Tộc người Chứt dưới đỉnh Giăng Màn

Phạm Đức
Phạm Đức
05/03/2021 05:59 GMT+7

Dưới đỉnh núi Giăng Màn, bản Rào Tre của tộc người Chứt với mấy chục nóc nhà sàn quây quần tựa lưng vào núi.

Kể từ ngày được Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đưa ra đây, cuộc sống của 43 hộ dân với 152 nhân khẩu đang đổi thay từng ngày.
Khu rừng sâu phía tây của dãy núi Giăng Màn ở H.Hương Khê (Hà Tĩnh) là nơi Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện tộc người Chứt. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, tộc người này dựng lán, sinh tồn bằng săn bắt và hái lượm. Sau nhiều nỗ lực vận động của các chiến sĩ mang quân hàm xanh, tộc người này cũng đồng ý ra khỏi rừng sâu, về sinh sống tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) từ năm 1991 cho đến bây giờ.

Anh Lê Xuân Công là người Kinh đầu tiên lấy vợ người Chứt

Ảnh: Phạm Đức

Con ma rừng đã chết

Trung tá Nguyễn Đình Thiên, cán bộ Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh), bảo suốt 3 thập niên qua, đơn vị của anh được cấp trên giao “coi sóc” tộc người Chứt. Từ việc dạy bà con dân bản xóa mù chữ, đến hướng dẫn cách trồng trọt và chăn nuôi.
“Cùng với các chính sách đặc biệt hỗ trợ của nhà nước, đời sống của bà con dân bản được nâng cao, trẻ em trong bản được học hành và những hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ. Cuộc sống của người Chứt giờ đã văn minh hơn nhiều rồi”, trung tá Thiên khẳng định khi dẫn tôi đi thăm bản Rào Tre lúc giữa trưa.
Thấy vợ chồng ông Hồ Phượng ngồi bó gối ăn cơm trong góc bếp dưới ngôi nhà bằng bê tông kiên cố, chúng tôi ghé vào hỏi chuyện. Nhớ lại hồi còn sống trong rừng sâu, người đàn ông có gương mặt đen sạm này trầm ngâm một lúc, rồi kể: “Hồi đó khổ lắm! Tộc ta không có nhà ở, cơm ăn và quần áo mặc đầy đủ như bây giờ đâu. Cả bốn mùa, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy kết từ lá hoặc vỏ cây rừng. Sống cầm cự bằng củ khoai, củ mài. Hôm nào bắt được con chuột, con dúi thì cái bụng mới êm. Hoàn toàn không biết chữ. Còn chuyện ốm đau thì nhờ thầy mo cúng con ma rừng. Nhưng người bệnh cũng chết vì con ma rừng bắt đi”.
Ngồi kế bên chồng, bà Hồ Sen tiếp lời, bảo ám ảnh nhất của phụ nữ trong bản hồi trước là tập tục sinh con ngoài bờ suối. Bà nói rằng ngày trước phụ nữ sinh con phải ra bờ suối dựng lán, tự vượt cạn. Nhất quyết không được sinh con tại nhà vì như vậy sẽ mang điều xui xẻo cho cả tộc. Cô độc và thiếu thốn khiến những đứa trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh. “Trong bản ta có bà Hồ Lành bị chết đến 3 đứa con do đẻ ngoài bờ suối. Mặc dù trong lúc nguy cấp, gia đình đã mời thầy mo nhưng chẳng cứu được. Mỗi lần có người chết, thầy mo lại bảo họ bị con ma rừng tha đi. Nếu bình an vô sự, bà Lành đã có đến 10 đứa con rồi”, bà Sen rùng mình.
Hồi đầu ra sống ở bản Rào Tre, người Chứt vẫn giữ hủ tục sinh con đầy oan nghiệt này. Cũng vì tuân theo mà ở lần chuyển dạ thứ 4, bà Hồ Thị Linh cùng đứa con trong bụng suýt chết. “Hôm đó ta chuyển dạ, vì mang thai ngược nên đẻ mãi không được. Đến khi kiệt sức, gia đình đi mời ông Hồ Phúc là thầy mo trong bản đến cúng. Hay tin ta nguy kịch, mấy chú bộ đội biên phòng đến đưa đi bệnh viện. Bác sĩ bảo nếu chậm thêm tí nữa là hai mẹ con ta chết rồi”, bà Linh nói, nét kinh hãi hiện lên trên khuôn mặt.
Theo bà Linh, sau những lần chứng kiến người bệnh nặng được các bác sĩ chữa khỏi, người Chứt mới không còn tin vào con ma rừng và thầy mo như trước đây nữa. Bây giờ, hễ ốm đau, bà con dân bản đều tìm đến thầy thuốc quân y cắm bản, gặp bệnh nặng thì nhờ các chú biên phòng chở đi bệnh viện. Vậy nên, giờ thầy mo Hồ Phúc cũng bị mất nghề. Khi chúng tôi tìm gặp, hỏi han cuộc sống, ông này nói: “Dân bản giờ không tin ta nữa, chỉ tin bác sĩ thôi. Ta bị mất nghề rồi. Con ma rừng cũng đã chết ngoài bờ suối rồi”.
Tộc người Chứt dưới đỉnh Giăng Màn

Bà Hồ Thị Linh kể với trung tá Nguyễn Đình Thiên về hủ tục sinh con ngoài bờ suối

Ảnh: Phạm Đức

Những đám cưới xé toang hủ tục

Hồi còn ở trong rừng sâu, những cặp vợ chồng của người Chứt hầu hết có chung huyết thống. Hệ quả của hôn nhân cận huyết đã khiến những đứa trẻ sinh ra bị dị tật tay chân hoặc phát triển kém. Tộc người này đứng trước nguy cơ bị suy thoái giống nòi.
Trung tá Nguyễn Đình Thiên cho hay tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một đề án phát triển tộc người Chứt, trong đó chú trọng việc dựng vợ, gả chồng cho các bạn trẻ. Các chiến sĩ trong Tổ công tác cắm bản Rào Tre và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã cùng nhau phối hợp, thường xuyên tổ chức cho thanh niên người Chứt giao lưu với thanh niên các dân tộc khác. Thông qua các buổi trò chuyện, tình yêu của những chàng trai, cô gái giữa các dân tộc dần nảy sinh. “Chúng tôi hứa đứng ra lo trọn gói đám cưới cho những ai lấy người Chứt làm vợ hoặc chồng”, trung tá Thiên nói.
Năm 2015, đám cưới xé toang hủ tục đầu tiên đã được diễn ra, giữa cô gái người Chứt với chàng trai người Kinh. Giữ đúng lời hứa, đám cưới của chị Hồ Thị Mai (25 tuổi) và anh Lê Xuân Công (29 tuổi, ngụ xã Phúc Đồng, H.Hương Khê) được Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh lo liệu.
Tộc người Chứt dưới đỉnh Giăng Màn

Tộc người Chứt bây giờ đã biết trồng rau để cải thiện bữa ăn

Ảnh: Phạm Đức

Tâm sự với chúng tôi, anh Công nói rằng quyết định kết hôn với vợ người dân tộc thiểu số khiến anh gặp nhiều cản trở từ gia đình. Nhưng tình yêu đối với người vợ lớn hơn tất cả, giúp anh vượt qua. Gia đình anh sau đó cũng thuận chiều. “Nhờ bộ đội biên phòng giúp đỡ mà đám cưới của vợ chồng em diễn ra tốt đẹp. Bây giờ, vợ chồng em sống rất hạnh phúc với con trai 5 tuổi. Các chú bộ đội còn xây cho vợ chồng ngôi nhà sàn kiên cố để ở nữa. Chúng em không biết lấy gì báo đáp ơn nghĩa này”, anh Công cảm kích.
Đến nay, ngoài vợ chồng anh Công, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tác hợp, tổ chức đám cưới cho 6 cặp đôi khác giữa người Chứt ở Rào Tre với người Mã Liềng, người Kinh ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Cần tạo sinh kế cho người Chứt

Đối với đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre bây giờ như một vùng đất hứa vì cuộc sống của họ được nâng lên và thay đổi theo hướng tích cực rõ rệt. Tuy vậy, thu nhập của tộc người này vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu công ăn việc làm ổn định.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre, bày tỏ sự lo lắng: “Bà con trong bản lâu nay chủ yếu vào rừng khai thác lâm sản, số ít người trẻ thì ngược xuôi bắc nam làm thuê. Thu nhập bấp bênh, không ổn định. Cả bản mới chỉ có được 5 hộ thoát nghèo. Người dân cần được nhà nước giao rừng sản xuất và hỗ trợ con giống để ổn định cuộc sống, không phải tha phương kiếm sống như hiện tại”.
Theo trung tá Tịnh, bản Rào Tre hiện có 54 em đang độ tuổi học sinh, trong đó có khoảng 10 em đang học cấp 3. Hiện đơn vị đang nhận nuôi 4 cháu có gia cảnh khó khăn, gồm 3 cháu lớp 6 và 1 cháu lớp 5. Để khơi dậy phong trào học tập cho các em, cũng cần có chính sách tạo việc làm trong các cơ quan nhà nước cho các em này sau khi rời giảng đường cao đẳng hoặc đại học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.