Tôi chọn là một hạt cát có trách nhiệm

Hoàng My
(TP.HCM)
30/09/2023 07:24 GMT+7

"Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc mình đứng nhìn về phía thôn làng, nơi những đứa trẻ cổ đeo khăn quàng đang ríu rít, xôn xao đạp xe qua sông trên cây cầu mà mình và mọi người mới xây xong. Lòng trào dâng niềm xúc động.

Đó chính cây cầu bê tông đầu tiên mà chúng tôi hoàn thành việc tài trợ, ở H.Tân Thạnh, Long An, với tổng chi phí khoảng mấy trăm triệu. Hôm cây cầu xây xong, làm lễ bàn giao, người dân ôm nhau mừng rỡ, có người bật khóc. Cảnh tượng đó thật khó mà quên được. Hẳn bà con đã có niềm vui vô cùng to lớn khi được nhìn thấy cây cầu họ luôn mong chờ suốt 60 năm ròng. Cầu đó gọi là cầu Hòa Thuận, là tên ghép của 2 ấp trong xã Phú Thịnh".

Đây là lời kể của anh Hà Vĩ Trí, một doanh nhân đến từ Công ty vệ sinh công nghiệp Phúc Liên, về một lần thiện nguyện mang lại nhiều ấn tượng trong hành trình cho đi dài lâu của mình.

Từng có vài lần anh nghe người khác xa gần rằng mình dù chăm chỉ làm từ thiện thì cũng như hạt cát trên sa mạc, đáng gì đâu nên thôi, hãy dành việc đó cho ai có khả năng và sức ảnh hưởng nhiều hơn. Thế nhưng, anh Trí lại có tâm niệm khác: dẫu nhỏ bé hay lớn lao thì mỗi người vẫn nên có trách nhiệm chung tay vì cộng đồng. Đừng chờ đợi hoặc e ngại, mà hãy cứ gõ, cửa sẽ mở, cứ cho đi, sẽ có người đón nhận, cứ mạnh dạn kêu gọi, sẽ có người chung tay. Tâm niệm đó được anh chân tình chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Tôi chọn là một hạt cát có trách nhiệm
 - Ảnh 2.

Xây cầu cho bà con miền sông nước chính là trao đi “cần câu”

Tác giả cung cấp

Tuổi thơ cơ hàn giúp tôi dễ đồng cảm

Sinh ra và lớn lên ở H.Cần Giuộc (Long An), gia đình tôi làm nông, cuộc sống ấu thơ thiếu thốn đủ điều. Đến khi trưởng thành, lên thành phố mưu sinh với chiếc xe đạp lọc cọc, tôi cũng trải qua biết bao thăng trầm, tự vượt lên chính mình.

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên dưới mái nhà ấm áp, giàu tình thương yêu. Từ nhỏ, chúng tôi đã được mẹ dạy rằng "sống cho đi là trách nhiệm của con người". Hơn nữa, gia đình tôi ngày trước khá cơ cực nên tôi hiểu được nỗi khổ của những người có hoàn cảnh vất vả, khó khăn. Tôi biết ơn thành phố này, nơi đã nuôi dưỡng và trao gửi nhiều trải nghiệm, cũng là nơi cho mình một gia đình để yêu thương, chăm sóc. Trách nhiệm với tổ ấm riêng bé nhỏ khiến tôi hiểu rằng một cái "cần câu" quan trọng biết chừng nào.

Hãy cho họ một cái "cần câu"! Tôi thấy nhiều người sẵn sàng cho "cá" mà không suy nghĩ nhiều về "cần câu". Bởi đôi khi lại dễ phát sinh hệ lụy nếu người ta lợi dụng lòng thương hại, giả tạo, lừa đảo… Có nhiều việc mình không nên phê phán, nhưng khi làm từ thiện, chúng ta cần tỉnh táo và có chiều sâu.

Ví dụ, vì mọi người phát cơm từ thiện nhiều quá, nên có các đối tượng tuy không mù, không tàn tật, không đau ốm, nghèo khổ, khó khăn nhưng cũng giả danh đến nhận, thậm chí họ còn mang đi bán lại. Hoặc trong lĩnh vực giáo dục, nếu trao học bổng là tiền và tập vở thì qua một thời gian ngắn, khó khăn vẫn còn đó. Nhưng nếu tặng xe đạp thì các em sẽ có được phương tiện để đi học đỡ nguy hiểm và vất vả hơn.

Tôi chọn là một hạt cát có trách nhiệm
 - Ảnh 3.

Anh Hà Vĩ Trí cùng con gái trên hành trình thiện nguyện

Đơn cử trường học thiếu nước sạch, chúng tôi dồn sức xây giếng nước, cải tạo, xây mới nhà vệ sinh. Đây là nhu cầu căn bản để bảo đảm chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của học sinh và bà con.

Sau nhiều năm đi lại với các hoạt động từ thiện, tôi nhận ra một cây cầu quan trọng dường nào đối với cuộc sống của người dân miền Tây. Những cây cầu khỉ, cầu tạm thô sơ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rồi vận chuyển nông sản khó khăn, nên khi xây một cây cầu bê tông chắc chắn, đồng nghĩa đã giúp được cả thôn làng xứ đó.

Nếu cho quà, gạo muối lương thực, họ ăn xong phần đó thì coi như hết. Còn khi mình tạo cho họ "cần câu" là một cây cầu an toàn, vững chắc thì họ có thể an tâm đi lại, làm ăn trong mùa mưa lũ. Chúng tôi không đơn giản là làm cầu cho bà con trong vùng, mà ưu tiên chọn nơi có trường học, để trẻ em không cần đi đường xa đến lớp hoặc phải lội qua sông…

Những cây cầu mà tôi từng tham gia xây dựng là ở Long An và Đồng Tháp. Vừa rồi các anh em BNI (tổ chức kết nối thương mại quốc tế) cũng chung tay xây dựng một cây cầu ở xã Phú Thịnh, H.Tâm Bình, Vĩnh Long. Cây cầu đó là niềm mơ ước của hai, ba đời người dân nơi đây. Lâu nay, người dân hai xã muốn qua lại làm việc, trẻ em muốn tới trường thì phải đi vòng qua quốc lộ. Vị trí này cây cối um tùm, vậy nên bà con luôn mong mỏi có được một cây cầu.

Tôi chọn là một hạt cát có trách nhiệm
 - Ảnh 4.

Hình ảnh một cây cầu chuẩn bị được bê tông hóa

Việc từ thiện trong thời đại mới

Trước đây, khi làm việc thiện nguyện, tôi nghĩ chỉ cần làm tròn trách nhiệm của mình, đâu cần truyền thông, kêu gọi. Nhưng theo trào lưu xã hội phát triển, tôi cho rằng việc quảng bá cho các hoạt động từ thiện cần phải được nghiêm túc cân nhắc, miễn sao phù hợp. Tránh để có những việc đầy ý nghĩa và tích cực lại không được lan tỏa đến cộng đồng, đó cũng là đáng tiếc.

Ngoài xã hội có vô vàn người tốt, mình chỉ là một hạt cát có trách nhiệm, cùng mọi người âm thầm làm việc thiện. Hiện nay, cá nhân tôi, Công ty Phúc Liên và cả tập thể BNI Stars nơi tôi sinh hoạt đều tâm niệm rằng, công tác thiện nguyện cần được ghi nhận một cách rõ ràng, minh bạch, đúng sự thật, và đáng tin cậy.

Người làm việc thiện nguyện có thể theo phong trào, làm cho vui, làm vì cái tâm… tất cả đều có nhân duyên của nó. Thật ra, làm thiện nguyện rất áp lực. Điển hình là vào thời điểm kinh tế khó khăn, hoặc thiên tai dịch bệnh, rất nhiều người phải từ bỏ công tác xã hội này. Họ phải lo cho bản thân và gia đình trước, và điều này hoàn toàn không sai. Người ta thường nghĩ mình sẽ làm từ thiện nếu dư dả, giàu có. Tuy nhiên, tâm lý chung của chúng ta là không bao giờ biết đủ.

Nếu biết chắt lọc, dám nghĩ dám làm, tận dụng được sức mạnh chung sẽ khiến cho việc thiện nguyện dễ dàng và hiệu quả hơn. Ví như, nếu xây dựng nhà vệ sinh tầm 3 phòng thì cần 150 triệu đồng trở lại, với điều kiện ta biết cách tận dụng các nguồn lực. Nếu bạn cầm 150 triệu giao cho nhà thầu thì chắc chắn không xây nổi, nên rất cần các cơ quan chức năng ở địa phương đóng góp vào, góp tiền hoặc góp sức đều nhận. Tôi cũng hay kết hợp với các tổ chức Đoàn thanh niên, họ sẵn sàng cho đi tinh thần thanh niên ấy, họ bỏ ngày công làm cầu, làm đường, phụ hồ… nhờ đó cắt giảm được rất nhiều chi phí nhân công.

Làm chủ doanh nghiệp không chỉ là kinh doanh

Có nhiều người cho rằng, khi bạn khởi nghiệp, kinh doanh hay làm chủ là bạn đang nâng tầm vị trí xã hội của mình, kiếm tiền cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, trên cương vị một chủ doanh nghiệp, tôi đã và đang cố gắng đóng góp cho xã hội. Hãy hình dung, nếu đi làm công, nghĩa là bạn chỉ lo cho mỗi bản thân mình. Nhưng nếu bạn làm chủ, bạn cần phải lo cho cuộc sống của tất cả người lao động trong doanh nghiệp mình. Và đó chính là bạn đang giúp cho đất nước, xã hội này bớt đi nhiều gánh nặng về việc làm.

Tôi nghĩ đơn giản như thế, và thấy rằng đó là trách nhiệm của mình, là việc mình nên làm, và phải làm bền vững. Đừng để những chuyện cơm áo gạo tiền, áp lực lời ra tiếng vào khiến mình nhụt chí. Phải kiên định với niềm tin của mình. Đương nhiên sức khỏe hay tài chính là điều kiện tiên quyết. Nhưng không phải khi hai yếu tố đó gặp vấn đề thì mình bỏ, không làm từ thiện nữa mà mình hoàn toàn có thể sẻ chia cùng cộng đồng từ những cho đi nho nhỏ mà đáng quý. 

Tôi chọn là một hạt cát có trách nhiệm
 - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.