Tôi có ý kiến: Đề cao cảnh giác để tự bảo vệ mình

21/12/2015 04:35 GMT+7

Trong khi chờ cơ quan chức năng ra tay dẹp nạn dàn cảnh cướp giật thì trước hết người dân nên tự cảnh giác bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.

Trong khi chờ cơ quan chức năng ra tay dẹp nạn dàn cảnh cướp giật thì trước hết người dân nên tự cảnh giác bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 20.12 đăng bài Cảnh giác “bẫy” cướp giật.
Công an cần quyết liệt
Theo tôi, trách nhiệm này thuộc về lực lượng công an. Tại sao tội phạm ngày một hành động liều lĩnh và trắng trợn như vậy, phải chăng chúng đang thách thức cơ quan chức năng, khiến người dân lúc nào ra đường cũng cảm thấy bất an, phải cảnh giác đủ thứ. Vì vậy, cơ quan công an cần phải quyết liệt hơn nữa, nên tăng cường tuần tra và xử lý thật nghiêm với loại tội phạm này để đem lại bình yên cho xã hội.
Trần Quý (H.Hoài Nhơn, Bình Định)
Bảo vệ chính mình
Trước khi chờ cơ quan chức năng xử lý, mỗi người dân nên cảnh giác tự bảo vệ mình. Tuyệt đối không nên mang theo quá nhiều tiền khi đi xe gắn máy. Còn nếu cầm tiền nhiều thì đi taxi là an toàn nhất. Nếu cần thiết thì không nên đi một mình, đồng thời luôn chọn những con đường có đông người để lưu thông. Điều quan trọng là cần phải bình tĩnh, luôn cảnh giác để nếu khi rơi vào tình huống bị “bẫy” thì tri hô, nhờ sự giúp sức của người đi đường, và quan trọng là phải gọi ngay cho công an để kịp thời can thiệp xử lý.
Nguyễn Thanh Mai (TP.Tân An, Long An)
Cần chuyên nghiệp hơn
Có một thực tế là khi gặp những tình huống đó, nạn nhân thường chịu trận một mình và gọi người thân đến chứ ít khi nhận được sự hỗ trợ của người xung quanh hoặc nghĩ đến việc gọi cảnh sát 113. Nguyên nhân một phần là do kỹ năng của người VN chưa thực sự quen gọi 113. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng khi gọi 113 sẽ được giải quyết nhanh gọn. Vì vậy, ngoài việc người dân nên tập thói quen gọi ngay 113 thì lực lượng công an cũng cần chuyên nghiệp hơn nữa để người dân có thể tin tưởng và an tâm. Điều này chúng ta nên nghiên cứu học hỏi hệ thống 911 của Mỹ, khi có sự cố xảy ra, chỉ cần bấm 911 là cảnh sát có mặt gần như tức khắc.
Hoàng Khanh (Q.7, TP.HCM)
Chủ động ứng phó
Tôi nghĩ bây giờ ra đường phải luôn luôn sẵn sàng và chuẩn bị phương án cần thiết, để nếu xảy ra tình huống bị “bẫy” sẽ chủ động giải quyết ngay. Khi xảy ra va chạm, nếu nghi ngờ thì khóa ngay cổ xe, rút chìa khóa và chủ động chạy đến chỗ đông người tri hô, nhờ sự hỗ trợ của người khác. Không nên ngồi trên xe để giải quyết sự việc vì rất dễ bị rơi vào thế bị động.
Nguyễn Tấn Khoa (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Trước hết, người dân nên luôn đề cao cảnh giác để tự bảo vệ mình khỏi rơi vào “bẫy” như: hạn chế mang tiền nhiều, không nên đi khuya, đi đường vắng. Nếu thấy nghi ngờ thì nên tấp vô đường chỗ đông người. Còn nếu tình huống đã xảy ra thì nên tri hô và nghĩ ngay đến sự trợ giúp của những người xung quanh, của lực lượng cảnh sát giao thông tại các chốt hoặc bảo vệ các tòa nhà... Và quan trọng là phải ưu tiên bảo vệ tính mạng trước.
Luật sư Bùi Thới Vinh (Đoàn luật sư TP.HCM)
Theo tôi, cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông cần tuyên truyền hơn nữa về những tình huống này cũng như về cách ứng xử phù hợp để người dân được nâng cao cảnh giác và biết cách xử lý khi xảy ra. Bên cạnh đó, lực lượng công an cần phải có trách nhiệm hơn nữa để người dân tin tưởng khi xảy ra sự cố thì sẽ nghĩ ngay đến chuyện gọi cho lực lượng công an để được can thiệp kịp thời.
Luật sư Nguyễn Trung Chính (Đoàn luật sư TP.HCM)
An Phong - Hải Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.