Hôm 7.11, TAND tỉnh Yên Bái tuyên án sơ thẩm đối với 10 bị cáo trong vụ án "vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ" và "vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Trong số này, bị cáo Đinh Tiến Hùng (39 tuổi, trú tại TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) được tuyên vô tội. Tòa án xác định không có chứng cứ để chứng minh cáo buộc của viện kiểm sát đối với ông Hùng.
Trước khi vướng lao lý, ông Đinh Tiến Hùng đang là Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái. Tháng 4.2022, ông Hùng bị Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Yên Bái khởi tố về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vụ án trên đang nhận được quan tâm từ dư luận, bởi việc bị cáo được tuyên vô tội tại tòa là trường hợp hiếm gặp. Cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc rằng, sau khi tòa xác định không có tội, liệu ông Hùng có được phục chức?
Về vấn đề này, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Yên Bái cho hay, việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Đinh Tiến Hùng sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Vậy "quy định của pháp luật" ở đây là như thế nào?
Sáng 9.11, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, phán quyết của TAND tỉnh Yên Bái hiện mới là bản án chưa có hiệu lực pháp luật, về lý thuyết có thể sẽ có phiên tòa phúc thẩm. Vì vậy, phải chờ bản án có hiệu lực thì mới có các bước xử lý tiếp theo.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nói rằng, một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án; ngược lại, một người bị đưa ra xét xử, sẽ được xác định là không có tội khi bản án tuyên vô tội có hiệu lực.
Bản án có hiệu lực bao gồm bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; hoặc bản án phúc thẩm (có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên).
Quay trở lại vụ án ở Yên Bái, bản án mà TAND tỉnh Yên Bái vừa tuyên mới chỉ là án sơ thẩm, nếu sau 15 ngày không có kháng cáo của ông Hùng hoặc kháng nghị của viện kiểm sát, thì bản án (đối với ông Hùng) mới có hiệu lực pháp luật.
Ngược lại, rất có thể Viện KSND tỉnh Yên Bái sẽ kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án của TAND tỉnh Yên Bái, nhất là với nội dung tuyên bố bị cáo Hùng không phạm tội.
Trường hợp này, bản án nêu trên chưa có hiệu lực pháp luật, hồ sơ sẽ được chuyển đến TAND cấp cao tại Hà Nội để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Luật sư Cường nhận định, đây là vụ án phức tạp, quan điểm của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án cấp sơ thẩm là khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau, dẫn đến kết quả giải quyết vụ án như đã nêu.
Việc tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội là trường hợp hiếm khi xảy ra trong những năm gần đây. Điều này cho thấy niềm tin vào công lý, vào nguyên tắc suy đoán vô tội, không để xảy ra oan, sai.
Trường hợp bản án có hiệu lực xác định ông Đinh Tiến Hùng không có tội, ông này sẽ được khôi phục các quyền lợi nghĩa vụ của công dân, bao gồm việc xem xét khôi phục vị trí, công việc trước khi bị khởi tố.
Cùng với đó, người bị khởi tố, truy tố oan còn được xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất theo quy định luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được đặt ra, đó là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có những sai phạm về tố tụng dẫn tới oan, sai.
"Tuy nhiên, như đã đề cập ngay từ đầu, những vấn đề trên chỉ được xem xét khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, vì thế phải chờ thêm", luật sư Cường lưu ý.
Bình luận (0)