Gặp gỡ người thương binh trở thành giám đốc công ty với 200 người

Cù Hiền
Cù Hiền
27/07/2022 09:01 GMT+7

Trong thời chiến, ông và đồng đội từng xẻ đôi dãy núi Trường Sơn mang đạn dược, lương thực cung cấp cho anh em ngoài chiến tuyến. Về với thời bình, bằng nghị lực vượt khó, từ một thương binh đã trở thành một giám đốc doanh nghiệp với 200 nhân sự, có nhiều đóng góp cho địa phương.

Từng lái xe trên những tuyến đường ác liệt nhất của Trường Sơn khói lửa, dù xe dính bom, người bốc cháy, ông vẫn bình tĩnh lái xe lao xuống vực để giữ an toàn cho những xe khác trong đoàn.

Đó là những gì các đồng đội vẫn kể về cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn (72 tuổi, xã Phú Châu, H.Đông Hưng, Thái Bình).

Biệt danh Sơn… “Cháy”

Cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa, ông Sơn khoác ba lô lên đường nhập ngũ năm 1970, khi ấy ông vừa tròn 20 tuổi.

Thương binh Phạm Ngọc Sơn đang trò chuyện với PV

c.h

Được cử đi học lái xe và phân về Đoàn Binh trạm 42, Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Đây là tuyến đường huyết mạch để chi viện cho miền Nam nên dọc tuyến đường Trường Sơn, giặc thường xuyên bắn phá vô cùng ác liệt.

Một lần, ông cùng các anh em trên đường tải chuyến hàng tăng cường cho mặt trận Quảng Trị (năm 1972), ông lái xe dẫn đầu đoàn. Khi đang di chuyển thì đoàn xe bị địch phát hiện nên chúng tập trung lực lượng để tiêu diệt.

“Xe của tôi bị trúng bom napan, toàn xe bốc cháy khiến tôi bị thương. Tuy nhiên, lúc này bình tĩnh hơn bao giờ hết, tôi vẫn dẫn đoàn xe tiếp tục lái xe di chuyển trong lửa đạn, sau đó tôi tách đoàn, chủ động lao xe xuống vực. Bởi tôi biết, nếu dừng lại, xe của tôi có thể cháy, nổ khiến cả đoàn xe bị thiêu hủy toàn bộ", ông bồi hồi nhớ lại giây phút kinh hoàng của cuộc đời.

Lần ấy, chiếc xe chở lương thực bị cháy rụi toàn bộ, ông tuy sống sót nhưng toàn thân bị bỏng nặng. Vậy nhưng, những vết thương cháy sẹm trên da không làm vơi đi tình yêu nước và lòng căm thù giặc trong lòng. Khi sức khỏe bình phục, ông tiếp tục quay lại đơn vị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó cái tên Sơn “Cháy” đã được đồng đội đặt cho ông…

Khi đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1979, ông xin tái ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).

Từ hai bàn tay trắng đến giám đốc điều hành công ty 200 nhân sự

Sau hai cuộc chiến, ông mang trên mình thương tật 62%. Vậy nhưng, những vết thương ấy vẫn không ngăn được ý chí phấn đấu vươn lên của người thương binh từng vào sinh ra tử. Từ những kinh nghiệm lái xe trong chiến trường, kết hợp với thực tế bấy giờ vận chuyển hàng hóa bằng ô tô còn khan hiếm. Vậy là ông quyết định đầu tư một chiếc ô tô bắt đầu công việc vận chuyển hàng hóa.

Ảnh ông chụp lưu niệm trong một lần thăm lại chiến trường xưa

n.v.c.c

Công việc thuận lợi, không lâu sau đó, số lượng xe của gia đình ông đã lên đến 10 chiếc. Dù bản thân đã trải qua lửa đạn, cuộc sống sung túc trong thời bình nhưng ông vẫn không quên ơn bao anh em đồng đội đã xả thân vì quê hương mà không thể trở về. Ông quyết định tập hợp những đồng đội là thương binh, thành lập hợp tác xã Vận tải Thủy bộ Thương binh Đông Hưng (nay là xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng).

Khi mới thành lập, xí nghiệp có 20 hội viên (đều là thương binh). Bước qua mọi khó khăn gian khổ, ông chèo lái doanh nghiệp từ 20 chiếc xe, sau này đã lên đến 110 chiếc, lao động lên đến 200 nhân sự là thương binh, bộ đội xuất ngũ…con em gia đình chính sách. Ông tạo công ăn việc làm cho mọi người có thu nhập ổn định từ 8-16 triệu/tháng.

Song song với việc phát triển xí nghiệp vận tải, ông vẫn duy trì công việc thiện nguyện của mình, đặc biệt là những hoạt động tình nghĩa để tri ân đồng đội của ông năm xưa, những người đã cùng ông kề vai sát cánh trong chiến tranh, xẻ dọc trường sơn vì bình yên của tổ quốc.

“Đến giờ, tôi vẫn thấy mình may mắn, bởi chiến trường quá khốc liệt, nhiều anh em ra đi mãi mãi không trở về. Tôi tuy được chứng kiến trong chiến trường mưa bom bão đạn ấy, nhưng nay còn được ngồi đây chứng kiến đất nước hòa bình. Đó là điều hạnh phúc hơn rất nhiều lần những anh hùng liệt sĩ”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng vì thâm tâm nghĩ như vậy nên ông luôn đau đáu với những gia đình có công với cách mạng, những thương binh, bệnh binh, luôn ưu tiên tạo công ăn việc làm cho họ, cho con, em những gia đình chính sách.

Chiếc xe ông đầu tư mua để dành riêng cho việc đón các thi hài liệt sĩ từ khắp các chiến trường trở về quê hương Thái Bình.

c.h

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ông lại có 100 suất quà tặng cho những hội viên nghèo. Ông và công ty của ông đã xây dựng được 8 ngôi nhà tình nghĩa tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình với chi phí mỗi căn nhà khoảng 60 - 150 triệu đồng.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông và gia đình đã xây dựng đường bê tông dài 300 m nối liền thôn Xuân Đài và Bến Hòa; sửa chữa đường giao thông trong khu dân cư của thôn với kinh phí trên 100 triệu đồng; đóng góp 300 triệu đồng trùng tu khu di tích lịch sử Văn hóa Miếu, Đền làng Xuân Đài.

Với tinh thần của một người lính khao khát tìm lại những đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, ông mua một xe ô tô dành riêng cho việc đưa thi hài liệt sỹ từ các địa phương trong cả nước về với quê hương Thái Bình.

Từ năm 2021, có 7 thi hài liệt sỹ đã được ông tình nguyện chở về địa phương, gia đình với chi phí 0 đồng, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.

Với rất nhiều huân huy chương cao quý được nhà nước trao tặng, người thương binh ấy đã và đang tiếp tục giúp ích cho đời, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng phồn thịnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.