Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và những câu chuyện về 'bàn đạp thuộc địa'

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
13/05/2021 12:35 GMT+7

Toàn quyền Paul Doumer (1857-1932) từng được nhà sử học Georges Taboulet xem là “người kiến tạo của Đông Dương thuộc Pháp.” Ông là Toàn quyền Đông Dương hiếm hoi tại vị suốt nhiệm kỳ 5 năm.

Cuốn sách Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn đạp thuộc địa của Amaury Lorin (Nguyễn Văn Trường dịch, Omega+ và NXB Thế giới ấn hành) kể về nhân vật Paul Doumer (1857-1932), về Đông Dương và bàn đạp thuộc địa để sau đó khi về Pháp ông lần lượt làm Chủ tịch Hạ viện (1925-1926), Chủ tịch Thượng viện (1927-1931) trước khi lên đến tột đỉnh vinh quang là trở thành Tổng thống Pháp năm 1931.

Con người của những điều đặc biệt

Chán chường với chính sách nhu nhược do Tổng thống Thiers chủ trương,  Thủ tướng Pháp Jules Férry khi đó hiểu rằng nước Pháp phải hướng ra những chân trời khác. Ông đọc một bài diễn văn hùng hồn tại Hạ viện vào ngày 28.7.1885, trình bày những lý do và lợi ích, đồng thời biện hộ cho chính sách mở rộng ra bên ngoài mà ông muốn lôi kéo nước Pháp đi theo: “Chính ở ngoài xa đó là nơi những sức mạnh tiềm tàng của quốc gia đang bắt đầu bị những ranh giới hạn hẹp của Hiệp ước Francfort kìm nén, sẽ có khả năng thực sự mở rộng. [...] Để tiếp tục là một quốc gia lớn hay để trở thành một quốc gia lớn, một dân tộc phải chinh phục thuộc địa. [...] Chúng ta không thể là một quốc gia lớn nếu cứ khư khư thu mình trong góc nhà”.

Giàn giáo thi công cầu Paul Doumer

Ảnh: Le Génie civil (Tạp chí Kỹ thuật Dân dụng), số ra ngày 3-4-1909

Sau thời Tổng trú sứ Paul Bert (1886), có khoảng mười viên chức cấp cao liên tục nối tiếp nhau giữ vị trí quyền lực nhất Đông Dương, trong đó Paul Doumer có thời gian cai trị khá dài, đây là một điều mới mẻ. Thực vậy, cho tới lúc đó ngoài Lanessan là một trường hợp ngoại lệ tại vị được ba năm rưỡi thì nhìn chung tất cả các vị Toàn quyền không đảm trách nhiệm vụ của mình nhiều hơn hai năm. Nhìn xuyên suốt lịch sử, chỉ có vài cái tên tại vị suốt nhiệm kỳ: Paul Doumer, Paul Beau, Pierre Pasquier và Jean Decoux, thêm Albert Sarraut cũng được 5 năm nhưng kéo dài qua 2 nhiệm kỳ. Paul Doumer là người đầu tiên.
Doumer là con người chính trị, có quan hệ gần gũi với giới kinh doanh. Trước khi qua Đông Dương đảm nhận chức Toàn quyền năm 1897, ông từng kinh qua vai trò Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp từ 1895 đến 1896. Có được khoảng thời gian cai trị 5 năm đủ dài để thực hiện các dự án của mình, cộng thêm nhiều lần đi thực địa ở Đông Dương để trực tiếp quan sát và đánh giá tình hình, ông có đủ các điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt công việc chính phủ giao: cải thiện tình hình tài chính ở Đông Dương và biến nơi này thành thuộc địa “sinh lời” cho nước Pháp.
Làm việc cần mẫn, thái độ nghiêm túc của kiểu người bất chấp mọi sự chế nhạo, cùng với năng lực trí tuệ làm bệ đỡ cho một hoài bão lớn lao đã mang đến cho Paul Doumer những thành công bước đầu. Trong chuỗi kế hoạch, Doumer cho thành lập ba ty để thu thuế thuốc phiện, rượu gạo và muối. Nguồn thu này mang lại khoản thu nhập lớn cho chính quyền thuộc địa, qua đó giúp ông bắt tay thực hiện các chương trình quan trọng khác: xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương nhằm phát triển kinh tế và hỗ trợ cho việc cai trị toàn Liên bang Đông Dương; xây dựng cầu Paul Doumer (nay gọi là cầu Long Biên) và nhiều công trình khác như: Trường Viễn Đông Bác cổ, các Nha, Trường Y, Đài Thiên văn, Trạm quan trắc khí tượng ở Đà Lạt...
Qua cuốn sách, Amaury Lorin cố gắng đánh giá đúng và làm sáng tỏ vai trò lịch sử của một cá nhân, một con người mạnh mẽ là Paul Doumer, đánh giá sao cho sát nhất với cá tính phức tạp, với những góc cạnh đầy mâu thuẫn trên nền tảng của một kế hoạch tập thể đặc biệt: kế hoạch khai thác thuộc địa Đông Dương của Pháp vào cuối thế kỷ 19.

Bản vẽ thiết kế cầu Paul Doumer trên sông Hồng (Hà Nội)

Ảnh: Le Génie Civil (Tạp chí Kỹ thuật Dân dụng), số ra ngày 24.4.1909

Từ nhiều nguồn tài liệu sơ cấp và thứ cấp, Amaury Lorin đã làm sáng tỏ cuộc đời một con người đầy mưu lược, gan góc, ngông cuồng một cách có chủ trương. Ít nhất, qua cuốn sách có lẽ là duy nhất viết về Paul Doumer cho đến lúc này, Lorin sẽ giải đáp ba câu hỏi: 1) Paul Doumer ở đâu trong lịch sử nước Pháp hiện đại và trong đời sống văn hóa - chính trị hiện nay? 2) Paul Doumer là Toàn quyền Đông Dương hiếm hoi tại vị suốt nhiệm kỳ 5 năm, đâu là nguyên nhân: thời cuộc, tính cách, năng lực, mưu lược, may mắn…? 3) Paul Doumer là tổng công trình sư của những dự án đường sắt xuyên Đông Dương, người xây dựng những cây cầu kỳ vĩ (Long Biên, Trường Tiền, Bình Lợi)...
Đó phải chăng là thành tựu lớn nhất mà Paul Doumer để lại ở Đông Dương, hay là những di sản/thiết chế văn hóa - giáo dục: trường Viễn Đông Bác cổ, Đại học Y Hà Nội…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.