Sau đây là những điều bạn có thể không biết làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo Hindustan Times.
Không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như nhau và một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác |
Shutterstock |
Mặc dù bạn không thể thay đổi các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường liên quan đến tiền sử gia đình, tuổi tác, hoặc chủng tộc, nhưng bạn có thể tránh một số yếu tố nguy cơ bằng cách duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất, nhà giáo dục về bệnh tiểu đường nổi tiếng của Ấn Độ, chuyên gia dinh dưỡng Karishma Shah, nói.
Sau đây là những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Lối sống không hoạt động
Không hoạt động và thừa cân đi đôi với bệnh tiểu đường. Có thể giảm đề kháng insulin bằng cách tập thể dục.
Thói quen ăn uống không lành mạnh
Nhiều người vẫn nghĩ rằng ăn nhiều đường và chất đường bột carbohydrate (carbs) thì mới dễ bị tiểu đường.
Nhưng thực tế, quá nhiều chất béo trong chế độ ăn uống, không đủ chất xơ và quá nhiều carbs đơn đều góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường, theo Hindustan Times.
Lịch sử gia đình và di truyền
Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Huyết áp và cholesterol cao
Điều ít ai ngờ là huyết áp và cholesterol cao không chỉ làm tổn thương mạch máu mà còn là 2 thành phần quan trọng trong hội chứng chuyển hóa. Mắc hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và cả bệnh tiểu đường, theo Hindustan Times.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, mức cholesterol "xấu" LDL cao là một yếu tố nguy cơ khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu kém. Ngoài ra, mức cholesterol "tốt" HDL thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, theo hãng tin Insider.
Mức cholesterol "xấu" LDL cao cũng là một yếu tố nguy cơ khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu kém |
Shutterstock |
Tiền sử bệnh tiểu đường thai kỳ
Khi mang thai, một số phu nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người có tiền sử bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường sau này.
Hút thuốc
Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Theo các nghiên cứu, hút thuốc có thể khiến cơ thể kháng insulin cao hơn. Ngay cả khi chưa mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc có thể làm giảm việc kiểm soát lượng đường trong máu, theo Insider.
Một số loại thuốc
Theo cơ sở dữ liệu thuốc của Mỹ GlobalRPH, thuốc steroid, thuốc chống ADHD, thuốc chống tâm thần, một số loại thuốc điều trị hen suyễn và các loại thuốc khác có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Căng thẳng mạn tính
Căng thẳng kéo dài về tinh thần hoặc thể chất có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Trung tâm giảng dạy về bệnh tiểu đường tại Đại học San Francisco (Mỹ) lưu ý: Căng thẳng có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên và khó kiểm soát hơn. Khi căng thẳng mạn tính, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể cao hơn, theo Insider.
Bình luận (0)