Đó là một trong rất nhiều mong muốn của những bệnh nhân ung thư xương ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình “mè nheo” với Châu Thành Toàn, thủ lĩnh của nhóm SV07 (thuộc Hội Chữ thập đỏ Tây Ninh).
Vì thương nhiều nên phải ráng
tin liên quan
Tỏa sáng vì cộng đồng: Dạy trẻ câm điếc học tiếng AnhCông việc chính của Châu Thành Toàn (36 tuổi) là y tá tại Trạm y tế P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Tuy nhiên, Toàn còn có công việc “phụ” làm tình nguyện. Nhiều năm nay, không kể ngày đêm, cuối tuần, cứ ở đâu có người cần giúp đỡ là Toàn lại lên đường. Bão ở Nha Trang, Đà Nẵng... Toàn và nhóm tình nguyện viên của mình có mặt để hỗ trợ người dân sau cơn bão. Cặp vợ chồng khuyết tật yêu nhau, kết hôn, Toàn xuất hiện để tặng cho cặp nhẫn cưới. Khi đứa bé của hai vợ chồng ra đời, Toàn lại mang sữa, tã đến thăm...
Để gặp Toàn, tôi phải đợi đến 22 giờ, chờ Toàn trở về từ chuyến đi Trà Vinh, trao tiền cho một gia đình ở Sóc Trăng để xây nhà. Chuyện đi đêm về hôm với Toàn đã thành thói quen. Cứ ngồi ở nhà là Toàn lại bồn chồn. Không có việc ở xa thì Toàn lo những chuyện gần nhà. Mỗi tháng một lần, Toàn lại gom góp quà tặng vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để thăm những bệnh nhân ung thư xương, hoặc qua trung tâm hỗ trợ làm chân giả trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) để “làm trò” giúp các bệnh nhân được cười thoải mái.
“Hễ là người bệnh thì khổ rồi, nên ai mình cũng thương hết. Có bữa thì mình mang cơm đến, bữa thì đến hát, bữa thì dẫn theo nghệ sĩ hài để diễn cho mọi người cười. Những ngày khác, khi có thời gian mình cũng chạy vô xem có bệnh nhân nào mới, ai cần hỗ trợ làm thủ tục để lắp chân, tay giả thì mình hướng dẫn để người ta đỡ đi lại tốn công, tốn tiền. Ai khó quá thì mình lại quyên tiền hỗ trợ...”, Toàn chia sẻ.
Ca sĩ hát “dở” nhưng khán giả vỗ tay rần rần
Toàn hát không hay. Nhưng mỗi lần cùng Toàn đến hát tại các bệnh viện, hay theo chân đi hát dạo ở các quán ăn để quyên tiền giúp đỡ người nghèo ai cũng bị mê hoặc bởi giọng hát “dở” đó.
Ca khúc thường được bệnh nhân ở các bệnh viện yêu cầu là: Bến sông chờ, Tình anh bán chiếu, Lòng mẹ... Ở góc phòng 5B3 Bệnh viện Chợ Rẫy hay ở lầu 4 khoa bệnh học của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, lâu lâu bài hát lại được vang lên bởi giọng ca của Toàn. Người ta mê “anh ca sĩ” vì ảnh “vô duyên” nhưng hát có duyên, hát bằng tình cảm thật sự dành cho người bệnh.
Chính giọng hát "dở" đó cũng 7 năm qua đi hát ở nhà hàng, trên đường phố quyên góp tiền xây nhà cho người nghèo, hỗ trợ viện phí cho những bệnh nhân khó khăn... Chẳng có bằng khen nào cho sự nhiệt tình của Toàn. Thế nhưng, Toàn vẫn cần mẫn ngày ngày giúp đỡ những người cần giúp.
Toàn kể: “Mình cũng chẳng nhớ hết tên của những người mình từng hỗ trợ. Trong suốt 21 năm mình có từng thương một cô bé tên Hân nhà ở Tiền Giang. Đó là những năm 2010, em học giỏi lắm, em bị ung thư xương nhưng suốt ngày cứ đòi về nhà đi học. Năm em học lớp 12, em từng đạt học sinh giỏi văn quốc gia. Ở tuổi 18, em chưa biết nhiều về cuộc đời nhưng bị căn bệnh ung thư xương quái ác. Một ngày em ở quê điện lên nói em ước có một con búp bê hình ông già Noel vì em rất thích lễ Giáng sinh. Mình mua cho em một quả cầu tuyết, một con búp bê, định đến thăm em nhưng chưa kịp làm gì thì em mất. Đêm đó mình chạy xe 100 km chỉ kịp bỏ quà vào mộ em, gửi em một lời chào chứ không thể gặp mặt lần cuối”.
Vui vì được giúp người
Toàn xem những việc thiện mình làm giống như “gói” bảo hiểm cho tương lai. Mình làm việc tốt không mong gì ai báo đáp, chỉ cần mình vẫn thấy vui với việc mình làm là đủ.
Theo Toàn: “Cho đi đâu có nghĩa là phải nhận lại. Mình giúp được ai thì giúp, bởi thấy khi mình khó khăn, có người giang tay ra giúp đỡ mình. Nên những việc gì mà trong khả năng có thể làm được thì mình đều làm hết”.
Cứ làm việc tốt không tính toán, Toàn có 15 năm là đội trưởng đội Tình nguyện viên cho Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc. 14 năm đón tết ngoài đường, tuyên truyền tết sạch không rác. Cũng ngần ấy năm anh “nuôi” các thí sinh từ quê đến TP.HCM thi đại học.
Bình luận (0)