Toàn cầu dậy sóng vì lệnh áp thuế của Mỹ

04/04/2025 06:08 GMT+7

Sáng qua (giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan mới cho hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại cũng như thị trường tài chính toàn cầu.

Quyết định áp thuế đối ứng từ 10% đến 49% đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Tổng thống Trump ký thành sắc lệnh cùng ngày. Không ít đối tác thương mại của Mỹ đã phản ứng quyết liệt, một số nhanh chóng ra phương án đối phó, trong khi phần còn lại tìm cách thương thuyết thêm với Washington.

Thuế chồng thuế

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump công bố mức thuế cơ sở 10% cho gần như toàn bộ các đối tác thương mại của Mỹ và có hiệu lực từ ngày 5.4 (giờ Washington). Bên cạnh đó, từ ngày 9.4, khoảng 60 nước đang thi hành các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Mỹ sẽ bị áp thuế quan đối ứng cụ thể.

Dù không phân tích rõ công thức tính, Tổng thống Trump đã chia sẻ một loạt bảng biểu trên mạng xã hội ghi mức thuế của từng nước và vùng lãnh thổ mà theo đội ngũ Nhà Trắng là đang áp lên hàng hóa Mỹ, trong đó có tính toán về yếu tố thao túng tiền tệ và các rào cản phi thuế quan. Dựa trên đó, ông công bố mức thuế đối ứng mới mà Mỹ sẽ áp cho từng đối tác tương ứng. Trong đa số trường hợp, mức thuế đối ứng của Mỹ bằng phân nửa mức thuế mà theo tính toán của chính quyền Tổng thống Trump là đang áp cho hàng hóa Mỹ. Nhà Trắng thông báo thuế đối ứng không áp dụng đối với một số hàng hóa như đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ xẻ, vàng, năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.

Mức thuế mới sẽ được đánh chồng lên thuế sẵn có. Ví dụ, thuế đối ứng Mỹ công bố áp lên hàng hóa Trung Quốc là 34% và Trung Quốc đang chịu mức thuế 20%, nên thuế suất thật sự đối với hàng hóa nước này nhập khẩu vào Mỹ bị tính là 54%.

Tổng thống Trump tuyên bố mức thuế mới sẽ mang lại công bằng cho các doanh nghiệp (DN) Mỹ và đưa các nhà máy quay lại nước này, từ đó tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, Đài CNN dẫn lời giáo sư kinh tế Justin Wolfers của Đại học Michigan (Mỹ) ước tính mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tổn thất khoảng 5.000 USD/năm với các mức thuế quan mới. Đặc biệt, các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động và trung lưu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. "Chi phí sinh hoạt dự kiến sẽ tăng đến 6% do các DN sẽ chuyển chi phí phát sinh cho người tiêu dùng", giáo sư Wolfers nói và nhấn mạnh, giá cả sẽ tăng ngay ngày mai ở Mỹ.

Nhiều tổ chức thương mại ở Mỹ lên tiếng phản đối biện pháp quyết liệt của Nhà Trắng. "Việc áp thuế quan mới ở quy mô như thế này sẽ gây ra các thay đổi và làm gián đoạn, khiến ngành nhà hàng buộc phải điều hướng để duy trì việc kinh doanh", AFP dẫn bình luận của Hiệp hội Nhà hàng quốc gia Mỹ. Ông Jay Timmons, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, cảnh báo thuế nhập khẩu cao sẽ dẫn đến chi phí tăng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động đầu tư, việc làm, các chuỗi cung ứng và làm suy yếu năng lực cạnh tranh của Mỹ với các nước. "Vị thế siêu cường sản xuất dẫn đầu của Mỹ cũng sẽ bị đe dọa", theo ông Timmons.

Giám đốc Chính sách của Phòng Thương mại Mỹ Neil Bradley cũng khuyến cáo, việc áp thuế quan trên diện rộng sẽ làm tăng giá mọi thứ với người tiêu dùng Mỹ và gây hại cho nền kinh tế. Ông Gary Shapiro, Tổng giám đốc Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng, cũng dự báo Mỹ đang đối mặt lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thậm chí đẩy nền kinh tế Mỹ đến nguy cơ bị suy thoái. Bởi thuế quan sẽ làm giá cả tiêu dùng tăng vọt và các đối tác thương mại Mỹ sẽ buộc phải trả đũa.

Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng nhà quốc gia Buddy Hughes cũng lo ngại chi phí xây dựng sẽ tăng, trong khi Liên minh Kinh doanh rượu vang Mỹ cho rằng mức độ tổn thất cho DN Mỹ sẽ nhiều hơn so với các đối tác khi mức thuế mới có hiệu lực. "Tổn thất cho nền kinh tế Mỹ sẽ kéo dài thời gian áp thuế và mức độ tổn thất có thể trở nên trầm trọng hơn trong trường hợp các đối tác sử dụng những biện pháp trả đũa", AFP dẫn cảnh báo của Hội Bàn tròn DN, tổ chức đại diện cho quyền lợi các tổng giám đốc Mỹ.

Toàn cầu dậy sóng vì lệnh áp thuế của Mỹ- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về mức áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ VN

ẢNH: TTXVN

Quyết định áp thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu nông sản của VN sang Mỹ, nhưng chúng ta phải chủ động mở rộng thị trường, ứng dụng KH-CN vào sản xuất để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thế giới chạy đua ứng phó

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gọi quyết định của Mỹ là "cú đấm mạnh vào kinh tế toàn cầu" và sẽ kích hoạt làn sóng bảo hộ mậu dịch. "Chúng tôi đang hoàn tất gói ứng phó đầu tiên để đáp trả thuế áp vào mặt hàng thép. Và giờ đây chúng tôi chuẩn bị cho các biện pháp tăng cường đối phó, nhằm bảo vệ lợi ích và hoạt động kinh doanh nếu đàm phán thất bại", Reuters dẫn lời bà von der Leyen.

Toàn cầu dậy sóng vì lệnh áp thuế của Mỹ- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia Mỹ, việc áp thuế đối ứng cao sẽ gây hại cho nền kinh tế Mỹ lẫn toàn cầu

ẢNH: ĐỘC LẬP

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết đã hủy toàn bộ lịch trình trong ngày 3.4 để tập trung vào nỗ lực ứng phó quyết định mới của Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định rằng quyết định của Tổng thống Trump "đã sai lầm về cơ bản" nhưng châu Âu sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách chấm dứt cuộc thương chiến đang diễn ra theo chiều hướng xấu đi. "Đó là đòn tấn công vào trật tự thương mại vốn tạo nên sự thịnh vượng cho toàn cầu, một trật tự thương mại về cơ bản là kết quả của những nỗ lực từ Mỹ", Reuters dẫn lời Thủ tướng Scholz tại cuộc họp báo. Trong khi đó, Pháp và EU tuyên bố "sẵn sàng cho thương chiến" và có kế hoạch đáp trả Mỹ.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng phản đối động thái của Mỹ và sẽ thi hành những biện pháp đối phó thích hợp. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cảnh báo thuế quan từ Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đáng kể cho quan hệ kinh tế song phương và thúc giục Nhà Trắng rà soát lại việc áp dụng những biện pháp này.

Toàn cầu dậy sóng vì lệnh áp thuế của Mỹ- Ảnh 3.

Nhiều hàng hóa của VN sẽ bị áp thuế đối ứng cao đến 46% khi xuất khẩu vào Mỹ

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo lập tức chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp các DN bị ảnh hưởng bởi thuế quan mới của Mỹ. Ông Han yêu cầu Bộ Công nghiệp Hàn Quốc phân tích nội dung thuế quan và chủ động đàm phán với Washington để giảm tác động xuống mức tối thiểu. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho hay Úc sẽ tìm cách thương thuyết với Mỹ để dỡ bỏ thuế quan mà không cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định Tự do thương mại (FTA) song phương.

Tại Mỹ La tinh, Brazil hôm qua cho biết đang đánh giá mọi hành động có thể trước động thái mới từ Mỹ, bao gồm khả năng nhờ sự can thiệp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trước đó trong ngày, Quốc hội Brazil thông qua luật thiết lập cơ chế pháp lý để chính quyền Brasilia đáp trả các biện pháp thương mại đơn phương nhằm vào hàng hóa và dịch vụ của nước này. Đồng minh Mỹ ở Trung Đông là Israel cũng bắt đầu hành động nhằm bảo vệ nền kinh tế trước mức thuế quan 17% từ Mỹ.

VN thành lập tổ phản ứng nhanh

Ngay sau khi Chính phủ Mỹ công bố áp thuế đối ứng với 25 nước, trong đó VN bị áp mức thuế 46%, sáng qua 3.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận giải pháp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt, khó đoán định hơn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua khó khăn và yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các DN, trong đó có các DN xuất khẩu lớn.

Thủ tướng cho rằng đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào KH-CN, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.

"Quyết định áp thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu nông sản của VN sang Mỹ, nhưng chúng ta phải chủ động mở rộng thị trường, ứng dụng KH-CN vào sản xuất để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh", Thủ tướng chỉ đạo.

Chia sẻ với báo chí hôm qua, Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 62 tỉ USD. Trong đó, thị trường Mỹ đạt 13,8 tỉ USD, là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai, đạt 13,6 tỉ USD.

"Mỹ áp thuế đối ứng 46% thì nông sản sẽ chịu sự ảnh hưởng, tuy nhiên phải "dĩ bất biến ứng vạn biến". Chúng ta sẽ tập trung cho chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành để cạnh tranh với thị trường khác", ông Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Tiến, ngoài thị trường Mỹ, VN phải mở rộng thị trường xuất khẩu. Gần VN là Trung Quốc với hơn 1,4 tỉ dân, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và còn rất nhiều mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu.

"Chúng ta phải tính toán các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và châu Âu vì đây là những thị trường lớn, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành", ông Tiến nói.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ VN tại Mỹ, trong bối cảnh hiện nay, VN cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như: Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA); Hiệp định thương mại song phương (BTA); cụ thể hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu của VN. Cạnh đó, VN cần thu hút DN Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược của Mỹ mà VN có nhu cầu; kiểm soát chiến lược kinh doanh khi xuất khẩu sang Mỹ để tránh tăng đột biến. VN cũng cần có giải pháp khai thác hiệu quả, tận dụng các FTA đã ký kết với các nước để đa dạng hóa thị trường, tạo đà và động lực tăng trưởng xuất khẩu.

Làm rõ căn cứ Mỹ áp thuế đối ứng 46%

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2025 của Bộ Tài chính chiều 3.4, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết mức thuế đối ứng 46% của Mỹ với VN cao hơn rất nhiều so với thuế suất hiện hành với hàng Việt xuất khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành sản xuất của VN, đặc biệt là những nhóm hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn như linh kiện, thiết bị điện tử, nông sản, dệt may, da giày…

Theo ông Tuấn, chiếu vào con số tính toán được Mỹ công bố, cần làm rõ cơ sở căn cứ gì mà Mỹ đưa ra số thuế đối ứng 90% và mức áp dụng với hàng hóa VN là 46%. "Đọc các báo cáo gần đây của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, họ nói rõ, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang VN đang chịu mức thuế 15% hoặc thấp hơn. Mặt bằng thuế quan đang thấp hơn nhiều so với mức 90% thuế đối ứng Mỹ đã tính toán và cả mức thuế suất 46% mà Mỹ áp dụng với VN. Cần tính toán, ngoài yếu tố về thuế, có yếu tố, lý do gì khiến phía Mỹ cân nhắc đưa vào tính toán để cho ra các con số như trên, từ đó có giải pháp phù hợp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm để tham mưu về giải pháp phù hợp trong thời gian tới", ông Tuấn cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói: "VN đã chủ động rà soát, hướng tới cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Ta sẽ kiên trì trong trao đổi với đối tác thương mại Mỹ, hướng tới cân bằng thương mại theo nghĩa phát triển để người tiêu dùng hai nước đều được hưởng lợi. Chúng ta tin tưởng, mức thuế công bố của chính quyền Mỹ là mức tối đa, mức cụ thể sẽ còn được xem xét. Hy vọng với thông tin trao đổi, phía Mỹ sẽ lắng nghe, có những bước đi phù hợp".

Đan Thanh


Bình luận (1)

avatar-user
hiep nguyen

Bất cứ quốc gia nào trên thế giới áp đặt chính sách bảo hộ ưu tiên, thuế quan cao và cân bằng thương mại vô lý chỉ mang đến nạn lạm phát cao, thất nghiệp tăng , GDP giảm và kinh tế suy yếu. Vì tất cả các nước trên thế giới đều có chiến lược, phương sách và hướng đi riêng như phát triển kinh tế nội địa ( hàng Việt Nam), thị trường mới và tiềm năng và kết nối liên doanh để tất cả đều hưởng lợi. Không có một quốc gia nào trên thế giới xuất khẩu mà không có lợi, không mang về doanh thu để trang trải chi phí cho việc kinh doanh dù nhỏ hay lớn. Việt nam có đầy đủ nguồn lợi thiên nhiên, có năng sức lao động cao và giá thấp và Chính phủ hổ trợ tối đa thì sẻ không bị ảnh hưởng nhiều khi một quốc gia áp thế cao để hưởng lợi không công bằng.

Trả lời 0 6 ngày trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.