Toán học Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số lượng công bố trên tạp chí uy tín

Quý Hiên
Quý Hiên
01/01/2019 09:24 GMT+7

Toán học Việt Nam nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín là thông tin vừa được đưa ra bởi nhóm S4VN trên trang của nhóm sáng nay, 1.1.

Toán học Việt Nam vượt Singapore hơn 10 bậc
Lúc 6 giờ 30 sáng nay, 1.1, ngày đầu tiên của năm mới 2019, nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam Scientometrics for Vietnam, viết tắt là S4VN, đã giới thiệu báo cáo của nhóm về kết quả công bố quốc tế trên các tạp chí ISI (là những tạp chí quốc tế có uy tín) của ngành toán Việt Nam, về số lượng và chất lượng, trong mối tương quan với các nước ASEAN từ năm 2010 đến nay.
Theo báo cáo này, số lượng công bố ISI của ngành toán học Việt Nam trong năm 2018 (tính đến 28.10) xếp thứ 32 trên thế giới (304 bài), dẫn đầu các nước ASEAN, bỏ xa nước thứ 2 (là Singapore, 196 bài) khoảng hơn chục bậc. Năm 2017, Việt Nam đạt vị trí 31 với 368 bài, trong khi đó Singapore đạt vị trí 46 với 190 bài.
so-sanh-toan-VN-ASEAN
Vị trí xếp hạng thế giới về số lượng công bố ISI ngành toán của Việt Nam và các nước ASEAN Ảnh Quý Hiên (chụp lại tài liệu)
Điều đáng chú ý, Việt Nam đã liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay, mặc dù trước đó vị trí này liên tục thuộc về Singapore.
so-sanh-toan-VN-ASEAN
Số lượng công bố ISI ngành toán các nước ASEAN Quý Hiên (chụp lại tài liệu)
Về số lượt trích dẫn, từ 2015 đến nay, Việt Nam cũng đã vượt Singapore về số lượt trích dẫn tới các công bố ISI này.
Ví dụ, năm 2015 các bài báo ISI của Việt Nam có 763 trích dẫn, còn Singapore là 698. Năm 2016, Việt Nam có 665 trích dẫn, Singapore là 539 trích dẫn. Năm 2017, Việt Nam có 424 trích dẫn, Singapore 225 trích dẫn. Theo giải thích của các nhà chuyên môn, theo thời gian, số trích dẫn một công bố tăng dần lên.
so-sanh-toan-VN-ASEAN
Số lượt trích dẫn của các công bố ISI ngành toán các nước ASEAN Quý Hiên (chụp lại tài liệu)
Các lĩnh vực khoa học Việt Nam đều tăng trưởng
Bắt đầu từ tháng 11.2018, nhóm S4VN đã lần lượt trình bày các báo cáo kết quả công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong mối tương quan với các nước ASEAN.
Theo các báo cáo này, ngành vật lý Việt Nam hiện đang đứng thứ tư tại ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Vị trí của ngành vật lý Việt Nam trên thế giới, tính theo số lượng công bố ISI, trong các năm 2014 - 2017 ở vào khoảng 56 - 58. Năm 2018, tính đến 28.18, vị trí của ngành vật lý Việt Nam là 46, vượt qua Thái Lan (đang ở vị trí thứ 51).
so-sanh-toan-VN-ASEAN
Vị trí xếp hạng thế giới theo số công bố ISI ngành vật lý các nước ASEAN Ảnh Quý Hiên (chụp lại tài liệu)
Trong các lĩnh vực khoa học nói chung, Việt Nam vươn từ vị trí 55 năm 2013 lên vị trí 51 năm 2017 và năm 2018, tính tới 28.10, đang ở vị trí 46. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan, tính theo số công bố ISI về khoa học và công nghệ.
Trong các các ngành kỹ thuật, Việt Nam cũng có những tiến bộ vượt bậc, từ vị trí 57 năm 2013 lên vị trí 48 năm 2017 và năm 2018, tính tới 28.10, Việt Nam đang ở vị trí 40. Tính theo số lượng công bố ISI phân ngành kỹ thuật, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, Việt Nam cũng có những tăng trưởng đáng kể, tính theo số lượng công bố ISI, từ vị trí thứ 65 năm 2013 lên vị trí thứ 58 năm 2017 và năm 2018 hiện đang ở vị trí thứ 46.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Trần Danh Nhân, đại diện nhóm S4VN, cho biết nhóm chọn công bố kết quả của ngành toán vào ngày đầu tiên của năm mới với những thông tin rất tích cực như là món quà đầu năm dương lịch dành cho các nhà khoa học Việt Nam. 
S4VN là dự án của một số nhà khoa học trẻ đến từ các đơn vị đào tạo khác nhau trong nước nhằm cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Hiện tại, dữ liệu của dự án được khai thác chủ yếu từ nguồn dữ liệu thuộc Web of Science do Viện Thông tin khoa học (Institute of Scientific Information - ISI) cung cấp.
Mục tiêu của S4VN là góp phần minh bạch hoá kết quả hoạt động khoa học tại Việt Nam thông qua việc cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy và có khả năng đối sánh cao, hướng đến đối tượng độc giả là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học, và những người quan tâm đến lĩnh vực trắc lượng khoa học nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.