Cần chuyên nghiệp hơn và có sự thay đổi cách nhìn đối với nghề giúp việc, đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Hấp dẫn nghề giúp việc đăng trên Thanh Niên ngày 25.1.
Cần cái nhìn khác hơn
Giúp việc nhà cũng là một nghề như bao nhiêu nghề khác, có cầu thì phải có cung. Thực tế, rất nhiều gia đình cần có người giúp làm công việc nhà, trông nom con cái, nhà cửa... Ở các nước khác, người ta xem đây như là một nghề thực sự, gọi bằng "quản gia", "quản lý". Còn ở VN thì quen gọi là người ở hay "ô-sin", dẫn đến xã hội có cái nhìn thiếu tôn trọng. Đó cũng là lý do khiến ít người chọn công việc này, thường chỉ dành cho những người không có việc làm, thiếu bằng cấp... Do đó, xã hội cần có cái nhìn khác hơn về người giúp việc.
Nguyễn Nhật Tân (Q.7, TP.HCM)
Nên chuyên nghiệp
Nghề giúp việc nhà tuy hấp dẫn, nhu cầu cao nhưng cũng gặp nhiều rủi ro do có thể phát sinh nhiều phức tạp. Theo tôi, để tránh những phức tạp xảy ra thì nhà nước, các tổ chức nên mở các lớp đào tạo nghề này một cách chuyên nghiệp. Tuyển chọn, đào tạo và cung cấp cho các gia đình với những cam kết ràng buộc trách nhiệm của người giúp việc cũng như gia chủ. Như vậy nghề giúp việc sẽ được tôn trọng hơn mà gia chủ cũng sẽ dễ tìm kiếm và yên tâm hơn với người giúp việc của mình.
Trần Đức Hòa (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Phải có kỹ năng
Ngoài sự trung thực, nghề này còn đòi hỏi người làm cũng phải có những kỹ năng nhất định như sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại, biết chăm sóc trẻ em, người già, ứng xử với các tình huống bất ngờ... Vì vậy, theo tôi các trường dạy nghề, các tổ chức cần mở các lớp đào tạo để nghề này càng chuyên nghiệp hơn, thu hút người lao động vào nghề này, giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp như hiện nay.
Lê Đình Thịnh (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Chấn chỉnh việc môi giới
Thực tế, có nhiều trường hợp do khan hiếm người giúp việc nên các gia đình phải tuyển người tại những điểm môi giới không uy tín, dẫn đến bị các trung tâm môi giới lừa đảo, giới thiệu người cho có để lấy tiền "cò", chưa kể nhiều hệ lụy xảy ra như trộm cắp tài sản chủ nhà... Mong rằng thời gian tới, bên cạnh việc chuyên nghiệp hóa nghề giúp việc thì nhà nước cũng cần chấn chỉnh các hoạt động môi giới nghề giúp việc nhà nói riêng và môi giới việc làm nói chung.
Phạm Phi Hùng (Q.9, TP.HCM)
Nên học hỏi các nước xung quanh
Thật kỳ lạ vì nghề này nhu cầu rất lớn nhưng tìm không ra người, trong khi đó thì người thất nghiệp đang có nhu cầu tìm việc lại rất nhiều. Như vậy, làm sao để cho 2 nhu cầu đó gặp được nhau? Chúng ta nên học hỏi ở các nước, tại sao người Philippines lại qua VN làm nghề này rất nhiều và lương của họ cũng rất cao, trong khi nhân lực VN không thiếu. Đó là do họ được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đây là vấn đề mà chúng ta phải xem lại.
Nguyễn Văn Đức (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Nguyễn Ngọc Điệp (Q.1, TP.HCM)
Bùi Ngọc Lan (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)
TT - Hải Nam (thực hiện)
|
Bình luận (0)