Tòa Tối cao báo cáo Quốc hội về tình trạng Chủ tịch UBND 'né' tòa hành chính

Trần Cường
Trần Cường
08/11/2022 10:41 GMT+7

Báo cáo Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tình trạng UBND, Chủ tịch UBND không đối thoại, không dự tòa hành chính, chậm cung cấp tài liệu diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho tòa và bức xúc cho đương sự.

Tình trạng UBND, Chủ tịch UBND không tham gia đối thoại, không tham gia tòa hành chính diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và trong thời gian dài gây bức xúc trong nhân dân. Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Tư pháp, Hà Nội là địa phương “nổi bật” khi Chủ tịch UBND thành phố không đối thoại, không tham gia phiên tòa 100% các vụ án hành chính.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo Quốc hội

gia hân

Trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước về công tác của tòa án trong năm 2022, trong đó có đề cập đến tình trạng nêu trên.

Tình trạng Chủ tịch UBND không dự tòa rất phổ biến

Theo báo cáo, trong 1 năm qua, các tòa án đã thụ lý gần 12.000 vụ án hành chính và đã xét xử được gần 9.000 vụ. Các vụ án chủ yếu liên quan đến khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Báo cáo thể hiện UBND, CHủ tịch UBND đã có sự quan tâm đối với việc giải quyết các vụ án hành chính. Ở một số địa phương, UBND, Chủ tịch UBND đã tích cực tham gia hoặc cử đại diện tham gia đầy đủ các phiên đối thoại, xét xử.

Tuy nhiên, tình trạng UBND, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu trong thời hạn luật quy định theo yêu cầu của tòa án còn rất phổ biến. Điều này gây khó khăn cho tòa án trong giải quyết vụ án và gây bức xúc trong đương sự.

Trong đó, một số UBND trả lời không còn lưu giữ, lưu giữ không đầy đủ hoặc đã tbị thất lạc tài liệu. Một số vụ án UBND không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không trả lời lý do không cung cấp khiến tòa phát nhiều lần gửi văn bản hoặc liên hệ để đôn đốc việc giao nộp, cung cấp chứng cứ,… điều này dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Theo báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, các tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường đối thoại và đã đối thoại thành công 429/6.049 vụ án hành chính đã được giải quyết theo luật tố tụng Hành chính. Trong năm qua, tòa án đã ban hành 176 quyết định buộc thi hành án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, tăng 69 quyết định so với năm trước.

Đã xử lý gần 1.000 tội phạm tham nhũng

Trong năm qua, các tòa án nhân dân trong cả nước đã thụ lý hơn 93.000 vụ án hình sự với gần 179.000 bị cáo. Trong đó đã giải quyết, xét xử được hơn 91.000 vụ với gần 172.000 bị cáo.

Đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 3.147 vụ với 7.409 bị cáo. Trong đó đã xét xử 2.626 vụ với 5.586 bị cáo, tăng cả về số vụ, bị cáo thụ lý cũng như đưa ra xét xử so với năm 2021. Các vụ án trong lĩnh vực này chủ yếu phạm các tội “tàng chữ vận chuyển hàng cấm”, “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Riêng đối với các vụ án tham nhũng, các tòa đã thụ lý 577 vụ với 1.399 bị cáo. Tòa cấp sơ thẩm đã xét xử 410 vụ án tham nhũng với 945 bị cáo, trong đó 8 bị cáo nhận án chung thân, 44 bị cáo nhận án từ 15 - 20 năm tù, 11 bị cáo từ 7 - 15 năm tù, 232 bị cáo từ 3 - 7 năm tù và 347 bị cáo nhận án từ 3 năm trở xuống, còn lại là hình phạt khác.

Trong năm qua, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản nhà nước và chú trọng đến việc tịch thu tài sản do phạm tội mà có, thu hồi lại tài sản cho nhà nước. Các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ và 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền hơn 4.000 tỉ đồng và các tài sản khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.