Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án

11/01/2024 16:39 GMT+7

Viện kiểm sát nhận định, 'đại án' kit test Việt Á là điển hình của lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.

Sau 10 ngày mở phiên tòa, chiều mai 12.1, TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án đối với 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương. Phiên tòa kết thúc sớm hơn khá nhiều so với dự kiến ban đầu là 20 ngày.

Trước đó, đại diện viện kiểm sát đã trình bày quan điểm luận tội, 38 bị cáo và luật sư bào chữa tham gia tranh luận. Do tính chất vụ án, hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài.

Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử "đại án" kit test Việt Á

TRẦN PHAN

Thu lời ngàn tỉ, lấy tiền chi "hoa hồng" và hối lộ

Theo cáo buộc của viện kiểm sát, đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc rồi lây lan sang một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á được giao triển khai đề tài nghiên cứu kit test Covid-19, kinh phí gần 19 tỉ đồng, trích từ ngân sách nhà nước.

Quá trình thực hiện, các bị cáo tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số đơn vị đã có hàng loạt sai phạm, biến kết quả nghiên cứu về kit test Covid-19 từ tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân. Công ty Việt Á sau đó sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng.

Xem nhanh 12h ngày 12.1: Trùm Việt Á và 2 cựu bộ trưởng sắp lãnh án | Mỹ và đồng minh tấn công Houthi ở Yemen

Để có thể thuận lợi "chen chân" vào đề tài nghiên cứu, được nghiệm thu, cấp phép lưu hành rồi phân phối kit test, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bỏ ra hơn 106 tỉ đồng hối lộ các quan chức. Người nhận nhiều nhất là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long với 2,25 triệu USD, cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến nhận 27 tỉ đồng, cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN Các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN) nhận 350.000 USD...

Tổng giám đốc Công ty Việt Á cũng chi hàng chục tỉ đồng nhằm cảm ơn một số quan chức đã đưa ra quyết định trái pháp luật, có lợi cho công ty. Trong đó, cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhận 100.000 USD…

Chưa dừng lại, để bán được nhiều kit test tại nhiều địa phương, cơ sở y tế, Công ty Việt Á có chủ trương ứng kit test trước cho các đơn vị này sử dụng, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu. Quá trình hợp thức, phía Công ty Việt Á chi phần trăm ngoài hợp đồng cho lãnh đạo các đơn vị, tổng số tiền cũng lên tới cả chục tỉ đồng.

Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 2.

Bị cáo Phan Quốc Việt (trái) và Trịnh Thanh Hùng, những người có vai trò xuyên suốt trong quá trình "ra đời" kit test Việt Á

TRẦN PHAN

Tổng giám đốc Việt Á: Chi tiền cho quan chức theo barem

Khai tại tòa, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt nhiều lần "tự hào" về sản phẩm kit test, về những "đóng góp" của công ty này đối với công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, lập luận này bị viện kiểm sát bác bỏ, bởi lẽ Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit test để có nguồn tiền chi cho các cựu quan chức, lợi nhuận thu về là không hợp pháp. "Đi phòng, chống dịch để có lợi nhuận bất hợp pháp và dùng số tiền bất hợp pháp ấy để hối lộ, chi tiền phần trăm… thì không thể xem xét đến yếu tố có công chống dịch", kiểm sát viên nói.

Đáng chú ý, Phan Quốc Việt thừa nhận chi hàng trăm tỉ đồng tiền hối lộ và "hoa hồng" bán kit test, nhưng cho rằng đây chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà công ty có được, chứ không phải phạm pháp. Việc chi tiền được thực hiện theo barem với các tiêu chí như: vị trí công việc của người được chi tiền, lợi nhuận của Công ty Việt Á, đóng góp của người được chi tiền đối với lợi nhuận mà công ty có được.

Về phía các cựu quan chức bị cáo buộc nhận tiền từ Việt Á, đa phần đều nhận tội, nhưng cho rằng nhận vì phía Công ty Việt Á chủ động, tự nguyện, chứ hai bên không hề thỏa thuận hay bàn bạc từ trước.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định không có bất cứ sự ưu ái nào đối với Công ty Việt Á trong quá trình cấp phép kit test. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói rằng muốn trả lại tiền nhưng vì dịch bệnh bề bộn nên "không nhớ để trả", hiện giờ không biết chiếc vali đựng tiền ở đâu, "thấy rất đau xót".

Hay như cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, dù nhận hối lộ tới 27 tỉ đồng, nhưng bị cáo này nói rằng không có sự bàn bạc gì với Công ty Việt Á, "chỉ biết làm và làm". Khi được Việt Á chi tiền, bị cáo thấy việc này chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận, nghĩ là không vi phạm pháp luật nên mới nhận; đến khi bị bắt, bị cáo mới biết là sai.

Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 3.
Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 4.

Đại diện viện kiểm sát (phải) đánh giá đây là vụ án điển hình của lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống

TRẦN PHAN

36/38 bị cáo được đề nghị mức án dưới khung truy tố

"Đại án" kit test Việt Á có 38 bị cáo bị truy tố về 5 tội danh khác nhau. Trong đó, 6 cựu quan chức bị truy tố về tội nhận hối lộ, với khung hình phạt 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Nhiều tội danh còn lại mà các bị cáo bị truy tố cũng có khung hình phạt từ 10 năm trở lên.

Trong bản luận tội, viện kiểm sát đánh giá vụ án này là điển hình của lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo cho thấy sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ công chức, làm giảm sút lòng tin của người dân. Tuy vậy, có tới 36/38 bị cáo được đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án dưới khung truy tố.

Nhìn lại toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước khi tòa tuyên án

Ở tội danh nhận hối lộ, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long là người duy nhất bị đề nghị mức án nằm trong khung truy tố (19 - 20 năm tù). Các bị cáo khác đều có mức án đề nghị thấp hơn, điển hình như Phạm Duy Tuyến 13 - 14 năm tù, Trịnh Thanh Hùng 14 - 15 năm tù…

Ở tội danh đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Phan Quốc Việt là người duy nhất bị đề nghị mức án trong khung truy tố (mỗi tội 15 - 16 năm tù, tổng hợp hình phạt 30 năm tù). Các bị cáo còn lại đều được đề nghị thấp hơn khung truy tố.

Tương tự, 2 cựu Ủy viên T.Ư cũng được đề nghị mức án thấp hơn khá nhiều khung truy tố, gồm cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh 3 - 4 năm tù (khung truy tố 10 - 20 năm tù) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng 5 - 6 năm tù (khung truy tố 10 -15 năm) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 5.
Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 6.
Toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 7.

3 cựu Ủy viên T.Ư bị đưa ra xét xử trong vụ án, gồm cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng

TRẦN PHAN


Ân hận, xót xa, "không còn gì biện minh"

Trước khi vào nghị án, hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. Cả 38 bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, một số người bật khóc, mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình, xã hội.

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ sự ân hận, nói rất đau khổ, xót xa trước những sai phạm đã gây ra. Bị cáo khẳng định thời điểm xảy ra vụ án là giai đoạn rất khó khăn, cam go trong lịch sử ngành y tế. Bản thân và đồng nghiệp luôn cố gắng để chống dịch, cứu người, "chưa một giây phút nào bị cáo được nghỉ ngơi, lúc nào cũng nghĩ phải giữ vững hệ thống y tế, cứu sống bệnh nhân".

Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi lời xin lỗi tới Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì những sai phạm do mình gây ra. Bị cáo cảm thấy "thật đau xót, không có gì biện minh". Ông nói rằng, sai phạm thì phải bị trừng phạt, đã phải trả giá bằng hơn 500 ngày day dứt sau khi bị bắt tạm giam, thậm chí sự day dứt ấy sẽ đeo bám bị cáo đến cả khi đã được trở về với xã hội.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng thì nói "rất buồn đau, hối tiếc" khi vứt bỏ 34 năm luôn cố gắng rèn luyện. Ông đã nhận thức sâu sắc về sai phạm của mình khi chỉ đạo không đúng đường lối của Đảng, Nhà nước; coi đây là bài học đau xót, đắt giá nhất. Bị cáo cũng gửi lời tới lãnh đạo các địa phương là "dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả cấp bách, thì cũng hãy thực hiện đúng pháp luật để không rơi vào sai phạm"; đồng thời đề nghị cơ quan lập pháp có những sửa đổi về quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý để đáp ứng khi có các tình huống cấp bách xảy ra.

Đáng chú ý, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt xin nhận toàn bộ trách nhiệm về mình để giảm nhẹ cho các nhân viên công ty; đồng thời mong được hội đồng xét xử xem xét giữa đóng góp và sai phạm của bản thân khi lượng hình. Việt gửi lời tới các bị cáo là nhân viên Công ty Việt Á hãy "an yên, nhẹ nhàng", rằng "ở tù không ai muốn, nhưng nếu lỡ phải ngồi tù, hãy biến cái nguy không ai muốn thành cái cơ không ai có, để chuẩn bị hành trang sau này vẫn có thể cống hiến cho xã hội".

Xem nhanh 20h ngày 12.1: Phút chót bất ngờ ngày tuyên án vụ Việt Á


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.