; một thương binh 'tàn nhưng không phế'; một nông dân vượt khó vươn lên sản xuất giỏi và giàu lòng nhân ái.

Đi qua chiến tranh

Ông Ba Thư tên thật là Nguyễn Văn Thư, 68 tuổi, ngụ ấp Bàu Sim, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi. Ông sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở quê hương “Đất thép Củ Chi”.

Ông Ba Thư có hơn 30 năm gắn bó trồng lan ở đất thép Củ Chi

MINH NGỌC

Ông kể: “Những năm trước ngày thống nhất đất nước, làng xóm nơi đây bị bom đạn giặc cày xới liên miên đến nỗi cây cỏ còn sống không nổi. Nhưng bù lại, tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình của người dân Củ Chi thì không gì có thể dập tắt được. Khi sự sống trên mặt đất gần như bị hủy diệt, thì người dân Củ Chi tìm cách đào địa đạo để chiến đấu chống lại kẻ thù, đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng”.

Ngay ngày đầu đất nước thống nhất, ông Ba Thư khi đó 21 tuổi đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên xã. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hòa bình chưa được bao lâu thì năm 1978, tiếng súng lại vang lên trên bầu trời biên giới, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra và ngày càng lan rộng.

Hưởng ứng lệnh tổng động viên của Đảng, Nhà nước, ông Ba Thư viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Suốt hơn 6 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia (từ 1978 - 1984), từ một người lính binh nhất, ông trở thành sĩ quan quân đội với cấp bậc trung úy, chỉ huy một tiểu đội trinh sát luôn đi đầu trong các trận đánh lớn; cùng giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.

Vợ chồng ông Ba Thư

TRẦN THỊ MINH NGỌC

Trong một lần đi trinh sát, ông Ba Thư vướng phải mìn của địch cài khiến ông bị thương rất nặng. Khi trở về địa phương, do bị mất sức tới hơn 61% và là thương binh hạng 2/4, ông công tác tại UBND xã Tân Thông Hội cho đến ngày nghỉ hưu.

Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương chiến tranh và hàng chục mảnh đạn còn găm trên cơ thể lại hành hạ người thương binh ở độ tuổi xế chiều…

Vượt khó vươn lên

Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thông Hội, dẫn qua nhiều con đường ngoằn ngoèo để đến nhà ông Ba Thư. Vừa đi, ông Hùng vừa nhận xét: “Ông Ba Thư là một cựu chiến binh, một thương binh gương mẫu của xã”.

Thấy khách đến nhà, vợ chồng, con cháu ông Ba Thư vui vẻ đón tiếp. Hỏi chuyện về ông thì ông khiêm tốn: “Tôi có gì đâu mà kể, còn nhiều người có công lao lớn hơn nhiều. Tôi thấy mình còn sống đến hôm nay là may mắn lắm rồi, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi còn rất trẻ”.

Biết ông Ba Thư không thích nói về mình, chúng tôi đành “khai thác” thông tin bằng cách nhờ ông đưa đi thăm vườn lan rộng 3.000 m2 với khoảng 10.000 gốc lan các loại đang khoe sắc. Đi thăm vườn, ông bảo: “May là hôm nay nhà báo đến kịp, chứ sáng mai là đóng gói phần lớn các gốc lan đi tham dự hội hoa lan ở Nha Trang tổ chức vào cuối tháng 7 rồi”.

Tôi xuýt xoa về vẻ đẹp của hoa lan và tò mò hỏi ông Ba Thư cách chăm hoa có khó không… Ông bảo: “Trồng lan cũng phải có kiến thức và cách chăm sóc thì mới có những chậu lan đẹp. Trồng lan phải trải qua mấy công đoạn khác nhau. Lúc đầu thì ươm từ cây nhỏ xíu, sau 1 - 2 tháng cây lớn hơn thì chiết ra chậu lớn, đến khi cây sắp ra hoa thì lại cho vào một chậu khác để đem bán ra thị trường”.

Thấy vườn lan rộng lớn, tôi hỏi ông Ba Thư tưới nước ra sao, ông chỉ lên cao nói: “Hồi trước còn phải dùng bình phun xịt tưới từng chậu, nay đã có hệ thống phun tưới tự động hiện đại hơn rồi”. Nói rồi, ông vặn nhẹ van tưới nước, cả vườn hoa lan như chìm trong sương mù… Thì ra tưới hoa lan cũng phải nhẹ nhàng và biết cách tưới, chứ không thì hoa hỏng hết!

Dẫn chúng tôi tới cuối khu vườn lan, ông Ba Thư chỉ đống gỗ như củi khô, rồi giới thiệu: “Đây là gỗ cây cà phê mua từ Tây nguyên về đấy, phải cưa ra từng miếng để trồng các loài lan rừng sống nhờ thân gỗ mục. Cũng có những loại lan thì lại thích nghi với than đen và rễ cây, vì vậy phải biết lựa chọn để trồng cho phù hợp”.

Ông Ba Thư nói về cách trồng và chăm sóc lan như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Ngắm vườn lan đẹp và rộng lớn, chúng tôi hỏi: “Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề trồng lan…?”. Ông nói: “Sau khi trở về địa phương với hai bàn tay trắng, thân thể không còn lành lặn, cuộc sống hết sức khó khăn vì phải nuôi dạy 3 đứa con ăn học. Lúc đầu gia đình chỉ trồng đậu phộng và hàng bông bán ra chợ, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. May nhờ Hội Cựu chiến binh cho vay vốn nên tôi chuyển sang trồng hoa lan từ những năm 1990 đến nay”.

Theo lời kể của ông Ba Thư, lúc đầu vườn lan quy mô nhỏ, càng về sau kinh doanh có hiệu quả nên ông mở rộng quy mô. Đến nay thì đã có hơn 10.000 gốc hoa, nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường nên ông còn thu mua thêm hoa của bà con quanh vùng.

“Lúc nhiều việc tôi gọi bà con, bạn bè và cả các cựu chiến binh, thương binh… đến làm và trả công theo giờ, theo từng việc cụ thể. Người thì nhổ cỏ, bón phân, tưới hoa, đóng gói hoa, bốc vác từng kiện hoa lên xe… Nói chung là giải quyết công ăn việc làm cho mọi người, mình cũng thấy vui”, ông Ba Thư kể.

Cha truyền con nối

Nhắc chuyện đổi tên thương hiệu “Vườn lan Ba Thư” thành “Vườn lan Kim Ngân”, ông Ba Thư cười vang: “Tôi trồng lan suốt mấy chục năm rồi, nay đã lớn tuổi nên chỉ làm “cố vấn” thôi, và truyền nghề cho con gái tên là Kim Ngân để tiếp tục duy trì nghề trồng lan”.

Chúng tôi quay sang con gái ông hỏi chuyện kinh doanh hoa lan có gì mới không? Kim Ngân tự tin: “Bây giờ thời buổi công nghệ 4.0 rồi, không còn bán hoa thủ công như trước nữa, cháu chủ yếu là kinh doanh hoa lan qua mạng. Nơi nào đặt mua với số lượng bao nhiêu cháu cũng chuyển đến tận nơi. Thanh toán tiền mua thì chuyển khoản nhanh gọn, nhẹ nhàng hơn thời ba cháu rất nhiều”.

“Thị trường tiêu thụ hoa lan của cháu như thế nào và cháu có xuất khẩu hoa lan ra các nước không?”. Kim Ngân đáp: “Thị trường của cháu có ở khắp nơi, cứ gọi là cháu mang hoa đến, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Ngoài ra còn có Cần Thơ, Vĩnh Long, Hà Nội, Bắc Ninh và các shop hoa ở TP.HCM. Do nhu cầu chơi lan của khách ngày càng cao, cháu phải nhập khẩu một số lan rừng từ Lào về. Trước đại dịch Covid-19 còn xuất khẩu hoa sang Campuchia, Thái Lan…”.

“Mặc dù giá xăng dầu, phân bón đều tăng cao hơn trước, nhưng cháu vẫn duy trì giá cũ, không dám tăng giá lên cao vì sợ mất khách. Vì vậy cũng hơi khó khăn”, Kim Ngân chia sẻ.

Câu chuyện hoa nở trên “đất thép” càng rôm rả hơn khi vợ ông Ba Thư cũng tham gia: “Có lần ổng bảo con chở hoa đến nghĩa trang liệt sĩ và đặt hoa lên từng ngôi mộ liệt sĩ để tạ ơn”.

Nghe nói đến đây, ông Ba Thư xúc động: “Gia đình tôi có hai vợ chồng và con gái đều là đảng viên, có thể là một chi bộ đấy, vì vậy làm việc gì cũng phải gương mẫu”.

Tỏa sáng giữa đời thường

Trái tim nhân hậu

Hết lòng vì đồng đội

Những 'viên gạch hồng' ở chiến khu Ba Lòng

Cựu chiến binh Vị Xuyên say mê việc thiện

Người lính 'đội quân nhà Phật' trở về

'Vua tôm' ở Hoài Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.