Chủ đề của hội nghị năm nay là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng cho rằng thực tế lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa, thì đó vẫn là xu thế tất yếu. Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.
Trong xu thế đó, châu Á - châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm - đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa, với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ phóng tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế. Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á. Đứng trước thách thức đó, châu Á cần thực hiện 3 nhóm biện pháp.
Thứ nhất, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc. Tập trung giải quyết các khác biệt nội tại khu vực và hành xử có trách nhiệm của các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ hai, giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế; kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa hiện tại và các giá trị lịch sử, giữa hiện đại và truyền thống, giữa chủ nghĩa toàn cầu và bản sắc dân tộc, bảo toàn sự đa dạng văn hóa.
Thứ ba, tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)...
Tại hội nghị, Thủ tướng đã nêu một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của VN. Thủ tướng nhấn mạnh, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, VN quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp, với những định hướng lớn như kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu.
Thủ tướng cũng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc tìm ra một phương thức tốt nhất để cùng phát triển, cùng có lợi khi Mỹ rút khỏi TPP; về Cộng đồng kinh tế ASEAN; về chiến lược phát triển bền vững của VN, trong đó vấn đề môi trường đặt ra hàng đầu với chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu khói bụi từ ô tô và
mô tô... Trả lời câu hỏi của người điều hành hội nghị về kết quả hội đàm giữa Thủ tướng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có nội dung về tự do hàng hải, an ninh trên biển, Thủ tướng cho biết đây là chuyến thăm thành công, hai bên đã bàn những vấn đề về thương mại hết sức thú vị, thống nhất cao rằng xuất nhập khẩu giữa Mỹ và VN là có lợi cho hai bên. Hai bên đã trao đổi về vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, thống nhất cần giải quyết vấn đề Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị, tự do hàng không, hàng hải.
Thủ tướng hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, chiều 5.6, tại trụ sở quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori.
Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định VN luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác chân thành, tin cậy cao, toàn diện, thực chất với Nhật Bản, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Thủ tướng đề nghị Hạ viện Nhật Bản quan tâm thúc đẩy giao lưu, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm giữa quốc hội hai nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; ủng hộ Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho VN tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trọng điểm quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động, ủng hộ tăng cường hợp tác địa phương giữa hai nước; ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN và VN về vấn đề Biển Đông...
Chủ tịch Hạ viện Oshima Tadamori khẳng định coi trọng quan hệ với VN và mong muốn thúc đẩy quan hệ VN -Nhật Bản phát triển toàn diện, mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; nhất trí cho rằng việc hai nước tăng cường hợp tác và giao lưu giữa các ủy ban chuyên môn, giữa các nghị sĩ trẻ của quốc hội hai nước sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau và khẳng định quốc hội và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - VN ủng hộ và sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động trọng thể kỷ niệm 45 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2018.
TTXVN
|
Bình luận (0)