(TNO) Tại New York (Mỹ), rất nhiều nhà hoạt động đã từng là và vẫn là hippie, nhưng hồi đó tôi không biết hippie là gì, tôi chỉ biết mình là một 'social activist' nho nhỏ đang chập chững học đi.
Tôi đi tham quan tòa nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc
|
Giữa năm 2010, 21 tuổi, tôi xuất ngoại một mình lần đầu tiên, đích đến là thành phố New York nổi tiếng của nước Mỹ. Gia đình tôi thuộc dạng trung trung, bố mẹ đều làm công nhân viên bình thường, tôi học tiểu học ở trường làng, lớn lên đến lớp cũng nhiều khi ngủ gật… Nói chung từ trước đến lúc đó chưa bao giờ được đi Thái Lan chơi, chưa bao giờ mơ mộng du học, thế mà giờ được qua Mỹ! Cụm từ New York, USA nghe kêu thật là kêu. Chưa hết, lý do được đi là vì tôi thi trầy trật được cái fellowship (thực tập viên hưởng lương và được bao ăn ở đi lại) của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) có trụ sở tại New York, trao cho 6 người trên toàn thế giới chọn ra từ hơn 1.100 người. Tôi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đoạt giải từ trước đến nay, khuôn mặt non nớt giọng nói run run đi xin visa G4 tiêu chuẩn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc không phải xếp hàng và không cần phỏng vấn. Chân ướt chân ráo bước ra từ những chiều đá bóng với tụi hàng xóm ở mảnh ruộng rau muống sau nhà, tôi xách túi leo lên máy bay đi Mỹ - vừa sướng hoan hỉ vừa lo là đến làm họ nói mình không hiểu gì thì hỏng.
Đợt đó 5 người bạn còn lại cũng được giải cùng tôi gồm 2 bạn nữ người Fiji và Ecuador, và 3 bạn nam người Ukraine, Lebanon và Togo. Cả nhóm được sắp xếp ở tại International House, gần trường Đại học Colombia. Cái nhà này gần như là ký túc xá, nhưng là kiểu “dân lập”, có tới hơn 700 bạn trẻ sống ở đây, nhiều người học Đại học Colombia, học Đại học New York (NYU), nhiều người làm cho các tổ chức phi chính phủ, cho Liên Hiệp Quốc… Một tập thể hết sức thú vị, tràn đầy trí tuệ và năng lượng.
Về công việc, bên Quỹ họ cho từng phòng ban tới giới thiệu với chúng tôi công việc họ đang làm, và họ cần người như thế nào, chúng tôi được phép chọn bất cứ mảng nào mình thích. Tôi làm một nghiên cứu về tình trạng sức khỏe và nhân quyền của gái mại dâm tại châu Á - Thái Bình Dương; sau đó tự mình phải đi các hội thảo về vấn đề gái mại dâm do Liên Hiệp Quốc và chính phủ các nước tổ chức. Khi ở Việt Nam tôi đã làm một vài nghiên cứu và hoạt động liên quan tới Phòng chống HIV/AIDS và quyền phụ nữ, bình đẳng giới, nhưng tới khi ở Mỹ mới được học từ social activist, để chỉ những người như mình. Social activist là một người làm việc đấu tranh bảo vệ/chống lại một điều gì đó trong xã hội, ví dụ như đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc, đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em… Rất nhiều social activist đã từng là và vẫn là hippie, nhưng hồi đó tôi không biết hippie là gì, tôi chỉ biết mình là một social activist nho nhỏ đang chập chững học đi.
Sống một thời gian, tôi bắt đầu chơi thân với Kalindy - cô bạn từ Ecuador hơn tôi 2 tuổi, và Wissam - một bạn nam từ Lebanon bằng tuổi. Wissam là người đồng tính, xã hội Lebanon rất kỳ thị người đồng tính nên trên đất New York, Wissam cuối cùng cũng được thoải mái thể hiện con người thật của mình. Cậu ấy cực yêu đời, luôn ca hát nhảy múa. Tôi nhớ có lần trên tàu điện ngầm có một cô bé con ngồi xe nôi đang khóc, Wissam với bản tính yêu trẻ nhỏ và nhiệt tình vui vẻ đã múa hát tặng cô bé. Mới hát được vài câu đầy cảm xúc, mẹ cô bé tròn mắt nhìn Wissam xua tay: “Thôi bạn ơi! Bạn hát thế này tôi cũng muốn khóc luôn!”. Từ hôm đó phải mất vài ngày cậu bạn này mới nguôi ngoai để bắt đầu hát lại giữa đám đông, đa phần ở trạm xe, công viên, trong siêu thị, hoặc trên đường đi bộ về vừa nhảy vừa hát.
Tôi và Wissam đi Gay Pride - buổi diễu hành ủng hộ quyền của người đồng tính
|
Kalindy tới New York với chồng và con gái Violetta mới 11 tháng tuổi. Gọi là chồng nhưng Jorge và Kalindy sống với nhau nhiều năm mà chưa kết hôn. Hai bạn đều không tin vào hôn nhân, cho rằng nó là sự ràng buộc không cần thiết mà chỉ là hình thức thủ tục. Violetta là con gái của họ, cô bé xinh như một thiên thần, lúc nào cũng cười tươi rói như hoa. Họ quả là một gia đình “không chính thức” hết sức hạnh phúc và có một chút “kỳ quặc”. Cả Jorge và Kalindy đều làm trong lĩnh vực bình đẳng giới nên hai bạn chia nhau mỗi người trông con một cuối tuần để người kia được đi chơi thoải mái tự do với bạn bè của mình. Kalindy đã là thủ lĩnh nhiều năm trong một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi thân thể của phụ nữ, bản thân cô ấy đã nhiều lần đi biểu tình khỏa thân với các hình vẽ và chữ viết trên cơ thể đòi cơ quan chính quyền phải quan tâm bảo vệ quyền của phụ nữ hơn.
Kalindy, Violetta - con gái cô ấy, và tôi
|
Ba chúng tôi đã có rất nhiều ngày ngồi bên nhau tranh luận về chính trị, xã hội, văn hóa và cả những chuyện hôm nay ăn gì đi chơi đâu. Họ là những con người cực kỳ mạnh mẽ và thông minh, bám sát con đường đi của mình và đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng hơn.
Tôi đã học được rất nhiều, từ các khái niệm đến cách suy nghĩ rồi cả lối sống từ họ. Tôi học được cách vượt qua ngượng ngùng để nhảy và hát cho niềm vui của bản thân, và tôi học được sự cần thiết phải đứng lên bảo vệ lòng nhân đạo quyết liệt thế nào. Tôi còn biết được Bob Marley là ai nữa chứ! Một hôm đi ăn pizza 99 cents (99 xu một miếng - một trong các món rẻ nhất New York), Kalindy rủ tôi qua phòng chơi nghe nhạc Bob Marley. Tôi hồi đó ở nhà còn đang nghe Bức Tường, thật thà gãi đầu hỏi Bob Marley là ai. Wissam và Kalindy nhìn tôi ngạc nhiên, cười ngặt nghẽo, rồi vỗ vai động viên tôi trả tiền pizza cho cả nhóm để được nghe giảng về Bob Marley. Vậy là hôm đó được nghe vài bài hát, vài mẩu chuyện về nhạc reggae và lối sống hippie, nhưng hippie nghe thì nhiều khi không hiểu mà lại thấy “ghét” nó, gì đâu toàn người trông kỳ và nghe nhạc lạ hoắc. Sau này tôi ngẫm ra là phải được tiếp xúc và thử nghiệm nhiều trong cộng đồng mới có thể thật sự hiểu và trân trọng văn hóa này. (còn tiếp)
Bình luận (0)